Bạn đọc viết:

“Tiên học lễ, hậu học văn” chưa bao giờ cũ

(Dân trí) - Tôi ở trọ trong một ngõ nhỏ nằm ở ngoại thành TP.HCM, dân cư đủ mọi thành phần. Tôi đã chứng kiến hai câu chuyện nho nhỏ trong cùng một ngày và gợi cho tôi nhiều suy nghĩ, xin được chia sẻ.

“Tiên học lễ, hậu học văn” chưa bao giờ cũ - 1

1. Lan và Yến là hai đứa trẻ đang học lớp 2, cùng trường nhưng khác lớp. Lan có học lực giỏi còn Yến học lực trung bình. Mẹ của hai đứa trẻ chơi rất thân với nhau, mẹ của Yến nhờ Lan sang nhà kèm con mình học.

Được một tuần êm ả. Đến tuần thứ hai, mẹ Yến hoảng hốt khi đi làm về thấy con mình chui vào gầm giường khóc.

Hỏi ra mới biết trong lúc chỉ Yến học bài, Lan đã cầm thước gỗ như cô giáo và đánh Yến kèm với những lời nói “Con Yến đâu, ra tao bảo”, “Sao mày học dốt thế, chỉ mãi không biết, giơ tay ra tao cho một roi”... Mẹ Yến sang nói với cô bạn hàng xóm, nhưng mẹ Lan lại một mực bênh vực con. Hai người bạn thân giận nhau từ đó chỉ vì hai đứa trẻ con.

2. Quốc học lớp 4, con trai một phó hiệu trưởng trường THPT, Huy là con của hai vợ chồng làm công nhân. Quốc được học ở trường tiểu học tốt nhất của quận, còn Huy mới học lớp 3 ở quê nhưng theo ba mẹ lên Sài Gòn làm ăn, không có giấy tờ, không hộ khẩu nên không đi học, suốt ngày lêu lổng. Một hôm, do cãi nhau trong lúc chơi bắn bi, Quốc mắng  Huy “Đồ ăn gian, đồ ngu. Mày ngu lắm. Mà mày có đi học đâu. Mày đâu có biết đánh vần”.

Ai đúng, ai sai trong hai câu chuyện trên? Tôi nghĩ lỗi không thuộc về trẻ em, có chăng đó là lỗi của bậc làm thầy, làm cha mẹ. Cái gốc của giáo dục là dạy dỗ nhân cách đã bị xem nhẹ. Dẫu biết nói như vậy chẳng khác nào ca mãi điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Nếu trẻ em là một tờ giấy trắng thì rất mong người lớn hãy viết lên những trang giấy trắng ấy câu danh ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Lê Mạnh Tùng
(Số 19/1 đường 15, khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm