Tư vấn pháp luật:

Thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH

(Dân trí) – Muốn chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký gồm: giấy đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế, thời hạn thanh toán,…

Không chỉ các cá nhân, tổ chức thành lập hoặc tham gia để trở thành thành viên, năm 2005 lần đầu tiên Luật Doanh nghiệp quy định một cá nhân Việt Nam được trở thành chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn thay vì trước đó một thập kỹ rưỡi Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp năm 1999 chỉ trao cho họ quyền là chủ doanh nghiệp tư nhân. Điểm khác biệt căn bản của công ty trách nhiệm hữu hạn với doanh nghiệp tư nhân là tư cách pháp lý và chế độ chịu trách nhiệm trước các nghĩa vụ tài chính.
 
Theo đó doanh nghiệp tư nhân là tổ chức không có tư cách pháp nhân, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp, còn công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân và chủ sở hữu của công ty chịu trách nhiệm hữu hạn trước các nghĩa vụ tài chính.
 
Quy chế pháp lý đó đã ghi nhận ưu thế của công ty và chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn so với doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp tư nhân. Có lẽ đó là một trong các lý do dẫn pháp luật hiện hành chỉ quy định về hình thức chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty trách nhiệm hữu hạn chứ không quy định hình thức chuyển đổi ngược lại. Và thực tế thời gian gần đây không ít doanh nghiệp tư nhân đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn bởi những ưu thế về mặt pháp lý đó và những lý do chủ quan, khách quan khác của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp.
Thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH

Ảnh minh họa
Luật Doanh nghiệp năm 2005 khi quy định nội dung tổ chức lại doanh nghiệp nói chung, chuyển đổi doanh nghiệp nói riêng không quy định hình thức chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty trách nhiệm hữu hạn. Hình thức chuyển đổi này được quy định tại Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1 tháng 10 năm 2010 (Điều 36) và Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 (Điều 23). Theo đó doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn khi có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 24 của Luật Doanh nghiệp.
Mặt khác chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sau khi chuyển đổi. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp tư nhân phải có bản cam kết chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân, cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn và có bản thỏa thuận với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận, thực hiện các hợp đồng, đồng thời có bản cam kết hoặc bản thỏa thuận với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân (Điều 36 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1 tháng 10 năm 2010).

Chủ doanh nghiệp tư nhân cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký chuyển đổi gồm giấy đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế, thời hạn thanh toán, danh sách người lao động hiện có, danh sách các hợp đồng chưa thanh lý; Danh sách thành viên theo quy định tại Điều 23 của Luật Doanh nghiệp khi chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên công ty là cá nhân, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các thành viên công ty là tổ chức. Ngoài ra hồ sơ còn gồm các bản cam kết, bản thỏa thuận theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1 tháng 10 năm 2010 (Điều 23 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010).

Hồ sơ được gửi tới cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ các điều kiện luật định. Trường hợp từ chối, doanh nghiệp được trả lời bằng văn bản có lý do rõ ràng và hướng dẫn những yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp; đồng thời xóa tên doanh nghiệp tư nhân đã chuyển đổi trong sổ đăng ký doanh nghiệp (Điều 36 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1 tháng 10 năm 2010). Và theo Điều 23 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 thì, khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty chuyển đổi, doanh nghiệp phải nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của doanh nghiệp được chuyển đổi.

Nội dung trên cho thấy quyền quản lý của nhà nước vẫn được bảo đảm đồng thời vẫn phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp nói chung, thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn nói riêng. Tuy nhiên hướng dẫn của hai Nghị định nêu trên có nội dung đơn giản, còn chung chung dẫn tới nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chuyển đổi cũng như đối với cán bộ thụ lý hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh trong thực tiễn. Thậm chí không ít chuyên viên của Phòng ĐKKD thuộc các Sở kế hoạch và Đầu tư chưa nắm rõ thủ tục này nên có cách xử lý khác nhau, sự giải thích khác nhau dẫn đến thời gian thực hiện thủ tục bị kéo dài, cá biệt có nơi còn trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp…

Để thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn được thực hiện thuận lợi trong thực tế, các quy định của pháp luật cần được bổ sung và cần bảo đảm được một số yêu cầu như: Có hướng dẫn chi tiết từng văn bản trong bộ hồ sơ chuyển đổi doanh nghiệp như mẫu văn bản cam kết về các khoản nợ chưa thanh toán, văn bản thỏa thuận tiếp nhận thực hiện quyền và nghĩa vụ các hợp đồng chưa thanh lý, văn bản thỏa thuận với thành viên góp vốn khác về sử dụng đội ngũ lao động cũ… Quy định các hợp đồng đang được thực hiện giữa doanh nghiệp tư nhân với các chủ thể khác nay chuyển sang công ty TNHH kế thừa thì có phải thay đổi hợp đồng hay không phải thay đổi; Các khoản tiền thanh toán cho nhau qua hệ thống ngân hàng có được quyết toán thuế theo công ty mới hay không để tránh các hệ lụy khi xử lý những hợp đồng này, đặc biệt trước cơ quan thuế. Bảo đảm kiểm soát được quá trình thực hiện các hợp đồng chưa thanh lý mà chủ doanh nghiệp thỏa thuận với các bên về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện để tránh thiệt hại cho đối tác của hợp đồng này khi nó chỉ được bảo đảm bằng sự trung thực của chủ DNTN.

Việc cụ thể hóa, thực chất hóa các nội dung pháp luật về thủ tục chuyển đổi DNTN thành CTTNHH một mặt tối đa hóa quyền tự do, tự chủ kinh doanh; đảm bảo tính linh hoạt để thích ứng của tổ chức, cá nhân trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, kể cả trong điều kiện nền kinh tế trầm lắng hiện nay… Mặt khác, khi mô hình hoạt động kinh doanh được thay đổi thì tạo nên sự phấn khích mới cho nhà kinh doanh, tạo niềm tin, an tâm hơn khi tách bạch được tài sản riêng của chủ doanh nghiệp với tài sản của doanh nghiệp.
Luật sư Phạm Xuân Dương
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
Địa chỉ : Số 335 Phố Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tel: (04)37478888 Fax: (04)37473966
Hot-line: 0933.668.166
Website:www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc