Tiếp viên hàng không làm lây lan Covid-19, cấp quản lý có vô can?

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - "Đã có lỗ hổng trong việc quản lý dẫn đến việc để cho bệnh dịch bị lây lan. Trong trường hợp này, không thể thoái thác trách nhiệm và chỉ đổ lỗi cho 1 cá nhân".

Nam tiếp viên hàng không vi phạm những điều khoản nào?

Thưa luật sư, bệnh nhân 1342 có những hành vi cụ thể nào vi phạm pháp luật để dẫn đến việc bị khởi tố vụ án hình sự?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Bệnh nhân 1342 là người trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19, đã được cách ly tập trung và sau đó cách ly tại nhà. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly, Bệnh nhân này lại tiếp xúc gần với nhiều người (trong đó có bệnh nhân 1347) và đi ra ngoài ăn uống, đi học tại trường Hutech... Có thể thấy, đây là hành vi không tuân thủ quy định về việc cách ly tại nhà.

Tiếp viên hàng không làm lây lan Covid-19, cấp quản lý có vô can? - 1

Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cáo có ban hành công văn số 45/TANDTC-PC nhằm hướng dẫn công tác xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo nội dung công văn này, hành vi của Bệnh nhân 1342 có thể bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm C khoản 1 Điều 240 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Mức hình phạt tối đa đối với tội danh này lên đến đến 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm…

Mới đây, Hà Nội cũng đang yêu cầu xử lý 3 tiếp viên hàng không vi phạm quy định cách ly. Theo luật sư, 3 tiếp viên này có thể bị xử lý thế nào?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Không giống như bệnh nhân 1342, những trường hợp này vẫn chưa gây ra những hậu quả nặng nề. Vì thế, 3 trường hợp này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 117 năm 2020 của Chính phủ, tùy vào tính chất, mức độ của sự việc mà có những mức độ xử phạt khác nhau.

Ngoài trách nhiệm cá nhân, những đơn vị quản lý việc cách ly của bệnh nhân 1342 phải chịu những trách nhiệm gì theo pháp luật thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Trong quá trình khởi tố vụ án đối với trường hợp này, cơ quan an ninh điều tra sẽ tiến hành xác minh điều tra làm rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong việc quản lý những trường hợp giống như bệnh nhân 1342.

Rõ ràng, đã có lỗ hổng trong việc quản lý dẫn đến việc để cho bệnh dịch bị lây lan. Trong trường hợp này, không thể thoái thác trách nhiệm và đổ lỗi cho 1 cá nhân mà phải xác định là có sự thiếu trách nhiệm ở đây.

Nếu trong quá trình xác minh điều tra của cơ quan an ninh điều tra, công an TPHCM xác định có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể tiến hành khởi tố bổ sung đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo tôi, nên mạnh dạn và quyết liệt trong những trường hợp này để đủ sức răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội. Không thể thông cảm dù bất kỳ lý do gì để dịch bệnh lại bùng phát nặng nề hơn.

3 tiếp viên hàng không tại Hà Nội sẽ bị xử lý như thế nào?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm