Kon Tum
Thủy điện xả lũ "đúng quy trình", người dân khốn đốn vì thất thu
(Dân trí) - Nhiều hộ dân thôn 3 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) liên tục đòi bồi thường thiệt hại do thủy điện xả lũ. Phía thủy điện lại cho rằng "xả lũ theo đúng quy trình".
Nhiều tháng qua, người dân thôn 3 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng để phản ánh việc thủy điện Thượng Kon Tum xả lũ khiến hàng chục hecta đất, hoa màu của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước. Vụ việc đã xảy ra hơn 5 tháng nhưng vẫn chưa được giải quyết khiến đời sống của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo phản ánh của người dân, sáng 11/10/2020, khi người dân thôn 3 đang làm việc trên đồng, ở phía dưới hạ lưu sông Đăk Snghé thì đến 9h, sau khi nghe còi báo động xả lũ của thủy điện Thượng Kon Tum, lũ bắt đầu đổ về trên sông. Khoảng 3 - 4 tiếng sau, nước lũ đã nhấn chìm nhiều diện tích đồng ruộng, nương rẫy của bà con nằm sát bờ sông.
Anh Mai Văn Anh (SN 1992, thôn 3) cho hay: "Lúc đó, thấy nước thủy điện chảy từ trên thượng nguồn đổ về đã cuốn trôi gần 1 sào lúa đang gần thu hoạch. Số diện tích lúa trên là mồ hôi, công sức mà vợ chồng chăm sóc để lấy gạo ăn và lo chi phí học tập cho các con, giờ cát và đá cũng lấp đầy ruộng không thể trồng trọt được, những vụ mùa sau chúng tôi không biết phải lấy tiền đâu để lo cho các con.".
Ông Mai Văn Bình (SN 1969, thôn 3, xã Tân Lập) cho biết: "Sau khi nghe tiếng còi báo xả lũ, đến chiều thì thấy khoảng 1,5 ha trồng cà phê bị ngập khoảng 80% diện tích. Trước đây với số diện tích cà phê trên gia đình thu được khoảng 23 tấn tươi, năm vừa rồi do bị ngâm nước nên cà phê rụng, thối nên chỉ thu được gần 5 tấn. Do ảnh hưởng của đợt ngập vừa qua, một số diện tích cà phê của gia đình bị chết cành, thối rễ.".
Sau khi sự việc xảy ra, 25 hộ dân với gần 11 ha ruộng bị ảnh hưởng đã làm đơn trình báo lên chính quyền địa phương; bên cạnh đó, yêu cầu thủy điện Thượng Kon Tum xuống kiểm tra, thống kê và bồi thường thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, phía thủy điện không xuống ngay mà đề nghị người dân quay video và lưu lại hình ảnh; sau khoảng 2 tháng xảy ra sự việc thủy điện mới cử người xuống xem xét, nhưng không chịu nhận trách nhiệm.
"Chúng tôi mong muốn các cơ quan ban ngành kiểm tra, giải quyết triệt để vấn đề này bởi hàng năm cứ mùa nắng thủy điện chặn dòng gây khô hạn, mưa xuống lại xả lũ thì bà con không biết tiếp tục canh tác và sinh sống như thế nào.", ông Bình nói.
Về vấn đề này, ông Trương Duy Đông, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập thông tin, vào tháng 10/2020, khi cơn bão số 6 đi qua, 25 hộ dân đã phản ánh về việc thủy điện Thượng Kon Tum xả lũ gây thiệt hại về cây trồng; sau khi sự việc xảy ra, xã đã mời thủy điện đến làm việc. Tuy nhiên, đến lần thứ 3 thủy điện mới cử người xuống kiểm tra, xem xét thiệt hại của bà con.
"Đại diện thủy điện Thượng Kon Tum lại cho rằng đã xả lũ theo đúng quy trình, cây trồng của người dân bị ảnh hưởng không phải lỗi ở thủy điện; nhưng với 25 hộ gia đình bị thiệt hại thủy điện sẽ hỗ trợ tổng cộng hơn 23 triệu đồng để người dân ổn định canh tác. Tuy nhiên, người dân không đồng ý vì cho rằng số tiền bồi thường không thỏa đáng so với việc thủy điện xả lũ.", ông Đông cho biết thêm.
Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Kon Tum, đơn vị này đã nhận được đơn thư về việc thủy điện xả lũ gây ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu của người dân. Sở Công thương tỉnh Kon Tum đang phối hợp với UBND huyện Kon Rẫy kiểm tra để có thông tin chính thức, sau khi có kết quả mới có cơ sở xử lý.