Vụ “lình xình” tại Công ty Sứ Hải Dương:

Thoái vốn Nhà nước là cần thiết

(Dân trí) - Thời gian qua, thông tin về những “lình xình” và vấn đề thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương đã được Dân trí đưa tin, tòa soạn nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc mong muốn thương hiệu Sứ Hải Dương không bị "tàn lụi" theo năm tháng.

“Cánh chim đầu đàn” Sứ Hải Dương một thời nay chỉ còn là ký ức
“Cánh chim đầu đàn” Sứ Hải Dương một thời nay chỉ còn là ký ức
 
 
Chủ trương thoái vốn không phải là mới mà đã có từ mấy năm trước, nhất là sau Hội nghị T.Ư 3, khóa XI vừa rồi, thì Chính phủ quyết định tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc các tập đoàn nhà nước, Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), để DNNN đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Do đó, các DNNN cần tập trung vào chuyên môn, tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn của mình để dẫn dắt thị trường.
 
Chính phủ chỉ đạo DNNN cần nhanh chóng thoái vốn khỏi các đơn vị mình không có kinh nghiệm, không có khả năng quản trị điều hành. Và đương nhiên, việc thoái vốn chắc chắn sẽ phải trả một giá đắt do thị trường chứng khoán hiện đang giảm. Nhưng kinh doanh cũng có những nguyên tắc của nó, có nghĩa là chấp nhận ngừng lỗ còn hơn để lỗ kéo dài. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận thì quá trình tái cấu trúc mới diễn ra đúng tiến trình, đúng mục tiêu mình mong muốn.

Việc Nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào những nhiệm vụ trọng điểm Nhà nước giao cho các DNNN là việc làm cần thiết, đáng lý việc này phải làm từ lâu nhưng chúng ta đã làm rất chậm.

Lâu nay việc cổ phần hóa cũng là gom tiền lại, trong đó thoái vốn cũng là một cách tập trung vốn để Nhà nước có thể tập trung đầu tư các lĩnh vực khác.

Công ty Sứ Hải Dương đang nằm trong danh sách bán vốn nhà nước do Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ. Việc SCIC thực hiện thoái vốn trong thời điểm này tại Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương là hợp lý.
 
Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó SCIC có tỷ lệ sở hữu 36%, công ty Carin (mà đại diện là các lãnh đạo chủ chốt tại Sứ Hải Dương hiện nay) nắm 31%, còn lại là các cổ đông khác. Hiện nay SCIC đã rục rịch làm các thủ tục bán phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương theo quy định. Cơ quan này đã thuê công ty chứng khoán làm đơn vị tư vấn bán vốn.
 
Ban Bạn đọc