Thu hồi đất rừng sai luật, Sở Nông nghiệp Kiên Giang thua kiện

(Dân trí) - Bà Lang nhận hợp đồng giao khoán rừng đến 50 năm nhưng khi bà bỏ công sức, tiền của trồng rừng được 5 năm, Sở NN&PTNT Kiên Giang thu hồi, không bồi thương thiệt hại gì cho bà Lang. Sự việc sai trái rõ ràng thế nhưng 8 năm bà phải đi hầu tòa suốt.

Sáng nay (19/9), Toà án Nhân dân tỉnh Kiên Giang mở phiên xét xử sơ thẩm lần 3 vụ “khiếu kiện quyết định thu hồi hồ sơ giao khoán, bảo vệ rừng”. Nguyên đơn là bà Phạm Thị Lang, người bị thu hồi đất rừng trái pháp luật và người bị kiện là Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang. Đây là vụ án hành chính kéo dài 8 năm, đã bị cấp phúc thẩm của Toà án tối cao tuyên huỷ án 2 lần. Đến lần xét xử cấp sơ thẩm thứ 3, bà Lang mới có được ngày vui dù không trọn vẹn sau khi HĐXX tuyên buộc các đơn vị liên quan ở tỉnh Kiên Giang phải bồi thường cho bà đối với diện tích 69,2ha đất rừng bị thu hồi trái phép vào năm 2009.

Giao khoán rừng cho dân… rồi bỗng dưng thu hồi

Vào năm 2002, bà Lang và ông Đặng Minh Dũng (nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Kiên Giang) hợp tác sang nhượng lại 130 ha đất rừng phòng hộ của 10 hộ dân ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang với số tiền 500 triệu đồng, tương đương 100 lượng vàng để đầu tư trồng rừng, trong đó bà Lang quản lý, sử dụng 69,2 ha. Sau khi được chính quyền địa phương cùng với các cấp có thẩm quyền chấp thuận việc nhận khoán rừng với thời hạn 50 năm, bà Lang và ông Dũng đầu tư cải tạo, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng rất tốt. Thế nhưng, đến ngày 17/2/2009, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định 65/QĐ-NN và 66/QĐ-NN về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng của bà Lang và ông Dũng để giao khoán cho 15 hộ dân khác.

Bà Lang bức xúc cho rằng: việc bà nhận chuyển nhượng được Ban quản lý rừng xác nhận và cấp sổ giao khoán với thời hạn 50 năm nhưng mới chỉ được 5 năm, Sở Nông nghiệp đã thu hồi lại và giao cho 15 hộ dân khác. Bao nhiêu tiền của, công sức, tâm huyết bà và gia đình đổ dồn hết cả vào 69,2 ha đất rừng này nhưng sắp đến ngày thu hoạch thì Sở đến thu hồi mà không đền bù thoả đáng, thậm chí ép buộc, đe doạ nếu bà không giao trả thì sẽ cưỡng chế. Trong khi bà khiếu nại quyết định thu hồi đất, Chủ tịch UBND tỉnh đang thụ lý xem xét giải quyết thì ông Tuấn - khi đó là Giám đốc BQL rừng (hiện là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh) “hăng hái” lấy đất rừng giao cho người khác.

Điều ngạc nhiên là khi giao phần đất rừng của bà Lang cho 15 hộ dân thì Sở Nông nghiệp cho chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, từ đó các hộ dân bán cây rừng mà bà Lang trồng, chăm sóc suốt 5 năm qua, mỗi ha bán được từ 80 - 150 triệu đồng, số tiền này một phần nộp ngân sách nhà nước, phần lớn còn lại thì ăn chia với BQL rừng theo tỷ lệ 6-4. Trong khi trước đó, bà Lang có đề nghị được khai thác số cây này nhưng ông Tuấn cương quyết không đồng ý. Bà Lang và bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga (vợ ông Dũng) làm đơn khởi kiện các quyết định trên.

Sơ thẩm bác đơn…. Cấp phúc thẩm huỷ án

Tại bản án sơ thẩm số 03, ngày 6/3/2013, TAND tỉnh Kiên Giang không chấp nhận đơn của bà Lang khởi kiện Quyết định 65/QĐ-NN đồng thời bác yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 5,2 tỉ đồng. Ngày 12/9/2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng và đề nghị cấp sơ thẩm xét xử lại. Tại bản án sơ thẩm số 04 (lần 2), ngày 29/5/2014, TAND tỉnh Kiên Giang một lần nữa tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Lang. Sau khi nguyên đơn kháng cáo, ngày 11/3/2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM lại tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật. Dù vậy, TAND tỉnh Kiên Giang vẫn “ngâm” hồ sơ cho đến nay mới đưa ra xét xử.

Dù sự việc thu hồi đất của của bà Phạm Thị Lang (người đứng) sai luật rõ ràng ra thế nhưng bà phải mất đến 8 năm, công lý mới mìm cười với bà
Dù sự việc thu hồi đất của của bà Phạm Thị Lang (người đứng) sai luật rõ ràng ra thế nhưng bà phải mất đến 8 năm, công lý mới "mìm cười" với bà

VKSND Cấp cao tại TP HCM cũng đã ra “thông báo rút kinh nghiệm” đối với VKSND ở địa phương. Trong thông báo nêu rõ: “Đáng lẽ (tòa sơ thẩm Kiên Giang) phải xác định rằng việc ban hành các quyết định và thực hiện các quyết định tùy tiện của giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang mới phát sinh tranh chấp, do đó giám đốc sở này phải chịu trách nhiệm về những hậu quả thiệt hại phát sinh từ những quyết định trên theo quy định của pháp luật...”.

VKSND Cấp cao tại TP HCM cũng cho rằng: “việc bà Lang yêu cầu buộc người bị kiện bồi thường số tiền thiệt hại do việc thu hồi 69,2 ha đất rừng phòng hộ trái pháp luật là yêu cầu chính đáng. Tại hồ sơ cũng như tại phiên toà, bà Lang có liệt kê ra từng khoản tiền đã chi phí đầu tư, chăm sóc… để yêu cầu bồi thường nhưng kiểm sát viên cũng không có những thao tác nghiệp vụ làm rõ những vấn đề trên để có những đề xuất, báo cáo kịp thời trong quá trình giải quyết vụ án, dẫn tới vụ án trên phải xử tới 4 lần (2 lần sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm) nhưng vẫn bị tuyên huỷ để giải quyết lại làm cho vụ án bị kéo dài.

Niềm vui chưa trọn vẹn…

Tại phiên xử sáng nay (19/9), HĐXX nhận định: việc Ban Quản lý rừng huyện An Minh-An Biên đơn phương chấp dứt hợp đồng trước thời gian (bà Lang được giao đất đến năm 2050) và giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang ra quyết định thu hồi đất rừng mà chưa thanh lý hợp đồng là không đúng với quy định của pháp luật và gây thiệt hại cho bà Lang.

Bởi lẽ, khi nhà nước muốn thu hồi rừng thì phải bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư, tài sản bị thu hồi. Còn UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đứng ra giải quyết khiếu nại cho bà Lang chứ không trực tiếp gây hại cho bà Lang nên cũng không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.

Do đó, HĐXX xét thấy yêu cầu bồi thường của bà Lang là có cơ sở vì thực tế bà Lang có sang nhượng lại hơn 69 ha đất rừng của các hộ dân được giao khoán trước đó với số tiền 500 triệu đồng, tương đương 100 lượng vàng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, việc bà Lang buộc quy đổi số vàng với mệnh giá tương đương như hiện nay là hơn 3 tỉ đồng là không phù hợp.

Kết thúc phiên toà, HĐXX chỉ buộc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cùng Ban Quản lý rừng có trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường cho bà Lang với tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng, thay vì 5,2 tỉ đồng như yêu cầu của bà Lang.

Tuy được bồi thường nhưng với cách giải quyết của HĐXX thì bà Lang vẫn còn rất thiệt thòi. 14 năm trước, bà Lang bỏ ra số tiền 500 triệu đồng, tương đương 100 lượng vàng để sang nhượng lại 130 ha đất rừng phòng hộ nhưng HĐXX không cho quy đổi cũng như không tính trượt giá nên bà Lang bị thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. Bà Lang cho biết: bà sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm đòi bồi thường phần thiệt hại này.

Nguyễn Hành