Thu phí ô tô vào nội đô: Nếu vẫn ùn tắc, ai gánh trách nhiệm?

Khả Vân

(Dân trí) - Việc thu phí liệu có giảm được xe vào nội đô hay không? Có giúp bớt tắc đường không? Phương án thất bại thì ai sẽ chịu trách nhiệm?... là một trong số rất nhiều câu hỏi, vấn đề mà bạn đọc đặt ra.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Tramoc) Hà Nội vừa báo cáo Sở Giao thông Vận tải việc xây dựng Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".

Tramoc đề nghị gọi tắt đề án là Phí giảm ùn tắc giao thông. Theo đơn vị này, bản chất việc thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực là một khoản thu mà người sử dụng ôtô sẽ phải chi trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc trong một khoảng thời gian quy định.

Đề án này đang thu hút sự quan tâm chú ý và bàn luận sôi nổi của dư luận. 

Thu phí ô tô vào nội đô: Nếu vẫn ùn tắc, ai gánh trách nhiệm? - 1

Vị trí dự kiến sẽ đặt 87 "trạm thu phí" đối với xe ô tô cá nhân vào nội đô được Sở GTVT Hà Nội xây dựng vào năm 2021 (Ảnh: Sở GTVT cung cấp).

Kết quả khảo sát của 1.000 phiếu có đảm bảo được sự khách quan?

Thông tin mà Tramoc đưa ra: "Kết quả khảo sát trực tuyến về thu phí nội đô trên trang web của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Tramoc, cùng một số kênh cộng đồng cũng như qua mã QR truy cập đường link khảo sát dán tại các nơi công cộng thu được hơn 1.000 phiếu, tính đến 10/10. Trong đó, gần 40% ủng hộ; hơn 33% ủng hộ có điều kiện và 27% không ủng hộ việc thu phí" đang nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí có nhiều người cho rằng không minh bạch.

Nhiều độc giả cho rằng, kết quả khảo sát của 1.000 phiếu làm sao đủ để đại diện cho hơn 8,3 triệu người dân thủ đô nói chung và người dân cả nước nói chung, mà Tramoc và Sở GTVT Hà Nội có thể dựa vào đó đưa ra một giải pháp liên quan đến miếng cơm, manh áo hàng ngày của họ?

Tại một diễn đàn lớn trên mạng xã hội với 1 triệu thành viên, một tài khoản đưa ra câu hỏi: "Hà Nội có 8,3 triệu người, trong đó phần nội đô là 4 triệu người. Xin hỏi 1 triệu anh em ở đây ai đã được khảo sát về việc thu phí vào nội đô - hãy giơ tay để tôi gửi tặng quà của nhóm?".

Ai là người được khảo sát, có lẽ nhiều người chưa rõ được câu trả lời.

Gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả Nguyễn Xuân Trường viết: "Cái việc thu phí ô tô vào nội đô còn chưa được người dân đồng tình, đó chỉ là ý kiến là quan điểm cá nhân của 1 nhóm nhỏ, không đại diện được cho số đông, nên nó chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân thủ đô.

Một chiếc ô tô đã gánh quá nhiều các loại thuế phí khi lăn bánh và chi phí hàng năm, không phải ai đi ô tô cũng là người giàu: có những người chỉ là cán bộ lương 15 triệu 1 tháng thôi người ta chỉ đi được những chiếc xe như morning i.10, hoặc xe chạy grab. Giờ các bác lại đề xuất gắn quả định danh, rồi lại phải có số dư tài khoản. Tôi nghĩ vấn đề về chính sách và tư tưởng hoạch định chính sách không phải là chuyện đơn giản mà đem ra thử nghiệm, làm không có căn cứ, không khoa học được. Giờ không có chuyện là cứ thử nghiệm mãi, mất bao tiền rồi lại bảo không được thì bỏ".

Cho rằng nhu cầu của con người đi lại là cần thiết, không thể vì mấy cái trạm thu phí mà dân sẽ để xe ở nhà để đi xe bus hoặc đi xe đạp, đi bộ nhưng điều này tăng thêm gánh nặng và áp lực kinh tế cho những người hàng ngày phải vào nội đô công tác. Độc giả Thanh Thanh nêu quan điểm: "Tôi không hiểu được sao thành phố Hà Nội lại đưa ra một giải pháp mà người dân thường như tôi đọc cũng thấy nó cực kỳ vô lý. Bỏ ra hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng gần 100 trạm thu phí vào thành phố Hà Nội.

Thứ nhất: Tốn thêm ngân sách nhà nước một khoản tiền; thứ 2: Phát sinh ra các trạm thu phí này thì Hà Nội đang tắc đường liệu có tắc thêm không? Nếu không cải thiện được việc tắc đường thì sẽ như thế nào? Tiếp tục thu hay dừng lại, tiếp tục thu thì bất công cho những người đi xe ô tô, còn nếu dừng thu phí thì các trạm thu phí này lại tốn kém thêm 1 khoản đầu tư là hơn 2.000 tỷ đồng...

Nhu cầu của con người đi lại vẫn rất cần thiết, không thể vì mấy cái trạm thu phí mà dân sẽ để xe ở nhà để đi xe buýt hoặc đi xe đạp, đi bộ... Còn đường trên cao Cát Linh hay Nhổn gì đó cũng chỉ phục vụ được một tuyến đường nhất định đó mà thôi. Cho nên tôi nghĩ lãnh đạo Hà Nội nên xem xét lại việc thu phí này. Xin cảm ơn!"

Độc giả Chính Phạm cho rằng việc thu phí này không được quy định trong luật nên nó là điều hết sức vô lý: "Điều cốt lõi là có phù hợp với pháp luật hay không thì Sở GTVT Hà Nội lại không đề cập đến. Hiện nay Luật Phí và Lệ phí chưa quy định loại phí nào như thế này, và dịch vụ mà Sở GTVT Hà Nội định cung cấp sau khi thu phí là dịch vụ nào cũng không thấy nói đến. Mức phí bao nhiêu cũng phải tương xứng với dịch vụ mà nó mang lại cho người dân, ví dụ nếu đảm bảo đi vào khu vực trung tâm sẽ không bị tắc đường thì mức phí có thể 1 triệu, nhưng thu tiền xong mà vẫn tắc đường thì phải trả lại tiền cho người dân".

Cho rằng đây là một cách làm duy ý chí, độc giả To Pho đưa ý kiến phân tích: "Giao thông như mạch máu. "Máu" không thông suốt thì sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới phát triển kinh tế, xã hội. Không thể làm 1 cách duy ý chí rằng cứ thu đi rồi sẽ giảm được ùn tắc, người dân sẽ chuyển sang phương tiện công cộng.

Chưa có một nghiên cứu, thống kê nào ghi nhận ý kiến của người dân. Chưa có một nghiên cứu nào nghiên cứu xem tốc độ giao thông ảnh hưởng như thế nào tới tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó việc hạn chế xe vào nội đô sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới cuộc sống của mỗi người dân.

Hơn nữa, tại sao lại có lộ trình mở rộng dần phạm vi tính phí? Chẳng lẽ càng thu phí thì vùng ùn tắc càng tăng, hạ tầng giao thông càng kém nên càng phải hạn chế sao? Lẽ ra phải là ngược lại, hạ tầng càng ngày phải càng nâng cao tiến tới bỏ thu mới đúng chứ?".

"Theo quan điểm cá nhân tôi thì 100% người dân sẽ không đồng tình nếu lấy ý kiến một cách công khai, minh bạch, vì chẳng có ông chuyên gia nào dám nói thu phí mà giảm được ùn tắc giao thông cả. Mỗi người dừng xe 5 phút để trả phí thì giao thông đã tắc cả 1km rồi, cuối cùng lại sẽ như BRT và tiền đó dân lại phải còng lưng trả.

Thay vào việc xây trạm thu phí thì mở đường tránh Hà Nội ra để người dân từ tỉnh này sang tỉnh khác không phải qua Hà Nội nữa, lúc đó lại vắng như chùa bà đanh ngay, không phải nghiên cứu làm gì cho mệt", ý kiến của độc giả Bùi Văn Trường.

Thu phí ô tô vào nội đô: Nếu vẫn ùn tắc, ai gánh trách nhiệm? - 2

Hình ảnh các phương tiện ùn ứ khi di chuyển trên đường Nguyễn Trãi hướng vào nội đô trong giờ cao điểm (Ảnh: Nguyễn Trường).

Nếu đề án thất bại, có ai phải chịu trách nhiệm không?

Có lẽ đây là câu hỏi được nhiều người nhắc đến nhất khi bàn luận về đề án này.

Độc giả Truong Ngo Ty đặt câu hỏi, việc thu phí liệu có giảm được chuyện xe vào nội đô hay không? Có giúp bớt tắc đường không? Phương án thất bại thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

"Người dân có việc cần mới phải vào các thành phố. Cũng như dù xăng dầu có tăng giá bao nhiêu thì vẫn phải mua để chạy, ốm đau thì bắt buộc phải điều trị, không thể nào làm khác được. Còn việc thu phí liệu có giảm được chuyện xe vào nội đô hay không? Phương án thất bại thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Mua một chiếc xe nhiều trăm triệu, nhiều tỷ để đi lại thì đâu thể vì chuyện thu phí ra vào thành phố này làm người dân phải cân nhắc.

Bằng chứng là phí, thuế mua ô tô ở Việt Nam rất cao, rất nhiều, nhưng người dân khi có nhu cầu thì vẫn phải mua đấy thôi. Trước đây nhiều ý kiến cho rằng cần lập các chốt thu phí ở các cửa ngõ thành phố. Tôi tin chắc, tại các cửa ngõ này sẽ là điểm kẹt xe nhiều nhất. Muốn làm thì hãy làm đồng bộ, đừng theo lối suy nghĩ giải quyết phần ngọn nữa.

Hà Nội cần xem lại và thừa nhận khắc phục bất cập đầu tư xe buýt nhanh, dự án không mang lại hiệu quả và gây thêm ùn tắc, lãng phí tài nguyên xã hội, ô nhiễm môi trường do tắc đường phần còn lại. Về thu phí nội đô nếu là để giảm ùn tắc, chỉ thu ở vùng lõi thủ đô, sao dự kiến phải mở rộng ra ngoài vành đai 3? Khi các phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, thì chưa áp dụng các công cụ hành chính và kinh tế như này, phải để cung cầu tự quyết định".

Độc giả Sy Dinh cho biết nếu được hỏi, ông sẽ đồng ý với đề án này nhưng cần có điều kiện. Theo đó, "Đồng ý dự án này để các ông triển khai thu phí. Nhưng nếu như dự án không khả thi, bất cập gây lãng phí tiêu tốn tiền thuế, ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội của người dân thì những người liên quan đến dự án này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

"Mục đích thu phí là gì, khoản thu này sau chảy vào ngân sách hay lại chảy đi đâu?. Y như các điểm trông giữ xe ô tô dưới lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội hiện nay. Làm đường, vỉa hè thì ngân sách è cổ ra gánh, trong khi đấy thu từ trông giữ xe có đủ tiền lát lại vỉa hè không? Có công khai từng điểm cho dân giám sát dân biết hay không?", độc giả Minh Vũ Ngọc thắc mắc.

Lo ngại việc thu phí giảm ùn tắc sẽ kéo theo lạm phát lớn, độc giả Phương Anh Linh phân tích: "Thay vì thu phí sao các nhà hoạch định không kiến thiết lại giao thông thành phố, thay vì giải pháp thu phí để hạn chế dân vào nội đô? Giao thông thì tắc đường, mưa thì ngập lụt. Nếu thu phí vào nội đô thì các vị có kiểm soát được giá bất động sản nội đô sẽ thế nào không?".

Độc giả Khanh Vu bức xúc: "Kể cả các ông có thu phí cao như thế nào thì công việc người ta bắt buộc phải đến Hà Nội thì người ta vẫn phải đến thôi. Còn các ông làm như vậy sẽ tạo ra sự ức chế và quan điểm xấu trong mắt người dân".

Độc giả thuong vokim đồng quan điểm: "Phương tiện cá nhân người dân mua để sử dụng cho đi làm tạo ra thu nhập và tạo ra ngân sách cho địa phương và trung ương; sinh viên đi học sau này ra trường làm việc cũng mang lại ngân sách cho đia phương, nói chung là phương tiện cá nhân phục vụ cho toàn bộ hoạt động đời sống cho xã hội phát triển, sao lại "cưỡng bức" thu phí nội đô. Muốn không kẹt xe ùn thì phải làm tất cả các giải pháp: di dời các cơ sở ra ngoài, trường học, bệnh viện, các cơ quan nhà nước...; phát triển hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện và người dân cảm thấy đi bằng phương tiện giao thông công cộng có lợi hơn".

"Cần thực hiện quy hoạch cho tốt, trước khi đánh vào túi tiền người dân"

Theo độc giả A Phùng, thu phí vào nội đô là vấn đề rất lớn, vì tỉ lệ người dân sở hữu ô tô hiện nay khá cao, tuy nhiên chỗ đỗ, khu vực đỗ không đáp ứng được yêu cầu, nhà cao tầng mọc lên quá nhiều phá vỡ mọi quy hoạch. Đó là chưa kể đường sá không mở rộng, làm mới được bao nhiêu. Cần có những lời giải, đáp án cho việc này.

Độc giả sonquang cho rằng, ùn tắc đường đâu phải do phương tiện cá nhân quá nhiều, muốn người dân không sử dụng xe cá nhân, trước tiên cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, đảm bảo việc đi lại của người dân trước, khi đó không cấm người dân sẽ lựa chọn không đi phương tiện cá nhân, điển hình là tàu điện Cát Linh. Còn thu phí, thì họ đã mua được ô tô hàng tỷ đồng thì lo gì vài chục nghìn tiền phí vào nội đô.

"Chung cư xây sai quy hoạch mọc lên như nấm; cơ quan xí nghiệp, bệnh viện, trường cao đẳng, đại học cũng như các bộ ban ngành tập trung hết bên trong nội đô... Giờ cao điểm hàng vạn người đổ ra đường để vào bên trong thì bảo sao không ùn tắc giao thông. Phát triển vùng ven, quy hoạch đường xá bên ngoài thật tốt, chuyển bớt trường học ra bên ngoài,... đảm bảo hết ùn tắc.

Tắc đường do mật độ xe tăng cao và cơ sở hạ tầng không đáp ứng và một phần nữa là do ý thức người tham gia giao thông! Cá nhân tôi cũng không thích đi vào giờ cao điểm nhưng thời điểm đó tôi phải đi làm nên không thể không đi ra đường! Còn đây tôi chỉ thấy là thu thêm phí, thu thêm thuế thôi! Như vậy tôi cần làm thêm việc kiếm thêm tiền để tiếp tục sống", độc giả Đặng Minh Tâm.

"Vấn đề cốt lõi là mật độ dân số quá cao mà đường thì quá bé. Không giải quyết vấn đề giãn dân, mở rộng đường thì 100 năm nữa cũng không hết tắc. Việc đầu tiên là các cơ quan hành chính nhà nước chuyển đi ra ngoại ô trước, tất cả các trường đại học chuyển ra ngoại thành, bệnh viện cũng cần di dời... Cho bỏ tù những kẻ phá nát quy hoạch thành phố, nhồi nhét làm tăng mật độ dân số, xử lý nghiêm kẻ tham nhũng trong xây dựng thì sẽ dư ối tiền.

Theo tôi biết có xây dựng cơ bản đang thất thoát đến 40-50%. Chúng tôi sẵn sàng ở xa trung tâm nếu đi làm cách nhà 20km nhưng không tắc đường cũng chỉ mất 30 phút là tới, còn hơn đi làm cách nhà 3,4km mà mất cả tiếng đồng hồ", độc giả Trung Trần nêu giải pháp.

Thay vì xây dựng đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường", nhiều ý kiến độc giả cho rằng Hà Nội nên xây dựng đề án cơ chế đặc thù đẩy nhanh xây dựng tàu điện và xe công cộng phục vụ nhân dân. Nếu tốt tự khắc giảm ùn tắc!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm