Dạy con nên người:

Tiên học lễ

(Dân trí) - Ai cũng bảo nhà ấy danh giá. Bố đến tuổi, nghỉ hưu được vài tháng, anh con lại được giáo viên trong trường bầu vào chức hiệu trưởng. Thật là nòi nào giống ấy.

Hai mươi năm làm hiệu trưởng, ông bố mang về cho nhà trường cái Huân chương Lao động hạng Nhất, một giải ba Toán, một giải nhì Văn toàn tỉnh. Đến lượt con, mới làm được một năm mà tiếng khen đã nhiều.

Hồi ấy, tôi làm Trưởng phòng Giáo dục thị xã, khách khứa nhiều nhưng thoáng thấy ông cựu hiệu trưởng lên chơi, lập tức phải dẹp mọi chuyện. Dù sao, chúng tôi đều là học trò của ông.

- Này anh Tính (tên tôi). Anh phải có ý kiến với anh Thi (tên con ông). Nó định phá nát cái cơ ngơi tôi tốn công xây dựng mấy chục năm đấy phải không?

Không thèm nghe tôi nói, ông tá hoả:

- Vừa lên chức hiệu trưởng nó liền cho ngay một thầy nghỉ dạy, xuống làm văn phòng. Một cô giáo từng dạy nó sang ngạch bổ túc văn hoá. Hai lớp chuyên Văn, chuyên Toán từng mang lại vẻ vang cho trường bị giải tán. Đâu như nó còn định xây tường ngăn khu giáo viên với lớp học, muốn đến lớp phải đi đường vòng, bắt buộc qua cổng trường... Quá lắm! Các anh bây giờ quá lắm...

Không dám cãi thầy, tôi im lặng nghe, khi ông đã về tôi vớ lấy xe máy phóng thẳng xuống trường. Thi đóng cửa ngồi một mình trong phòng hiệu trưởng, thấy tôi anh chỉ hơi nhếch mép chào.

- Cậu đổi mới đổi cũ thế nào mà thầy (chúng tôi vẫn quen gọi thế) lên Phòng giáo dục làm um lên vậy? - tôi hốt hoảng.

Thi đứng dậy pha nước rồi đưa tôi một tờ giấy:

- Mình đang muốn lên gặp ông rồi gặp Sở đây. Một là cho chuyển sang trường khác. Hai là cho mình từ chức.

- Gì mà căng thế?

- Căng cái gì? Từ tối qua đến giờ, mình bị cụ mắng nhiếc nhục quá. Cụ còn cố tình nói thật to để hàng xóm nghe thấy cơ. Chuyện chẳng có gì, mình cho học trò quét vôi xoá khẩu hiệu "Tiên học lễ - hậu học văn" trên tường đi. Thế là om sòm lên.

- Thì ra thế. Nhưng sao ông lại xoá đi?

- Cổ bỏ mẹ đi ấy, mà chẳng ai hiểu gì hết. Tiên học lễ, học theo "lễ" của cụ Khổng à? Theo lễ của cụ Khổng thì còn gì là ý chí vươn lên nữa. Khốn khổ hơn bây giờ học trò nó bảo: "Tiên học lễ" là trước tiên phải học cách mang "lễ" đến thầy, cô giáo rồi sau đó chỉ cần học môn văn thầy Hiệu trưởng dạy là đủ.

Tôi bò ra cười. Thi cũng cười, anh lẩm bẩm: "Các cụ là không muốn ai hơn mình, làm khác mình. Bố con còn thế thì xã hội nặng nề đến đâu".

Vũ Duy Thông

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm