Thấy gì từ những vụ tấn công cảnh sát giao thông khi bị yêu cầu dừng xe
(Dân trí) - Liên tiếp xảy ra tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bỏ chạy, chống đối hiệu lệnh kiểm tra, chửi bới, ném xe, đe dọa, thậm chí tông thẳng xe vào CSGT.
Ngoài ra, còn có tình trạng tài xế say xỉn, chống đối kiểm tra nồng độ cồn... những hành vi này nhẹ thì gây thương tích, nặng thì dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
Đơn cử, vào ngày 15/1, tại Km 1101+400 trên tuyến quốc lộ 1A. Tổ công tác trạm CSGT Đức Phổ dừng xe đầu kéo BKS 61C-388.39 kéo theo rơ-moóc BKS 51R-137.99 để kiểm tra nhưng bị tài xế chống đối. Khi tổ công tác yêu cầu xuống xe, tài xế D. lấy từ cabin con dao dài khoảng 25cm nhảy xuống đất đe dọa, tấn công tổ công tác.
Hay là vụ việc 2 CSGT bị ô tô húc văng khi đang kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn diễn ra tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam. Khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, chủ phương tiện không tuân thủ mà tăng ga, húc văng hai cán bộ CSGT rồi bỏ chạy.
Ở một diễn biến khác, tỉnh lộ 298, đoạn chạy qua địa bàn xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Đối tượng điều khiển xe máy đâm vào Trung tá D.V dương tính với ma túy, hậu quả Trung tá này bị thương nặng ở vùng đầu.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm qua đã xảy ra hơn 360 vụ chống đối CSGT. Hậu quả khiến 4 cán bộ chiến sỹ hy sinh, 194 người khác bị thương.
Lý giải nguyên nhân
Theo Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, người dân biết mình đang vi phạm các lỗi như: không có GPLX hoặc GPLX đang bị tước, không mang giấy tờ, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, trong người có nồng độ cồn, … sợ bị nộp phạt, bị tạm giữ phương tiện lái xe nên cố tình không chấp hành hiệu lệnh.
Ngoài những nguyên nhân dẫn tới hành vi không chấp hành hiệu lệnh điều khiển của CSGT trên, thì còn có thể là do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống của một số cán bộ chiến sĩ còn chưa tốt.
Tuy nhiên, theo Luật sư thì nguyên nhân chính vẫn là ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Tính răn đe của chế tài xử phạt đã đủ chưa?
Không ít người đặt ra câu hỏi này khi nhiều vụ người vi phạm giao thông chống đối, lăng mạ, khiêu khích hoặc tấn công lực lượng CSGT trên đường đã gây bức xúc trong dư luận. Các đối tượng biết trước đây là hành vi nguy hiểm nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ còn tái diễn sẽ tạo ra những tiền lệ xấu khiến người tham gia giao thông coi thường pháp luật dẫn đến những hệ lụy không thể lường trước được.
Điều 330 Bộ luật Hình sự đã quy định rõ chế tài xử phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi này với mức phạt có thể lên tới 7 năm tù. Tuy nhiên, đó chỉ là với vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ bị xử lý hành chính (Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) có thể bị xử lý hành chính cao nhất là 8 triệu đồng.
Từ những phân tích trên, luật sư Lực cho rằng cần tăng chế tài xử phạt, đưa các vụ ra xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung.