Thế nào là một đám cưới văn minh - lịch sự?

(Dân trí) - Mùa cưới đã đến, có thêm nhiều ưu tư và cả sự phiền hà cho những “gia chủ” và đi dự đám cưới. Việc cưới xin hiện nay đang gây tốn kém, lãng phí... Biết là như vậy nhưng cả xã hội vẫn đang phải thừa nhận.

Duy nghĩ như thế nào về việc cưới xin hiện nay và mong muốn của những người trẻ về một đám cưới  theo đúng nghĩa văn minh - lịch sự. Dân trí xin ghi nhận một số ý kiến:

Thế nào là một đám cưới văn minh - lịch sự? - 1
  

Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình - Viện Xã hội học VN: Đám cưới linh đình là của người có chức quyền, giầu có

Việc cưới xin hiện nay đang phản ánh một cách sống động nhu cầu, đời sống kinh tế xã hội. Hình thức, quy mô của đám cưới còn là sự thể hiện vị thế xã hội, tiềm lực kinh tế của người làm đám cưới.

Nhưng thực tế cho thấy, trong việc tổ chức đám cưới đã và đang có nhiều yếu tố tiêu cực?

Cách đây không lâu, chúng ta đã có những quy định cụ thể về việc tổ chức đám cưới không nên linh đình gây lãng phí tốn kém. Đã có văn bản yêu cầu cán bộ công chức chuyển sang tiệc ngọt, tiệc trà.

Thực tế cho thấy các đám cưới tổ chức linh đình, rình ràng chủ yếu là những người có chức có quyền, có vị thế trong xã hội. Mặc dù chúng ta đã có những quy định nhưng xét cho cùng nó vẫn ngọ ngoậy trên bàn giấy và chưa đi vào đời sống, chưa có một quan chức nào tổ chức đám cưới bằng tiệc ngọt.

Đâu đó trên các báo vẫn đăng tải việc các quan chức tổ chức đám cưới linh đình cho con nhưng có thấy xử lý gì đâu. Thế cho nên tôi cho là vẫn phải có một sự vận động không ngưng nghỉ và phải có những áp lực lớn mạnh mẽ hơn.

Và như vậy chúng ta vẫn phải sống chung với... tốn kém?

Việc quy định về hình thức tổ chức đám cưới xem ra vẫn rất khó áp dụng, ai bảo đám cưới bằng tiệc ngọt không có phong bì, phong bao?. Bản chất của vấn đề ở đây là ý thức của mỗi con người. Chúng ta phải xóa bỏ sự ganh đua nhau, con gà tức nhau tiếng gáy để rồi những gia đình không đủ tiềm lực kinh tế cũng phải "gồng" lên để cho những cặp vợ chồng biến thành con nợ.

Và bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những người lợi dụng nó để gặt hái. Để hạn chế, tôi cho rằng cần có nhiều biện pháp. Một mặt là tuyên truyền vận động để gây ra những áp lực thức tỉnh cộng đồng. Lâu nay chúng ta vẫn làm những việc này nhưng do không đều, không ổn định, thường xuyên nên hiệu quả không cao.

Thế nào là một đám cưới văn minh - lịch sự? - 2
Hoa khôi Phạm Thu Hằng: Tôi thích đám cưới ấm cúng và đơn giản

Chúng tôi định làm đám cưới theo kiểu “đời sống mới” nghĩa là chỉ tổ chức tiệc ngọt, nhưng bố mẹ cả hai bên lại thấy… không ổn!

Các cụ cho rằng, đám cưới nhất định phải là tiệc mặn, bởi bữa tiệc là thời điểm thể hiện sự vui mừng của cô dâu chú rể trong ngày quan trọng nhất trong đời. Đó cũng là lúc bố mẹ cô dâu, chú rể có dịp mời bạn bè họ hàng chia vui. Hơn nữa tôi là con gái lớn trong gia đình, nếu chỉ làm tiệc ngọt thì quá "úi xùi".

Thực tế là cho tới bây giờ, cỗ cưới đối với đại đa số người Việt, đặc biệt là những người lớn tuổi rất quan trọng. Nó không chỉ đơn giản là đi ăn, uống mà còn là thời điểm để tất cả những người thân có dịp tụ họp đông đủ để chúc tụng, trò chuyện với cô dâu, chú rể và đó sẽ là những kỷ niệm khó quên. Chính vì vậy, chuyện một đám cưới chỉ có tiệc ngọt đối với nhiều người vẫn là khó chấp nhận...

Rồi, để giải quyết trọn vẹn, bố mẹ cô bạn tôi vẫn làm tiệc mặn mời bạn bè thân thiết và họ hàng. Còn cô ấy tổ chức tiệc ngọt vào hôm sau để mời tất cả bạn bè ở công ty và ngoài xã hội. Bữa tiệc thật đơn giản nhưng cực kỳ vui. Người đi dự tiệc cưới cũng thấy vui vẻ và thoải mái vì không phải lo lắng nhiều đến cái khoản "phong bì".

Có lẽ, tôi cũng sẽ tổ chức đám cưới theo kiểu này. Vừa chiều lòng được bố mẹ, họ hàng lại vừa thoả mãn mong muốn của mình.

Thế nào là một đám cưới văn minh - lịch sự? - 3
  

Nguyễn Văn Thường - nhân viên marketting: Tuần trăng mật “xịn” hơn một đám cưới rình rang

Tháng sau tôi cưới vợ. Hai chúng tôi nhất trí là sẽ chỉ tổ chức tiệc ngọt mời bạn bè thân thiết và sẽ tổ chức một đám cưới thật vui và ý nghĩa. Số tiền tích cóp được để chuẩn bị cho đám cưới chúng tôi chi phần lớn cho tuần trăng mật để đi du lịch nước ngoài. Như vậy vừa thanh thản lại đỡ phải lo trả nợ "đồng lần".

Với tôi, đám cưới là lúc để bạn bè có thể chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể chứ không phải là lúc để họ phải lo lắng xem "phải mừng bảo nhiêu đây?"

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhìn thấy gương của khá nhiều bạn bè đã tổ chức đám cưới trước đó. Rất nhiều người đã phải vay mượn thêm tiền bạc khắp nơi rồi chạy đôn chạy đáo săn tìm nhà hàng, khách sạn sang trọng rồi căng đầu tính toán sao cho khách mời đến đủ để không bị ế cỗ (một mâm cỗ xoàng cũng mất 5-6 trăm nghìn).

Khi tổ chức đám cưới xong lại phải lo lắng thu vén để trả nợ, chẳng còn thời gian và tâm trí đâu nghĩ đến chuyện hưởng tuần trăng mật nữa. Nếu cứ tổ chức đám cưới kiểu như vậy hoá ra tự làm khổ mình còn gì nữa! Hạnh phúc phải bắt đầu từ những gì gần gũi và chân thành chứ không phải từ sự xa hoa, hoành tráng của một đám cưới!

Thế nào là một đám cưới văn minh - lịch sự? - 4
Nhà văn Chu Lai: Có cưới lại, tôi làm đám cưới tập thể

Có những vùng quê một đám cưới phải qua đến 18 cái lễ từ lễ xem mặt, dạm ngõ, ăn hỏi... đến lễ lại mặt sau ngày cưới. Ngày nay, những "công đoạn" đó đã được... rút ngắn lại một cách tối thiểu, và tôi nghĩ như thế là cần thiết.

Tôi thấy có hai xu hướng tổ chức cưới hiện nay cần khuyến khích là làm tiệc ngọt và làm đám cưới tập thể. Làm tiệc ngọt thì đơn giản, chỉ với bánh kẹo, miếng trầu, chén trà, không phải cao lương mỹ vị, nhạc sống nhạc chín gì, vậy mà vợ chồng vẫn sống với nhau hạnh phúc, đầm ấm hết cả cuộc đời.

Đám cưới tập thể cũng là một hình thức cưới "mới", rất văn minh, vui vẻ và tôi rất thích. Mà nếu có phải tốn kém thì việc chia nhỏ chi phí cũng tiết kiệm cho bạn trên mức mong muốn. Bây giờ mà có... cưới lại, chắc tôi cũng làm như thế.

Nhóm PV Diễn đàn