Thầy "gạ tình" trò, pháp luật xử thế nào?

Khả Vân

(Dân trí) - Tình trạng "quấy rối tình dục" hay "gạ tình" để được đổi điểm, lấy vai diễn, công việc... không còn quá xa lạ. Đây là hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác, gây tâm lý bất ổn, sợ hãi...

Mới đây nhất, có vụ giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp bị tố nhắn tin "gạ tình" sinh viên. Giải trình trước nhà trường, giảng viên này khẳng định không có sự việc như bài đăng tố cáo trên mạng xã hội, đồng thời cam đoan nếu sự việc như lời tố cáo thì sẽ xin thôi việc và ra khỏi ngành giáo dục.

Sự việc đang trong quá trình điều tra của lực lượng công an, tuy nhiên nếu đây là sự thật, hành vi này là biểu hiện của sự xuống cấp về mặt đạo đức, đáng nói ở đây lại còn là môi trường giáo dục.

Thầy gạ tình trò, pháp luật xử thế nào? - 1

Tin nhắn được cho là của một giảng viên trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp gửi nữ sinh năm cuối (Ảnh: MXH).

Đây cũng không phải chuyện hiếm gặp ở nước ta, cũng như tại nhiều nước khác. Năm 2019 tại Mỹ, một vụ bê bối gây rúng động nước này khi một giảng viên tại Trường ĐH Lagos - Nigeria đã yêu cầu quan hệ tình dục để đổi lấy một suất nhập học cho một sinh viên.

Tại Trung Quốc, nhiều cái chết đau lòng đã diễn ra vì nạn "gạ tình đổi điểm", nạn nhân là cả sinh viên nam lẫn nữ. Thống kê trên mặt báo nước này, có ít nhất 8 trường hợp giảng viên đại học bị tố xâm hại tình dục hoặc cưỡng ép sinh viên "phục vụ" cho họ xuất hiện trong 2 năm qua.

Tao Chongyuan, 26 tuổi, đang là sinh viên cao học thuộc Đại học Công nghệ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc). Khi anh này nhảy lầu tự tử, gia đình chàng sinh viên đã cáo buộc giáo sư hướng dẫn của anh là Wang Pan, lợi dụng và ép Tao làm nhiều thứ cho ông ta, chẳng hạn mua thức ăn, giặt giũ, và thậm chí thổ lộ "tình yêu của một người cha dành cho con trai" (dựa trên tin nhắn trao đổi giữa hai người)...

Một vài lần, Wang còn đe dọa đuổi Tao ra khỏi phòng thí nghiệm và hủy bằng cấp khi anh nộp hồ sơ xin học tiến sĩ ở nước ngoài và khi nhận được lời mời đi làm, theo lời chị gái của Tao.

Một câu chuyện khác, năm 1998, một cô gái tên Gao Yan - sinh viên Đại học Bắc Kinh danh tiếng - kết liễu cuộc sống ở tuổi 21. 20 năm sau, hai người bạn học của cô đứng ra tố ông Shen Yang, 62 tuổi, cựu giáo sư môn ngữ văn của trường, đã cưỡng hiếp Gao.

Vậy hành vi gạ tình bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật Việt Nam?

Thầy gạ tình trò, pháp luật xử thế nào? - 2

"Gạ tình" là gì?

Theo Luật gia Nguyễn Văn Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX, "gạ tình" có thể hiểu là những lời nói, cử chỉ hướng vào sự khác biệt giới tính với ý đồ không lành mạnh. Hành vi này còn có thể được gọi là "quấy rối tình dục".

Những hành vi có thể được coi là quấy rối tình dục được hiểu là những hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của người khác.

Các hành vi quấy rối tình dục

+ Ép buộc người khác hôn, quan hệ tình dục bằng miệng; hoặc giao cấu tình dục được xem như quấy rối hoặc bắt nạt tình dục. Bắt một người nào đó thực hiện những hành động tình dục mà họ không muốn chính là tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp; và đó là một tội trạng vô cùng nghiêm trọng. 

+ Đùa giỡn, bình luận về vấn đề tình dục hay có những cử chỉ nhạy cảm đối với hoặc về một ai đó.

+ Lan truyền tin đồn tình dục (bằng lời nói trực tiếp, tin nhắn hay trên mạng).

+ Viết thông tin liên lạc của người khác trên tường buồng tắm hoặc ở những nơi công cộng khác nhằm mục đích xấu.

+ Cho ai đó thấy những hình ảnh hoặc video về tình dục không thích hợp.

+ Yêu cầu ai đó gửi hình ảnh khỏa thân.

+ Đăng những bình luận, hình ảnh và video về tình dục trên mạng xã hội như Facebook; hoặc gửi những tin nhắn có nội dung không phù hợp

+ Đưa ra những bình luận hoặc yêu cầu về tình dục khi giả vờ là một người khác trên mạng Internet.

+ Sờ, nắm hay véo ai đó theo cách cố tình sàm sỡ.

+ Kéo quần áo của ai đó và cố tình chạm vào cơ thể họ một cách khiếm nhã.

+ Ép ai đó hẹn hò với mình hết lần này đến lần khác cho dù người đó đã từ chối. 

"Gạ tình" bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?

Xử phạt hành chính

Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính; theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ- CP; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

  1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; đối với một trong những hành vi sau đây:
  1. a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
  1. b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật; nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ; trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe; trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác; 

Theo đó, hành vi gạ tình bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.

Xử lý hình sự

Hiện nay theo quy định của BLHS không quy định tội liên quan đến hành vi quấy rối tình dục.

Nhưng khi các chủ thể có hành vi quấy rối tình dục; thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự về các tội:

Tội hiếp dâm

Quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể: Điều 141. Tội hiếp dâm

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực; hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Tội cưỡng dâm

Quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể: Điều 143. Tội cưỡng dâm:

  1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình; hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm."

Tội làm nhục người khác

Quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự, cụ thể: Điều 155. Tội làm nhục người khác

1.Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 Có thể cho thôi việc đối với giảng viên quấy rối tình dục không?

Theo quy định tại điều 19 Nghị định 112/2020 Nghị định chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc trong các trường hợp:

"Điều 19. Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;

2. Có hành vi vi phạm lần đầu; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;

3. Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này;

Căn cứ theo quy định trên thì việc giáo viên (là viên chức) quấy rối tình dục chưa đủ căn cứ để buộc thôi việc.

Phải làm gì khi bị quấy rối tình dục?

Người học viên, sinh viên bị giảng viên thực hiện các hành vi quấy rối tình dục có thể nhờ tới sự giúp đỡ của các đoàn thể hoặc phòng, ban của nhà trường. Nếu như nhà trường không giải quyết triệt để hoặc hành vi này đã ở mức nghiêm trọng như phạm tội cưỡng dâm nêu ở trên thì sinh viên đó có thể tố cáo tại cơ quan công an để họ xác minh giải quyết, tuy nhiên cần lưu trữ những bằng chứng, tin nhắn, cuộc gọi có thể chứng minh.