Tiếp tục "lộ" bất thường trong vụ đôi vợ chồng bị oan sai trong vụ án lạ
(Dân trí) - TAND huyện Tuy Đức thẩm định tài sản để thương lượng, bồi thường cho hai công dân bị oan. Tuy nhiên, người dân tố dù không đi thẩm định nhưng thẩm phán được phân công vẫn ký vào biên bản hiện trường.
Ngày 10/9, gia đình ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng, hai công dân từng mang án oan tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông xác nhận với Dân trí, ông bà đã gửi đơn khiếu nại tới TAND huyện Tuy Đức, phản ánh những dấu hiệu vi phạm của thẩm phán trong quá trình giải quyết đền bù cho hai ông bà.
Theo đó, sáng ngày 27/8, TAND huyện Tuy Đức đã thành lập đoàn xác minh hiện trạng đất thiệt hại của vợ chồng ông Võ, bị thiệt hại trong quá trình xử lý vụ án hình sự liên quan đến hai công dân này.
Theo clip và biên bản mà gia đình ghi lại, buổi làm việc đều không có sự xuất hiện của ông Nguyễn Tiến Thọ, người được phân công giải quyết vụ việc.
Đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Võ gửi TAND huyện Tuy Đức khẳng định, ông Nguyễn Tiến Thọ được phân công giải quyết, xác minh, thẩm định, thương lượng theo luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Dù không có mặt tại buổi thẩm định thực tế (tức vào sáng 27/8), thế nhưng sau đó, tất cả các biên bản đều thể hiện sự có mặt của ông này.
Đặc biệt, cũng theo gia đình ông Võ, đến ngày 3/9, trong buổi làm việc trực tiếp tại TAND huyện Tuy Đức, ông Thọ luôn nêu quan điểm, khó thương lượng mà phải đưa ra xét xử bằng một vụ án dân sự khác.
Chị Nguyễn Thị Thi, con gái ông Nguyễn Văn Võ cho biết, trong buổi làm việc ngày 27/8, chỉ có sự xuất hiện của thư ký phiên tòa cùng cán bộ đại diện chính quyền địa phương và một người đàn ông “lạ mặt”. Người “lạ mặt” được phân công viết biên bản làm việc, thế nhưng trong biên bản cũng không thể hiện người này là ai, có vai trò gì?
Cũng theo chị Thi, tại buổi lập biên bản, người lập biên bản đã “cố tình” để trống một dòng đầu tiên mục “Thành phần tham dự”, sau đó đưa về và tự bổ sung thêm ông Nguyễn Tiến Thọ, thẩm phán TAND huyện Tuy Đức.
“Chúng tôi quay clip, chụp biên bản để làm bằng chứng. Việc ông Thọ không xuất hiện tại các buổi làm việc là sự thật. Thế nhưng sau đó tên ông Thọ lại được bổ sung “bất thường” vào các tờ biên bản làm việc. Đến đầu tháng 9/2020, khi nhận lại biên bản photo, chúng tôi mới phát hiện sự việc nên làm đơn khiếu nại”, chị Thi bức xúc.
Trong Đơn khiếu nại của hai công dân được minh oan ngày 5/6/2020 còn nêu rõ, dù không trực tiếp đến hiện trường, chưa thẩm định thiệt hại, thế nhưng trong buổi làm việc ngày 3/9, ông Thọ đã đưa ra nhận định khó lòng thương lượng; không trưng cầu giám định thiệt hại tài sản; không trưng cầu giám định tâm thần đối với ông Võ…
“Theo Luật trách nhiệm bồi thường và Nghị định 68 của Chính phủ về trách nhiệm bồi thường, ông Thọ đã suy diễn và không thực hiện đúng, bỏ qua nhiều trình tự, thủ tục”, đơn Khiếu nại gửi TAND huyện Tuy Đức khẳng định.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Đức Hồng, Chánh án TAND huyện Tuy Đức khẳng định, nếu được phân công thì thẩm phán phải có mặt tại buổi làm việc, thẩm định. Nếu cán bộ không tham gia mà vẫn ký vào biên bản hiện trường là vi phạm, sai quy định.
“Chúng tôi đã nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Võ đồng thời đề nghị thẩm phán báo cáo, giải trình sự việc", ông Hồng nói.
Theo một lãnh đạo ngành tòa án, nếu đúng như đơn khiếu nại, thẩm phán được phân công giải quyết không có mặt tại buổi thẩm định thì sẽ phải thực hiện lại theo đúng quy định.
“Không có mặt nhưng vẫn ký là vi phạm”
Luật sư Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông cho rằng, nếu một thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc, tham gia thẩm định thì trong quá trình đi thẩm định, phải có mặt thẩm phán này.“Việc bổ sung thêm ông Thọ vào biên bản xác minh dù ông này không đi hiện trường là không đúng quy định. Biên bản được lập không còn giá trị. Nếu việc bổ sung thêm ông Thọ vào thành phần tham dự, làm thay đổi nội dung, bản chất buổi làm việc thì đơn vị nơi ông Thọ làm việc phải xem xét kỷ luật ông này”, luật sư Huy nhận định.
Tương tự, một luật sư khác cũng nhận định, việc ông Thọ không đi xác minh nhưng vẫn ký vào biên bản xác minh là “ký khống”, ảnh hưởng tới quá trình giải quyết, thương lượng bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.