"Thời nay vì tham tiền mà cột mỡ cũng lắm người leo"

(Dân trí) - "Lớp học kinh nghiệm sống này đắt quá, ở đâu mà không làm vẫn được hưởng thì có phải là ảo không? tiền đưa tận tay có khi còn chưa đòi lại được, đằng này nạp vào tài khoản thì đi đâu mà đòi đây"

"Cơn bão" Coolcat vừa càn quét khiến bao người khốn đốn vì khuynh gia bại sản; thì ngay sau đó một loạt nhà đầu tư của app "trang trại tiết kiệm" cũng trong tình trạng từ người có vốn làm ăn, có nhà, nay trắng tay, phải cầm sổ đỏ..., thậm chí hạnh phúc gia đình trên bờ vực tan vỡ, anh em từ mặt nhau khi chủ tài khoản app bỗng dưng mất tích.

Đáng thương nhưng cũng đáng trách, khi những bài học trước đó về cái bẫy đa cấp khiến bao người tan cửa nát nhà vẫn còn đó; những lời cảnh tỉnh của các chuyên gia, bài báo phân tích luôn được cập nhật hàng ngày… vậy mà nhiều người vẫn lao vào như con thiêu thân, rồi cầm cố tài sản, kêu gọi người thân cùng tham gia.

Từ nghìn đời nay các cụ đã nói: tham thì thâm, vậy mà hàng ngàn năm sau thế hệ con cháu vẫn dính nhiều vào cái bẫy tham - thâm đến vậy, mặc dù thông tin đại chúng ngày nay thuận lợi và tuyên truyền rất rất nhiều.

Thời nay vì tham tiền mà cột mỡ cũng lắm người leo - 1

Quảng cáo "mật ngọt" đến từ Coolcat (ảnh: Hoàng Dung).

Thật sự không hiểu nổi!

Nhiều người đã phải thốt lên như vậy, bởi theo phân tích của bạn đọc Thúy Nga thì: "Vấn đề rất đơn giản, chẳng có hình thức kinh doanh nào đảm bảo cho bạn 100% có lợi nhuận. Vả chăng, nếu lợi nhuận cao và chắc chắn như thế thì họ đã tự vay ngân hàng để làm tỷ phú một mình rồi, cần gì phải lôi kéo người khác tham gia cùng; mặt khác liệu có sẵn sàng chia sẻ mối lợi đó cho mình hay không?";

"Không có việc đầu tư nào lãi như vậy mà chẳng cần phải làm gì. Hình dung nếu lãi như vậy cũng chẳng cần mở công ty hay đi làm làm gì vì chỉ cần gói 105 triệu mà thu nhập mỗi ngày 1,6tr; đảm bảo nếu thực tế như thế thì chỉ trong 1 năm tất cả công ty đóng cửa hết, không có người lao động luôn hoặc người lao động phổ thông đơn giản cũng phải 1 tỷ/tháng!

Người xưa đã dạy rằng: "có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần cho ta", vậy mấy người không nhớ hay cố tình nhắm mắt để thỏa mãn lòng tham, làm gì có chuyện ngồi không mà ngày thu hàng triệu, hàng chục triệu tiền lãi", bạn đọc Duy Minh.

So sánh với lãi suất ngân hàng, bạn đọc Hải Phong phân tích: "Chưa có một ngân hàng nào dám trả lãi 9% một năm. Vậy công ty này lấy tiền ở đâu ra để trả lãi cho các nhà đầu tư trừ khi in ra tiền được? Tại sao khách hàng nộp tiền triệu tiền tỷ mà không biết gì về công ty này là ai? Không phải người chơi nhưng tôi có thể cảm thấy sự bất lực cùng cực của họ, mong cơ quan công an sớm tìm ra thủ phạm";

Thời nay vì tham tiền mà cột mỡ cũng lắm người leo - 2

Hàng trăm người dân bị lừa đảo khi tham gia sàn giao dịch Coolcat đã viết thư cầu cứu tập thể gửi đến Chủ tịch nước với mong muốn lấy lại số tiền đã đầu tư (ảnh: Hoàng Thuận.)

Bạn đọc Lê Na đồng quan điểm: "Tỉnh táo lại đi các nhà đầu tư. Lãi cao như thế thì người huy động vốn (app coolcat) họ làm gì để sinh lãi trả cho các bạn???.

Chỉ 1 suy nghĩ đơn giản là họ lấy tiền của mình đi làm cái gì mà trả lãi cho mình nhiều như thế? Lãi suất ngân hàng 1 năm chỉ bằng nửa tháng của họ, nếu dễ ăn thì chẳng còn ai đem tiền gửi ngân hàng nữa".

"Trò lừa đảo đã có hàng chục năm nay chỉ có khác cách thức lừa mà không hiểu vì sao số người "sập bẫy" nhiều thế và giờ thì đang bị trả giá. Cần nghiêm trị thật nặng bọn lừa đảo này", bạn đọc Thế Hùng.

"Không thể hiểu nổi tại sao thời đại này rồi mà vẫn còn nhiều người bị lừa theo kiểu huy động vốn này, biết bao nhiêu vụ bị pháp luật xử lý, báo chí đăng rần rần vào những năm 2000 rồi. Người tham gia lại đa phần là dân tri thức. Làm gì có hình thức đầu tư nào chỉ cần nộp tiền mà lợi nhuận cao cỡ đó, lại còn bảo hiểm vốn 100%, họ lấy lá mít để làm tiền chắc!!!!???", bạn đọc Minh Nguyễn chua chát.

"Ở nước ngoài họ chỉ dùng số tiền dư của cá nhân và gia đình đầu tư vào cổ phiếu, nhưng ở Việt Nam tại sao lại rất nhiều người lại mượn tiền để đầu tư để rồi bị lừa mang nợ vào thân. Chỉ cần dùng chút đầu óc tư duy sẽ thấy ngay, thứ nhất không ai tự dưng mang tiền đến cho mình, nếu có họ sẽ là người kiếm số tiền đó; thứ hai là, với lợi nhuận càng cao thì đó lại càng đáng nghi ngờ.

Tất cả đều đánh trúng lòng tham của con người, tất cả các vụ lừa đầu tư đều có lợi nhuận kếch xù và cách tham gia thật đơn giản để làm cho những người tham trở thành những con thiêu thân", bạn đọc Văn Lân.

"Một ông chài thả lưới, khi mắc lưới rồi thì mới tỉnh ngộ!"

Ví von của bạn đọc theo nghĩa bóng nghe thật chua chát, nhưng thực tế là vậy, như ý kiến của bạn đọc Duy Hào: "Chúng ta có thể hiểu, một ông chài thả lưới và gắn ít mồi trong lưới, các con cá đầu tiên vào ăn, và bơi ra không hề bị mắc lưới, thế là hàng loạt con cá ùa vào, ông chài kéo lưới.Những con cá đầu tiên thường có lời, như trang coolcat này, người vào sau 30 ngày là hoàn được vốn, và sau đó là nhận lãi.Tôi cũng là con cá bơi vào được 19 ngày, và mất đi 11 ngày.Sau khi bị thịt thì tỉnh ngộ lại, thử hỏi nếu nó có khả năng tạo ra đồng lời >3%/ngày, thì nó vay ngân hàng 1%/tháng để kiếm lời từ thương vụ của mình, dại gì đi chia lợi cho kẻ khác.
Vậy trong mỗi app, tiền lãi và hoa hồng giới thiệu, đều là tiền chính bạn đem trả cho bạn, người đầu tư bị mù quáng khi thấy tiền lãi cao, mà quên đi cục vốn đã ném vào. Khi mắc lưới, mới tỉnh ngộ";

"Theo mình nghĩ nó còn là phạm trù đạo đức, vì mô hình này là mô hình lừa tiền, tuy nhiên đến ngày hôm nay không ít người vẫn bảo "do xui xẻo vào sau, vào trước thì đã kiếm đủ, ai mất mặc kệ".

Chính sự vô tâm, không quan tâm người khác lại biến mình thành nạn nhân, kinh doanh, đầu tư bền vững là ngoài việc đem lại lợi nhuận cho mình thì phải cống hiến cho xã hội. Đó là điều kiện cơ bản nhất để một ngành nghề có thể tồn tại", bạn đọc Liên Bùi;

Lớp học kinh nghiệm sống này đắt quá, bạn đọc Khánh Huyền bùi ngùi: "Thật ra với những mô hình này, cái ác xấu nhất là ở chỗ người giới thiệu, vì hoa hồng khá cao, được hoa hồng giới thiệu lại được ăn trên giao dịch người được giới thiệu... nên bất chấp thậm chí có thể ví như dụ dỗ người khác.

Lớp học kinh nghiệm sống này đắt quá, mà sao thế nhỉ có ở đâu mà không làm vẫn được hưởng thì có phải là ảo không? tiền đưa tận tay có khi còn chưa đòi lại được, đằng này nạp vào tài khoản thì đi đâu mà đòi đây. Hy vọng để lấy lại được sao mong manh quá…"

Cùng ý kiến cho rằng tiền cho vay có giấy tờ còn bị quỵt, bạn đọc Nhật Linh: "Cho mượn tiền, có ký nhận giấy tờ, người mượn rõ ràng, có nhà cửa, lãi suất 2% tháng còn bị quỵt, huống chi lãi suất kiểu này mà không có bất kỳ thứ gì đảm bảo. Họ kinh doanh kiểu gì mà lãi khủng vậy, mức lãi hợp lý là 15%/năm, vượt quá số này khả năng là lừa đảo (đây là số tham khảo). Mong mọi người hết sức cảnh giác".

Làm gì có chuyện không làm gì mà vẫn có thật nhiều tiền, chung quy lại "miếng pho mai chỉ có sẵn trên cái bẫy chuột" mà thôi!

Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào, hãy chia sẻ ở khung Nội dung bình luận bên dưới nhé!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm