3 phút cùng luật sư:

Thói quen ép người khác uống rượu bia ngày Tết: Tiền mất tật mang!

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Ép người khác uống rượu bia vào ngày Tết là hành động vi phạm pháp luật và gây ra nhiều nguy hiểm khi quá chén.

Vào dịp Tết Nguyên Đán, mọi người thường có những buổi họp mặt, vui chơi và "chén chú  chén anh" là điều không thể tránh khỏi. Việc ép nhau chén rượu ly bia bị lầm tưởng là cách để thể hiện "tình huynh đệ", nhưng thực ra đã đem lại những hậu quả khôn lường.  

Dưới góc nhìn của pháp luật, việc này sẽ được nhìn nhận thế nào? Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Phan Vũ Tuấn, đến từ văn phòng luật Phanlaw Vietnam để cùng tìm hiểu. 

Ép người khác uống rượu bia là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành động ép người khác uống rượu bia có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?  Nếu có, hành vi này sẽ bị xử phạt thế nào? 

L.s Phan Vũ Tuấn: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019  quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia thì hành vi  "ép buộc người khác uống rượu, bia" là hành vi bị cấm. Do đó, hành động ép người khác  uống rượu bia là hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Bên cạnh đó, Nghị định 117/2020/NĐ-CP được ban hành về xử phạt vi phạm hành chính  trong lĩnh vực y tế bao gồm quy định chế tài để điều chỉnh cho từng trường hợp cụ thể đối  với hành vi ép buộc người khác uống rượu bia.

Theo đó, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi  phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị  định 117/2020/NĐ-CP). Trường hợp tổ chức vi phạm, tổ chức đó sẽ bị xử phạt vi phạm  hành chính từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 30, khoản 5 Điều  4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP). 

Ép trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu bia bị xử phạt thế nào?

Nếu người bị ép vẫn chưa đủ 18 tuổi thì hành động ép người khác uống rượu bia  sẽ bị xử phạt thế nào thưa luật sư? 

L.s Phan Vũ Tuấn: Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và tại  điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, các văn bản này chỉ quy định chế tài  xử phạt đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia mà không quy định xử phạt  hành vi ép buộc người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 30  Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về việc "cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng  đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia", vậy  nên cần lưu ý đối với người chưa đủ 18 tuổi nhưng trong khoảng từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ  18 tuổi mà uống rượu, bia thì có thể bị áp dụng hình thức xử phạt vừa nêu.

Trường hợp bên  ép buộc có hành vi ép buộc người đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia thì cả  bên ép buộc lẫn bên bị ép buộc uống rượu, bia đều có thể bị xử phạt.  

Nguyên tắc 911 khi uống rượu bia được chia sẻ bởi luật sư Phan Vũ Tuấn.

Ở góc độ cá nhân, luật sư nghĩ thế nào về hành động ép rượu bia ngày Tết.

L.s Phan Vũ Tuấn: Chúng ta đều biết Tết là giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, Tết cũng là dịp tương  phùng, hội ngộ, gắn kết của nhiều mối quan hệ trong cuộc sống như gia đình, bè bạn, thầy  trò,…. "Tương phùng sao thiếu tửu phùng" nên một hoạt động không thể thiếu trong dịp  tết là tiệc.

Tập quán rộng khắp của người dân Việt Nam bấy lâu là uống rượu, bia; chiêu  đãi rượu, bia trong tiệc Tết. Không phải ngẫu nhiên mà số lượng tai nạn giao thông đều  tăng đột biến vào mỗi dịp lễ, Tết, trong đó không thiếu nhiều trường hợp gây tai nạn vì  tham gia giao thông khi đã uống rượu bia.

Phải thừa nhận rằng những buổi tiệc sẽ mất đi  nhiều niềm vui nếu thiếu rượu bia, tuy nhiên mọi người cần nhìn nhận và ý thức tham gia  tiệc, uống rượu bia một cách văn minh và đúng đắn, tránh các hệ lụy không đáng có.  

Trên thực tế tôi cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm về thực trạng ép uống rượu bia, cụ thể,  tửu lượng mỗi người là khác nhau, có người uống được nhiều, có người uống được ít, có  người không uống được, cũng có trường hợp người tham gia tiệc phải tham gia giao thông  nên không tiện uống rượu bia.

Thế nên để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của chính bản  thân, của bạn bè, đồng nghiệp, người thân và của những người khác, tôi hy vọng mọi người  hãy ghi nhớ ba điều sau khi tham gia các buổi tiệc vào dịp Tết nói riêng và các buổi tiệc  khác nói chung:  

Thứ nhất, khi đã xác định tiệc tùng, rượu bia, hãy cố gắng không trực tiếp điều khiển  phương tiện tham gia giao thông, thay vào đó có thể sử dụng các hình thức di chuyển như:  taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe ôm, … 

Thứ hai, đừng đặt nặng vấn đề "chén chú chén anh", việc một người không nhiệt tình uống  rượu bia trên bàn tiệc không phản ánh người đó không xem trọng những người có mặt tại  bàn tiệc đó, cũng như việc một người uống được nhiều rượu bia trên bàn tiệc cũng không  khẳng định được đó là người xuất chúng, giỏi giang, có địa vị xã hội. Thế nên tuyệt đối  đừng ép nhau uống, hãy để việc uống rượu bia là tự nguyện tùy theo thể chất, hoàn cảnh  của mỗi người. 

Thứ ba, luôn nhớ rằng đằng sau mỗi buổi tiệc vui vẫn là sức khỏe, tính mạng là gia đình,  người thân, bạn bè. Đừng để rượu bia gây nên những hậu quả không thể vãn hồi được.