Bạn đọc viết:

Thương con, chiều con thành ra… “sợ” con

(Dân trí) - Nhịn ăn, giận dỗi, bỏ học, bỏ nhà đi bụi, thậm chí… dọa tự tử là những “chiêu” được nhiều bạn học sinh áp dụng để thuyết phục bố mẹ cho sử dụng xe máy.

Thương con, chiều con thành ra… “sợ” con - 1

Trao đổi "kinh nghiệm"
 
Trên diễn đàn học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, một bạn chia sẻ:“Mình năm nay học lớp 10. Khi đi chơi, tụi bạn mình đều đi xe máy mà không gặp một cản trở gì. Mình đã nhiều lần thuyết phục bố mẹ cho phép mình đi xe máy nhưng không được. Bạn nào có lý do chính đáng gì để thuyết phục bố mẹ mình cho đi xe máy được không?”

Một bạn khác chia sẻ trên diễn đàn vozforums: “Tình hình là em sắp vào lớp 12, cần một chiếc xe để đi học, đi chơi, đi dạo... Cho nên bố đồng ý mua cho em một chiếc xe khoảng 20 triệu. Nhưng các bác thông cảm! Em không chê xe nhưng không thích mấy đứa bạn kêu nhà giàu "keo" chạy xe "cùi". Vả lại em còn phải đi tán gái, sau này còn mang xe vào Sài Gòn học... Em phải làm sao đây? Các bác có cách nào giúp em thuyết phục bố mẹ không?”

Nhiều bạn có “kinh nghiệm” vòi vĩnh bố mẹ mua xe đã tự hào chia sẻ: “Lúc trước mình cũng như bạn. Năm lớp 11 mình đòi mua xe. Mẹ mình bảo mua chiếc Sirius, mình nhất quyết không chịu và giả vờ giận. Ba ngày nhịn ăn liên tục, thế là mẹ đồng ý cho mua Exciter. Bạn làm theo cách của mình xem sao!”
 
Một số kinh nghiệm “độc” hơn nữa là dọa đi bụi, thậm chí dọa tự tử!

Một tháng gần đây, con gái chị Hoa (phườngYên Phụ, quận Ba Đình, Hà Nội) bỗng dưng “đổi gió”, không đi xe đạp mà đi bộ đi học. Nhà khá gần trường nên chị cũng tin con. Một lần, trên đường đi làm về, chị bắt gặp con gái đang “kẹp ba” với hai cô bạn cùng lớp trên chiếc xe máy Lead mà không đội mũ bảo hiểm. Cô con gái chạy xe lướt qua mẹ mà không hề hay biết vì đang mải cười đùa. Chị Hoa rất bất ngờ. Về hỏi con thì mới biết, hóa ra cả tháng nay cô bé nói dối bố mẹ. Thực ra, cô bé chỉ đi bộ một đoạn, đến “điểm hẹn” là nhảy lên xe máy của bạn.

Giống với trường hợp chị Hoa, anh Hùng (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cũng đang đau đầu vì cậu quý tử. Cậu con trai mới vào lớp 10 bị hàng xóm nhiều lần bắt gặp đang lướt xe thiện nghệ với bạn bè. Chính anh Hùng cũng “bắt quả tang” con trai sáng nào cũng đạp xe từ nhà đến… nhà bạn, rồi chuyển sang đi xe máy đến trường.   
 
Gây áp lực      

Không chỉ dừng lại ở việc lén lút đi xe máy, nhiều bạn học sinh còn sử dụng “độc chiêu” để vòi vĩnh bố mẹ mua xe.

Đang là học sinh lớp 11 trường THPT Phan Đình Phùng, Long đã nhiều lần “nịnh” bố mẹ mua xe máy. Không thuyết phục được bố mẹ, Long bắt đầu mặt nặng mày nhẹ, cả ngày không nói năng gì. Sáng thì đi bộ đi học, không “thèm” đi xe đạp. Có hôm hết giờ học mà chờ mãi không thấy con về, bố mẹ sốt ruột, đi tìm. Thấy cậu quý tử đang cuốc bộ, mồ hôi nhễ nhại, thở hồng hộc! Xót con, bố mẹ Long cũng đồng ý mua xe máy để con đi học … đỡ vất vả.

Chưa hết bất ngờ với “chiêu” tuyệt thực của con trai sau khi bị mẹ từ chối mua cho xe máy, chị Mai phát hoảng khi con bỏ nhà đi bụi nhiều hôm. Để mời được con về, chị đành buồn lòng làm theo điều kiện của con: “Mẹ mà không mua xe máy cho con thì con sẽ bỏ học, không về nhà”!  

Đa số các trường hợp nêu trên đều là những học sinh vốn được nuông chiều từ bé nên quen vòi vĩnh và tìm đủ mọi cách để được đáp ứng nhu cầu, kể cả dọa dẫm, lợi dụng điểm yếu của bố mẹ. Một số em khác lại đối đầu với bố mẹ để thể hiện cá tính, khẳng định sự độc lập, trưởng thành của mình. Tuy nhiên, cũng nhiều khi do bị lôi kéo, sinh đua đòi mà các em có hành động đó.

Các gia đình hiện đại ngày càng ít con, đời sống vật chất ngày càng khá giả. Tiền kiếm được là để “dốc” vào con. Vì thế, không ít phụ huynh thương con, chiều con thành ra… “sợ” con. Đứng trước các yêu sách của con, họ tỏ ra lệ thuộc, chạy theo đáp ứng. Cũng có nhiều bậc cha mẹ chọn cách đối đầu, không chấp nhận các đòi hỏi của con. Việc này khi quá căng thẳng có thể gây hại bởi tâm lý ở lứa tuổi học sinh cấp 3 hay bộc phát, nên có thể biến dọa thành thật.

Tất nhiên, không phải phụ huynh nào cũng cho phép con tùy tiện sử dụng xe máy. Nhiều người chỉ cho con sử dụng xe phân khối nhỏ, xe đạp điện để tiện cho việc đi học. Và họ là người đặt điều kiện với con chứ không phải ngược lại.
 
Chị Thu Uyên (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi cho con sử dụng xe máy phân khối nhỏ đi học để cháu đỡ vất vả đạp xe đạp đến trường. Nhưng với điều kiện là kết quả học tập của cháu phải tốt, tuân thủ luật giao thông và tuyệt đối không được đi xe vào buổi tối”.
 
Tình trạng học sinh vẫn đi xe máy đến trường là do sự phối hợp giữa nhà trường và hội cha mẹ học sinh chưa tốt. Nhiều bậc phụ huynh còn buông lỏng trong vấn đề quản lý con em mình. Hậu quả là nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua, mà thủ phạm hay nạn nhân đều là học sinh.
 
Hà Quỳnh Trang
(Lớp Báo in K28A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm