Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và kỷ niệm với Bác Hồ

(Dân trí) - Đây là những câu chuyện, suy nghĩ cảm động của GS Thượng tướng Hoàng Minh Thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kỷ niệm đó dù nhỏ, nhưng đã đi theo vị tướng tài ba này, trải bao tháng năm trận mạc, góp phần làm nên những chiến công lừng lẫy non sông.

Bác đãi cháo quẩy ở Nam Ninh

Dự trù trước những tháng ngày cam go sắp tới của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Bác chủ trương chọn một số thanh niên có cảm tình với Đảng tại các địa phương, chủ yếu là Cao Bằng, Lạng Sơn sang học tại trường Quân sự ở Liễu Châu (Trung Quốc) từ năm 1941 đến năm 1944. Là một trong những thanh niên được chọn, nhưng vì ở xa nên tôi không được gặp Bác.

Mùa hè 1944 trên đường trở về Việt Nam sau những tháng dài chịu bao gian khổ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ vẫn xếp lịch dừng lại ở Nam Ninh gặp mặt những thanh niên Việt Nam đang học tại trường Quân sự Liễu Châu. Bác đến nói chuyện với anh em, động viên mọi người đoàn kết, chịu khó học tập quân sự để sau này về tổ chức lực lượng vũ trang, kháng Pháp.

Khi gặp Bác, anh em chúng tôi ai cũng thương cảm vì trông Bác rất gầy và yếu. Tôi cùng một vài anh em khi đó là học viên lớp biệt động quân Trung - Mỹ, được trợ cấp cũng khá tốt nên muốn mời Bác một bữa ăn "kha khá một chút". Nhưng Bác không đồng ý. Bác bảo: Ta còn nghèo, các đồng chí cũng chỉ được phụ cấp một ít, phải suy nghĩ tính toán thật kỹ khi tiêu dùng. Sau đó mấy Bác cháu cùng đi ăn cháo quẩy và Bác là người trả tiền.

Chỉ riêng một chi tiết rất nhỏ đó, cũng khiến anh em lưu học sinh tại trường Quân sự suy nghĩ rất nhiều về Bác, về cuộc kháng chiến sắp tới. Đó là sự nhất quán trong mọi hoàn cảnh: tiết kiệm, chủ động, tự lực cánh sinh.

Tư tưởng "lấy dân làm gốc"

Một điều nữa, tôi rất muốn nói đến, đó là tư tưởng kế thừa sâu sắc tinh hoa quân sự dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng vĩ đại "Lấy dân làm gốc" đóng vai trò sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Đức thánh Trần Hưng Đạo có nói: "Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước".

Nguyễn Trãi thì nói: "Dân là người chở thuyền và cũng là người lật thuyền". Hồ Chí Minh nói: "Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân... Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân".
Điều này đặc biệt thể hiện ở nghệ thuật quân sự, phương thức chiến tranh của Đảng ta, của Bác Hồ: Lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy thế thắng lực.

Về điều này, Nguyễn Trãi nói: Được thời được thế thì mất biến thành còn, nhỏ hoá ra lớn, không thời mất thế thì to hoá ra nhỏ, mạnh hoá ra yếu, an lại thành nguy. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công".

Trong thực tế chiến tranh, nghệ thuật quân sự của Việt Nam được thể hiện ở sự kết hợp lực, thần, thế, thời, mưu để tạo thành sức mạnh tổng hợp để tiến hành chiến đấu và chiến thắng kẻ địch. Mưu cao nhất là mưu lừa địch. Kế hay nhất là kế điều địch. Thế tốt nhất là thế chia cắt địch. Mưu sinh ra kế - Thế đẻ ra thời. Đánh bằng mưu, kế, thắng bằng thế, thời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Độc lập, tự do chính là người dân có quyền làm chủ cuộc sống của mình. Chính vì vậy mà nhân dân ta đã anh dũng đấu tranh giành độc lập. Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tạo nên sức mạnh to lớn. Chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc to lớn, hung bạo nhất thế giới trên cơ sở kế thừa và phát huy những truyền thống tinh hoa của tổ tiên, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, với trí thông minh sáng tạo của quân và dân ta.

Ngoài ra, thắng lợi của chúng ta còn nhờ sự giúp đỡ của nhân dân các nước tiến bộ trên thế giới. Chúng ta đã biết kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại để làm nên chiến thắng, mở ra giai đoạn mới của lịch sử dân tộc.

Suy nghĩ của riêng tôi, để cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đi vào thực tiễn, ngoài việc giáo dục thật mạnh thì phải đi đôi với việc quản lý chặt chẽ cán bộ. Và người cán bộ, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, vị trí nào, cũng phải là người làm gương trước hết!

Phúc Hưng (ghi)