Tư vấn pháp luật:

Thủ tục đăng ký kết hôn và khai sinh cho con

(Dân trí) - Xin hỏi Quý báo 2 nội dung sau: 1. Tôi có đăng ký tạm trú tại Bình Dương thì đăng ký kết hôn tại Bình Dương được không, tại sao?

2. Anh A và chị B có làm đám cưới và chung sống với nhau từ năm 2008 (không đăng ký kết hôn), họ hàng và làng xóm đều biết. Năm 2010, Chị B sinh cháu C, anh A ra Ủy ban nhân dân xã làm giấy khai sinh cho con. Cán bộ tư pháp - hộ tịch giải thích với anh A là do anh A và chị B chưa đăng ký kết hôn cho nên phần khai về cha trong giấy khai sinh của cháu C sẽ bị bỏ trống; nếu anh A muốn được ghi tên mình vào giấy khai sinh thì phải làm thủ tục đăng ký việc nhận cha, con. Anh A không đồng ý với cán bộ tư pháp - hộ tịch vì cho rằng thực tế anh A và chị B đã tổ chức đám cưới, cháu C chính là kết quả tình yêu của cả hai người nên đương nhiên tên anh phải được ghi vào phần khai người cha trong giấy khai sinh của C. Tôi xin hỏi cán bộ tư pháp làm như vậy có đúng không? Xin chân thân cảm ơn Quý báo! (Vũ Hoài Thanh, Email: hoaithanh80vn@yahoo.com)

Thủ tục đăng ký kết hôn và khai sinh cho con - 1

Trả lời:

1. Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn”.

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định về xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch: “Trong trường hợp Nghị định này quy định thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo nơi cư trú, thì thẩm quyền đăng ký hộ tịch được xác định như sau: Đối với công dân Việt Nam ở trong nước, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú; nếu không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật và đăng ký hộ khẩu”

Theo quy định nêu trên bạn phải đăng ký kết hôn tại Ủy ban Nhân dân xã nơi một trong hai bạn có đăng ký hộ khẩu thường trú chứ không được đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú.

2. Theo Điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định về thủ tục đăng ký khai sinh như sau: “Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn)” (khoản 1)

“Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.” (khoản 3)

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (có hiệu lực từ 01/01/2001) quy định thì nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Nếu A khi đi đăng ký khai sinh cho con không xuất trình được Giấy chứng nhận kết hôn do chưa đi đăng ký kết hôn thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu A muốn ghi tên người cha vào Giấy khai sinh thì phải làm thủ tục đăng ký nhận cha con. Cán bộ tư pháp đã làm đúng theo quy định của pháp luật.

Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Tổng đài tư vấn: 1088 (nhánh 4.4 và 4.5)

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc