“Thuốc” cho bệnh vô cảm

Trong hơn một tháng qua, liên tiếp xảy ra gần 10 vụ đánh hội đồng trong học sinh khiến dư luận xã hội bàng hoàng, lo lắng. Đáng nói là hầu hết các vụ nói trên đều có các bạn trẻ chứng kiến mà không hề can ngăn, thể hiện sự vô cảm đáng sợ.

Không những thản nhiên đứng nhìn, lại còn dùng điện thoại di động ghi hình rồi tung lên mạng. Trong các video clip cho thấy một hình ảnh hết sức đau lòng: “hung thủ” đánh đập bạn hết sức dã man, trước sự “cổ vũ” của không ít bạn bè, còn những người xung quanh chứng kiến thì  thờ ơ, bàng quan, lạnh lùng như thể không nghe, không nhìn thấy. Càng đau lòng hơn khi những đoạn video clip ấy được tung lên mạng lại được không ít bạn trẻ trên các diễn đàn vô tư bình luận: “bình thường thôi”, “hay lắm”, “được lắm đấy”, “cứ thế phát huy”... Tình trạng đó khiến dư luận xã hội đặt câu hỏi: Phải chăng sự vô cảm đang tăng lên trong giới trẻ?

Rẩt nhiều ý kiến được đưa ra, và đa số đều khẳng định sự vô cảm trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng để bốc được “thang thuốc” hữu hiệu chữa bệnh vô cảm không dễ, và đó đang là điều đáng quan tâm của những nhà chức trách.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Theo tôi, sự vô cảm trong một bộ phận giới trẻ hiện nay có một phần trách nhiệm của nhà trường khi chưa thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức cho học sinh, khi mới tập trung dạy chữ, chưa coi trọng dạy làm người trước hết. Các hoạt động Đoàn còn mang nặng hình thức, tổ chức ngoại khóa chưa phong phú và thiết thực, chưa tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích để qua đó giáo dục, hình thành kỹ năng sống cho học sinh trong ứng xử với các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, giáo viên chưa thân thiện, gần gũi với học sinh nên chưa nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học sinh cũng như chưa là chỗ dựa tin cậy để học sinh tâm sự khi gặp vấn đề vướng mắc trong cuộc sống. Là một giáo viên, tôi hiểu học sinh đã không quá lời khi phàn nàn: “Chúng em rất khó để gặp giáo viên chủ nhiệm ngoài tiết dạy của cô và giờ sinh hoạt. Có vẻ như cô không biết các bạn trong lớp đang làm gì, xảy ra chuyện gì…”, hay “Thà tự xử với nhau như thế còn hơn là báo cho thầy cô biết. Họ sẽ làm cho to chuyện, sẽ kêu chúng em lên phòng giám thị làm việc, lập hội đồng kỷ luật, rồi mời phụ huynh... rất phiền phức”.

Đúng là vì nhiều lý do khác nhau mà giáo viên chưa thân thiện, gần gũi với học sinh, do đó chưa định hướng và giúp các em giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống, mà để các em tự dò dẫm lớn lên, từ đó dẫn đến những sự cố đáng tiếc do các em còn thiếu “kỹ năng mềm” để giải quyết tốt các vấn đề gặp phải. Vì thế, theo tôi, nếu giáo viên thân thiện, gần gũi với học sinh, là chỗ dựa tin cậy cho học sinh sẽ là “liều thuốc hữu hiệu” ngăn chặn căn bệnh vô cảm. Kinh nghiệm thực tế cho phép tôi khẳng định điều đó. Trong hơn 10 năm làm giáo viên, tôi luôn thân thiện, gần gũi với học sinh, được các em tin cậy tâm sự những vướng mắc gặp phải. Với vốn sống của một người lớn tuổi hơn, tôi đã đưa ra những lời khuyên, cũng như cùng các em bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc. Tuy nhiên, để làm “một người bạn” của các em, giáo viên cần phải dũng cảm vượt qua những xì xào, bàn tán của đồng nghiệp và không ít phụ huynh rằng “ phải xem tư cách ông thầy nớ chớ gần gũi học sinh quá”. Có lẽ vì rào cản đó mà nhiều giáo viên đã không thể thân thiện, gần gũi với học sinh?!

Theo tôi, để giáo viên và học sinh thân thiện, gần gũi với nhau, nhà trường cần tổ chức nhiều các hoạt động Đoàn, cắm trại, văn nghệ, giao lưu, ngoại khóa…và giáo viên phải hòa mình cùng các em trong các hoạt động đó. Chính qua những hoạt động như vậy thầy trò mới hiểu nhau, gần gũi và thân thiện với nhau, mọi vướng mắc gặp phải, các em sẽ tin cậy tâm sự với giáo viên. Như thế, sự thân thiện chính là liều thuốc hữu hiệu ngăn chặn căn bệnh vô cảm.

                                           Phạm Được

 (Đà Nẵng)

 

LTS Dân trí - Nếu các giáo viên nói chung, nhất là giáo viên chủ nhiệm luôn thân thiện và gần gũi, chăm lo cho học sinh, giúp cho các em có thể tin cậy, cởi mở với thầy giáo cô giáo về những vướng mắc trong tâm tư sâu kín của mình để kịp tìm cách giải quyết thì đó chính là “liều thuốc” hữu hiệu để ngăn chặn mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

Muốn cho giáo viên chủ nhiệm quan tâm đặc biệt đến học sinh lớp mình phụ trách thì nên có chế độ thỏa đáng, như bớt số giờ phải lên lớp hoặc tính giờ làm thêm một cách thỏa đáng.

Tác giả bài viết trên đây đóng góp kinh nghiệm thiết thực của một giáo viên lâu năm trong nghề luôn gần gũi, thân thiện với học sinh, từ đó biết được những vướng mắc của các em để góp phần giải quyết kịp thời. Các cấp quản lý giáo dục nên có biện pháp thiết thực để phát huy tốt hơn vai trò của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục đạo đức cũng như lối sống có văn hóa cho học sinh, chống bệnh vô cảm đang có chiều hướng phát triển ở lứa tuổi học sinh.