3 phút cùng luật sư:
Thuê người mang thai hộ nhưng sau đó không nhận con bị xử lý ra sao?
(Dân trí) - Thuê người mang thai hộ, sau đó lại có động thái vứt bỏ và không muốn nhận con, dù tàn nhẫn nhưng chỉ bị phạt hành chính.
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng xôn xao về vụ việc 1 nữ diễn viên Trung Quốc nổi tiếng thuê người mang thai hộ nhưng sau đó lại có động thái vứt bỏ, không muốn nhận con. Hành vi này sẽ bị xử lý thế nào dưới góc độ pháp luật?
Mời bạn đọc gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Hoàng, đến từ văn phòng Phan Law Vietnam để cùng tìm hiểu.
Thưa luật sư, việc nhờ mang thai hộ có vi phạm pháp luật không? Nếu có, khung hình phạt cụ thể dành cho hành vi này là gì?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, để xem xét việc nhờ mang thai hộ có vi phạm pháp luật hay không thì chúng ta phải xem xét trên mục đích của hành vi.
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một thủ tục được pháp luật cho phép thực hiện để nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng không thể sinh con mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp hỗ trợ sinh sản có thể có con bằng hình thức nhờ người khác mang thai hộ.
Tuy nhiên, để thực hiện được thủ tục liên quan đến mang thai hộ thì cả phía người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ phải đáp ứng được các quy định cụ thể của pháp luật. Đồng thời việc mang thai này phải tự nguyện và không nhằm mục đích thương mại.
Việc đặt ra quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo này hướng đến một ý nghĩa xã hội mang tính nhân văn, cao đẹp chính vì vậy pháp luật quy định về vấn đề này khá chặt chẽ, cụ thể và đặc biệt là không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng quy định này để trục lợi.
Theo đó, mang thai hộ vì mục kích thương mại tức là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác là hành vi bị cấm theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình.
Do đó, hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (khoản 1 Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã).
Ngoài ra, người thực hiện hành vi mang thai hộ vì mục đích kinh doanh còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Việc nữ diễn viên có động thái muốn vứt bỏ, không nhìn nhận đứa con mình đã nhờ mang thai hộ có bị xem là vi phạm pháp luật không thưa luật sư?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Tại Điều 94 Luật Hôn nhân gia đình có quy định con được sinh ra thông qua việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được xác định là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ.
Tại thời điểm đứa con được sinh ra, quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh (khoản 2 Điều 98 Luật Hôn nhân gia đình) bao gồm cả nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con.
Theo đó, việc nhận con và nuôi dưỡng, chăm sóc con là nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ và họ không được phép từ chối nhận con (khoản 3 Điều 98 Luật Hôn nhân gia đình), không được phép vứt bỏ, không chăm sóc, nuôi dưỡng con của mình.
Đối với cha mẹ có động thái bỏ hoặc không nuôi dưỡng sau khi sinh có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật (Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em).
Trong trường hợp người mẹ nhất quyết không nhận con thì đứa bé được sinh ra sẽ ra sao? Ai là người có trách nhiệm bắt buộc phải nuôi dưỡng đứa bé thưa luật sư?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Như đã trình bày trên, nghĩa vụ nhận và nuôi dưỡng, chăm sóc con là nghĩa vụ của cả cha và mẹ của đứa bé.
Trong trường hợp, cả cha và mẹ đều không nhận con thì người mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc cha và mẹ của đứa bé phải nhận con và thực hiện các nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc.
Trong trường hợp, người mẹ không nhận con, nhưng người cha nhận thì người cha có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng có quyền yêu cầu người mẹ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân gia đình.