Những chuyện “bi hài” tại Công ty Sứ Hải Dương

(Dân trí) - Công ty cổ phần sứ Hải Dương (Hapoco) từng là niềm tự hào của người dân xứ Đông. Tiếc rằng, trong những năm qua, hàng trăm công nhân đồng loạt bỏ việc, nợ thuế nhà nước lên đến hàng tỷ đồng. Những chuyện “đau lòng” gì đang xảy ra tại đây?

Biết khi nào Công ty Sứ Hải Dương mới trở lại thời hoàng kim?
Biết khi nào Công ty Sứ Hải Dương mới trở lại thời "hoàng kim"?
 
Báo Điện tử Dân trí nhận được đơn tố cáo của một số cán bộ, công nhân hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần sứ Hải Dương phản ánh: Công ty Sứ Hải Dương trước đây đứng hàng đầu trong nước và khu vực Đông Nam Á về chất lượng sản phẩm. Thời điểm "hưng thịnh" đã có đến gần 2.000 cán bộ, công nhân làm việc ngày đêm. Vậy mà những năm qua, Công ty đã "lâm nạn", hàng trăm cán bộ, công nhân viên phải "về vườn".
 
Ngày 26/4/2009, Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương tiến hành đại hội cổ đông thường niên, quyết định tái cơ cấu doanh nghiệp, Công ty TNHH TM Ca Rin do ông Nguyễn Đỗ Hà và bà Vũ Lê Hoa làm đại diện được Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), chiếm 51% cổ phần, giới thiệu và đại hội quyết định làm cổ đông chiến lược. Sau đó, ông Hà và bà Hoa được bầu vào Hội đồng quản trị.
 
Thời gian đầu, cán bộ, công nhân viên Công ty háo hức, trông đợi, đặt niềm tin tràn trề vào Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Hà vì nghĩ rằng với tuổi trẻ và tài năng của ông sẽ vực được Công ty Sứ Hải Dương đứng dậy, vươn lên trên thị trường. Nhưng trớ trêu thay, chỉ sau một thời gian ngắn, mọi hi vọng và trông đợi trên đã bị lụi tàn, tan như bong bóng. Những chuyện “bi hài” tưởng chừng không ai nghĩ đến lại xảy ra tại đây.
 
Lãi thì ít, lãnh đạo thưởng cao tít

Nội dung đơn tố cáo của một số cán bộ, công nhân viên Công ty Sứ Hải Dương nêu rõ: Với lý do xe của Công ty Sứ Hải Dương có phẩm cấp thấp, không đảm bảo sức khỏe để Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc đi làm, Tổng giám đốc Nguyễn Đỗ Hà đã ký hợp đồng thuê chính xe riêng của mình, với giá 18,7 triệu đồng/tháng từ hơn 3 năm nay. Nhiều công nhân cho rằng, điều đó thật khó chấp nhận khi mà Công ty sứ Hải Dương có tới 2 chiếc xe để phục vụ công ty và ban giám đốc.

Theo giải trình chi phí ứng trước ngày 5/3/2010, tại biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sứ Hải Dương, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc của công ty có gia đình ở Hà Nội. Để thuận tiện cho việc đi lại, Tổng giám đốc Nguyễn Đỗ Hà đã ký hợp đồng thuê xe số 02 ngày 1/7/2010 của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Ca Rin (96 ngõ Thịnh Hào 1, phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Tố Hải làm Giám đốc (mà ông Hà và bà Vũ Lê Hoa, Phó tổng giám đốc Hapaco có vốn đầu tư) với giá 18,7 triệu đồng/tháng.
 
Điều khiến người lao động bức xúc hơn nữa là trong khi công ty đã thuê xe phục vụ việc đi lại cho lãnh đạo thì ông Hà lại cấp cả thẻ taxi cho bản thân ông, bà Vũ Lê Hoa và một số nhân viên của văn phòng Hà Nội, nhân viên văn thư của nhà máy.
 
Đơn tố cáo hàng loạt sai phạm của lãnh đạo Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương
Đơn tố cáo hàng loạt sai phạm của lãnh đạo Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương
gửi đến tòa soạn Báo Điện tử Dân trí
 
Trao đổi với PV Dân trí, bà Đoàn Thuý Ngà, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sứ Hải Dương bức xúc:

“Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc điều hành đã có thù lao 10% lợi nhuận của công ty, nhưng khoản thuê xe vẫn được tính riêng, 3 năm qua tốn gần 1 tỷ đồng. “Hợp đồng thuê xe để cho Tổng giám đốc đi làm trái với tờ trình ngày 3/5/2010 do ông Hà ký. Tại điểm 3.3 ghi rõ thù lao của Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc gồm chi phí xe ô tô và điện thoại”, bà Ngà nói.

Lãnh đạo lấy "tiền chùa" làm "tiền nhà"

Ngày 17/12/2010, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sứ Hải Dương Vũ Lê Hoa có tờ trình xin vay công ty 950 triệu đồng và thế chấp số cổ phiếu 1 tỷ đồng nằm trong số cổ phần vốn đầu tư là 8.645.900 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Ca Rin vào Hapoco (để trang trải công việc gia đình) và được chấp thuận. Thời hạn vay từ 25/12/2010 đến 25/12/2011.

Tuy nhiên, khi đến hạn, bà Hoa vẫn chưa trả số tiền gốc và lãi trong suốt 1 năm. Đến ngày 6/12/2011, bà Hoa tiếp tục xin công ty gia hạn cho bà vay 950 triệu đồng và số tiền lãi 146,3 triệu đồng thêm 1 năm nữa. Điều đáng nói là trong khi công ty đang nợ tiền trợ cấp thôi việc của công nhân và nợ đọng thuế nhiều năm (Công ty Sứ Hải Dương đã bị phạt 227 triệu vì chậm nộp thuế năm 2011), nhưng vẫn có gần 1 tỷ đồng cho bà Hoa vay.

Theo phản ánh của người lao động, kể từ khi tái cơ cấu, ban giám đốc công ty tích cực bán thanh lý bất cứ vật dụng gì để có tiền. Chẳng hạn, bộ cốc bạch kim đựng hoá chất thí nghiệm của công ty bán được hơn 200 triệu đồng.

Lãnh đạo công ty còn bán nhiều máy móc hỏng với số tiền mà ông Hà cho biết khoảng 700 triệu đồng. Nghịch lý ở chỗ, số tiền bán sắt vụn này cùng những khoản thu nhập khác như tiền cho thuê nhà 2,2 tỷ đồng, được lãnh đạo công ty tính vào lợi nhuận của quý IV năm 2011.

Bà Đoàn Thuý Ngà, thành viên Hội đồng quản trị Hapoco cho biết thêm:  “Ba quý đầu năm 2011, công ty thua lỗ nhưng ông Hà và bà Hoa không nộp phạt theo quy định. Đến quý IV năm 2011, ông Hà báo cáo kinh doanh có lãi nhưng thực ra tiền lãi không thu được từ hoạt động sản xuất (sản xuất lỗ 994 triệu đồng, theo báo cáo kinh doanh 2011).

Theo bà Ngà, lãi giả 1,1 tỷ đồng của năm 2011 nhưng nếu hạch toán đầy đủ thì phải lỗ hàng tỷ đồng. Giải thích về việc kê khai mức lãi giả này, bà Ngà cho biết là để ông Hà và bà Hoa được thưởng 10% lợi nhuận (115 triệu đồng) thay vì phải nộp phạt 10% (khoảng trên 300 triệu đồng).
 
Trước các dấu hiệu sai phạm trên, đề nghị cơ quan Công an, UBND tỉnh Hải Dương, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước khẩn trương vào cuộc làm rõ vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng trăm lao động, xử lý nghiêm các cá nhân có sai phạm để Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương sớm ổn định sản xuất.
 
Liên qua đến những “lình xình” đang xảy ra tại Công ty Sứ Hải Dương, khi trả lời phóng viên báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Qua thông tin báo chí, UBND tỉnh Hải Dương đã nắm bắt về những lình xình tại Công ty cổ phần Sứ Hải Dương. Về vụ việc này, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì cùng các sở ban ngành liên quan làm rõ những kiến nghị, tố cáo của công nhân, lao động.
 
Trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh không dung túng, bao che bất cứ sai phạm nào của các cá nhân và doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và Công ty cổ phần Sứ Hải Dương nói riêng.
 
Về thương hiệu sứ Hải Dương có nguy cơ bị mai một, ông Hiển cho biết: Lúc nào tỉnh cũng mong muốn công ty có người lãnh đạo có tầm, có tâm với nghề cùng tập thể người lao động tận tụy sáng tạo để gìn giữ và phát huy thương hiệu sứ Hải Dương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ban Bạn đọc