Thu hồi công nợ, làm sao để khỏi "ngậm đắng, nuốt cay"?
(Dân trí) - Thu hồi công nợ - một công việc vô cùng gian truân của các Doanh nghiệp, có rất nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận mất tiền vì chỉ riêng chi phí đi lại bỏ ra để thu hồi công nợ có thể vượt cả số nợ.
Công ty chúng tôi có trụ sở tại Hà Nội được một Công ty B có trụ sở tại quận 1 thành phố Hồ Chí Minh đề nghị ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ. Khi hai bên ký Hợp đồng thì Công ty tôi đã ký Hợp đồng với chi nhánh của Công ty trên do họ có Chi nhánh này tại Hà Nội.
Công ty chúng tôi hoàn thành nghĩa vụ theo Hợp đồng nhưng không được Chi nhánh Công ty B thanh toán phí dịch vụ. Họ còn thách thức chúng tôi muốn đòi tiền, muốn kiện thì vào thành phố Hồ Chí Minh mà kiện.
Khoản tiền nợ không quá lớn nếu chúng tôi phải di chuyển qua lại từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh để kiện, theo đuổi tố tụng thì chúng tôi phải ngậm đắng, nuốt cay để họ quỵt nợ. Liệu chúng tôi có thể khởi kiện Chi nhánh công ty tại Hà Nội hay không?
Lương Thị Hải Yến (Thanh Trì, Hà Nội)
Thu hồi công nợ - một công việc vô cùng gian truân của các Doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có dòng tiền không ổn định, tài chính chưa vững luôn.
Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận mất tiền vì chỉ riêng chi phí đi lại bỏ ra để thu hồi công nợ có thể vượt cả số nợ.
Với câu hỏi của Bạn đọc nhờ chuyên mục Tư vấn pháp luật giải đáp, chúng tôi đã gửi tới Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội để có những lời tư vấn hữu hiệu nhất.
Theo Luật sư Quỳnh Mai, Công ty của bạn có quyền lựa chọn Tòa án tại Hà Nội, nơi Chi nhánh Công ty B đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết, dựa trên những căn cứ sau đây:
Luật Doanh nghiệp năm 2020, tại khoản 1 điều 44 quy định về Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp như sau: Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.".
Theo quy định này, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, được đại diện doanh nghiệp đứng ra ký kết các giao dịch, hợp đồng và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động, giao kết do chi nhánh thực hiện.
Khi xảy ra tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh mà phải khởi kiện ra tòa thì theo điểm b khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 xác định Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án để giải quyết.
Cụ thể: "Điều 40. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu.
- Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
- b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;"
Việc lựa chọn Tòa án tại Hà Nội sẽ giúp Công ty không mất nhiều thời gian, chi phí để theo đuổi hoạt động tố tụng thường kéo dài 4-6 tháng. Công ty cần khởi kiện Công ty B với tư cách Bị đơn và xác định Chi nhánh của công ty là người Người có quyền lợi liên quan trong vụ án kiện đòi tài sản.
Xin cảm ơn Luật sư!