Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường HSMN số 18 (1973-2013)

Thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc

(Dân trí) - Chiến tranh đã qua đi nhưng dư âm về nó vẫn còn in đậm.

Đó không chỉ là những vết tích hữu hình trên từng thớ đất, từng gốc cây, ngọn cỏ trải dài trên mảnh đất hình chữ S thân thương này, mà còn là những vết tích vô hình hằn sâu trong trái tim, trong trí nhớ thơ ngây của lớp con trẻ ngày ấy.
 

Nhắc đến các anh, các chị là thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc, hơn nữa là lớp học sinh ra Bắc trong đợt cuối cùng vào năm 1972, đã được nuôi dạy tại trường số 18 (đóng tại tỉnh Hưng Yên).

Đoàn cựu HSMN số 18 về thăm trường cũ
Đoàn cựu HSMN số 18 về thăm trường cũ

Tôi đã may mắn được nghe đại diện của ban liên lạc học sinh trường số 18  kể về miền ký ức chắp vá, không mấy vẹn nguyên của mình. Anh là luật sư Võ Duy Dương công tác tại Bảo hiểm Bảo Việt Đà Nẵng - một trong những thế hệ học sinh nhỏ nhất của trường ( ra Bắc khi chưa đầy 7 tuổi).
 
Ký ức của anh còn lưu lại những hình ảnh của trận đánh mùa hè đỏ lửa năm 1972, nồng nặc một mùi súng đạn và khói lửa. Các cô chú, bảo bọc che chắn đưa những đứa trẻ vượt vĩ tuyến 17, qua vùng chiến khốc liệt cam go ấy để ra Bắc. Những tâm hồn non nớt chưa kịp cắt nghĩa thế nào là chiến tranh, chỉ biết đơn giản rằng,  vì nó mà họ phải xa cha mẹ, đau đớn hơn có người mãi mãi không bao giờ được gặp lại đấng sinh thành. Dẫu chung quanh có thầy cô chăm chút từng miếng ăn, dỗ dành trong giấc ngủ, có bạn bè cùng trang lứa vui đùa nhưng vẫn không khỏi những đêm nhớ nhà, nhớ hơi bố, hơi mẹ mà quấy khóc, đòi về không ngớt…
 

Khi hòa bình thống nhất, học sinh được đưa về quê hương, số người có bố mẹ hy sinh, không còn người thân được đưa vào nuôi dưỡng ở các trường nội trú do tỉnh thành lập. Đối với các tỉnh chưa có trường nội trú, học sinh được gửi về địa phương sinh sống. Song, cũng chính vì lứa nhỏ tuổi nhất nên các anh, các chị, có người chẳng nhớ, chẳng biết tên quê hương mình, lại chẳng còn bất kỳ người thân nào khác. Trong câu chuyện, anh nhắc đến hai anh em Kiên – Cường (là con của liệt sĩ đã bảo vệ cố chủ tịch Võ Chí Công), mất gần 20 năm trời mới tìm ra quê hương của mình. Lại có người không tìm thấy quê hương, quê hương cũng không tìm được họ, vậy là bôn ba, lưu lạc tha hương cầu thực. Bên cạnh những người may mắn được nuôi dưỡng ăn học đến nơi đến chốn, bằng nghị lực đã thành đạt, trở thành những cán bộ chủ chốt của Trung ương và địa phương thì có không ít người đang sống cuộc đời bình dị, khốn khó, “một nắng hai sương” nơi mảnh vườn, ao ruộng.

Năm 2009, Đảng và Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc, tổ chức các đoàn trở về thăm lại mái trường xưa. Các lớp học sinh lớn dễ dàng nhận ra nhau thì lớp học sinh của trường số 18 lại nghẹn ngào, vì chẳng thể nhận ra bạn bè, anh em. Bởi khi xưa chỉ là những đứa trẻ nhỏ xíu, bồng bế, chơi đùa cũng nhau mà giờ ai nấy tuổi đã xế chiều. Chỉ mừng mừng tủi tủi nhận nhau qua những câu chuyện về các thầy các cô đã từng nuôi dưỡng. Càng buồn hơn khi trong khoảng 1.300 học sinh trường số 18 lúc ấy mà nay chỉ gặp lại được mấy mươi người. Số người về tụ họp đa số là người thành đạt có địa vị, có điều kiện. Những người còn lại, giờ này họ còn hay mất, họ đang ở đâu từ chốn địa đầu tổ quốc đến vùng núi, hải đảo xa xôi, họ đang làm gì khi số phận không may mắn như những người còn lại.  Đó là câu hỏi đau đáu, trằn trọc trong giấc ngủ của bao người ở đây!

Có lẽ, với nỗi mặc cảm nên đôi khi nhận ra người bạn thuở ấy giờ đã công thành danh toại nhưng họ yên lặng, chẳng dám nhớ, chẳng dám nhận người anh em. Họ giấu đi cái góc nhỏ của đời mình và vùi sâu vào sự lãng quên của lịch sử. Ở một góc đời bụi bặm nào đó, họ sần sùi và gai góc nhưng nhắc lại cơn bĩ cực cùng quãng thời gian đã qua, chắc hẳn ai cũng nghẹn ngào.

Anh Dương cho biết, vừa rồi, trước sự ra đi đột ngột của một người anh trong lớp, để lại hai đứa con thơ, các anh đã vận động quyên góp, san sẻ một phần mất mát cho gia đình. Hơn nữa, các anh đã cùng góp sức lo cho cô con gái vừa đậu đại học. Bên cạnh đó còn nhiều sự giúp đỡ từ các anh em trong hội đến các hoàn cảnh khó khăn khác…Với suy nghĩ: chỉ là những nghĩa cử giản đơn ở đời, ngày trước thế hệ các anh mang ơn Bác Hồ, ơn Đảng và Nhà nước mới nên người, lên thảm đỏ, song có người lại sống khốn khó, cơ cực ở một nơi nào đó, thế nên anh em nhất định cùng san đều, cùng gánh bớt những nhọc nhằn của cuộc sống hiện tại.

Giờ đây, đầu ai cũng đã hai thứ tóc bởi chiến tranh đã kết thúc từ lâu, chẳng có ranh giới hay rào cản gì có thể ngăn cản, khó khăn để họ tề tựu bên nhau. Hơn nữa, cũng bởi tiếng gọi thiêng liêng, gần gũi “học sinh miền Nam thân yêu” mà Bác Hồ và đồng bào miền Bắc, các thầy cô đã dành cho họ.

Giống như những vần thơ mà anh Dương đã bộc bạch nỗi lòng của mình, rằng:

“ Chiến tranh – lửa quê hương

Đưa chúng con đến cảnh

Tình Phụ- Tử chia ly…

Học sinh miền Nam cặp nhau như rổ rá

Anh em kèm nhau học chữ

Chia nhau củ sắn lùi

Quờ chân nhau tìm hơi ấm giữa mùa đông

…Học sinh miền Nam không bao giờ bội ước

Vững niềm tin cùng đất nước đi lên

Ơn Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc

Nuôi dưỡng chúng con khôn lớn, trưởng thành

Nghĩa đậm sâu như tình Mẫu Tử

Suốt dọc dài mỗi bước chúng con đi…”

Giây phút này đây, các anh mong ước tìm được bạn bè, gặp lại anh em để cùng dìu nhau đi tiếp nửa đời còn lại. Chẳng ai muốn kể câu chuyện riêng của đời mình, chỉ một mong mỏi lớn lao sẽ tìm thấy, sẽ gặp lại những người bạn chung mái trường số 18 ngày xưa. Mong rằng, một ngày sớm nhất, được nghe tin hội tụ đủ đầy của các anh, các chị.

Mọi thông tin xin gửi về Ban liên lạc trường số 18:

Trưởng Ban liên lạc: Đồng chí Nguyễn Đắc Dũng-Văn phòng Trung ương Đảng số 08 Bạch Đằng, Đà Nẵng . ĐT: 0913.483.459
Phó Ban liên lạc: Đồng chí Dương Đình Bảy - Văn phòng UB kiểm tra TW Đảng tại Miền Trung số 26 Trần Phú, Đà Nẵng. ĐT:0914.213.122
Thư ký Ban liên lạc: Luật sư Võ Duy Dương - Công ty Bảo Việt Đà Nẵng, số 97 Trần Phú, Đà Nẵng. ĐT: 0903.580.626
 
Đình Hòa - Diệu Ái