Hàng trăm công nhân mất việc trong “nháy mắt”:

Thay đổi hình thức kỷ luật Đảng với nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cấp nước Cà Mau!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Hơn trăm công nhân mất việc trong nháy mắt” xảy ra tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, nguồn tin riêng của PV Dân trí cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau vừa có quyết định thay đổi hình thức kỷ luật Đảng đối với ông Lý Hoàng Trung.

Vào tháng 7/2017, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau đã có quyết định kỷ luật bằng thức "cảnh cáo" đối với ông Lý Hoàng Trung. Thời điểm này, ông Trung là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau (Cty Cấp nước Cà Mau).

Ông Trung bị kỷ luật vì có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong quá trình quản lý, điều hành Cty Cấp nước Cà Mau; trong đó có việc cho nhiều công nhân nghỉ việc không đúng quy định.

Đến cuối tháng 11/2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau đã có quyết định thay đổi hình thức kỷ luật đối với ông Lý Hoàng Trung.

Nguồn tin riêng của PV Dân trí cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau nhận định, với những vi phạm được cho là gây hậu quả nghiêm trọng, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp kỷ luật ông Lý Hoàng Trung bằng hình thức "cảnh cáo" là nhẹ. Vi phạm của ông Trung phải áp dụng hình thức kỷ luật cao hơn.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau có quyết định thay đổi hình thức kỷ luật "cảnh cáo" bằng hình thức kỷ luật "cách chức Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau" đối với ông Lý Hoàng Trung.

Bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới

Trong một diễn biến khác, ngày 15/12, Cty Cấp nước Cà Mau đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2017.

Đại hội đã thống nhất miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lý Hoàng Trung; bầu ông Hồ Tấn Luật (nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau) đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐTQ Cty Cấp nước Cà Mau.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã ký quyết định số 1692/QĐ-UBND, miễn nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước (34,59% vốn điều lệ) tại Cty Cấp nước Cà Mau đối với ông Lý Hoàng Trung kể từ ngày 11/10/2017.

Sau khi miễn nhiệm ông Lý Hoàng Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có quyết định điều động ông Hồ Tấn Luật làm người đại diện phần vốn Nhà nước (34,59% vốn điều lệ) tại Cty Cấp nước Cà Mau, kể từ ngày 11/10/2017.

Công ty Cấp nước Cà Mau, nơi xảy ra việc nhiều công nhân bị cho nghỉ việc sai quy định.
Công ty Cấp nước Cà Mau, nơi xảy ra việc nhiều công nhân bị cho nghỉ việc sai quy định.

Như Dân trí đã phản ánh, thời gian qua, dư luận tỉnh Cà Mau xôn xao bất bình về việc trước khi cổ phần hóa, cuối năm 2015 đầu năm 2016, Cty Cấp nước Cà Mau đã cho hơn 100 lao động nghỉ việc, mà theo kết luận của cơ quan chức năng thì công ty này đã cho người lao động nghỉ việc sai quy định.

Sau kết luận của ngành chức năng, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn yêu cầu Hội đồng quản trị, Ban điều hành Cty Cấp nước Cà Mau sắp xếp lại lao động đối với 29 lao động bị cho nghỉ việc vào tháng 5/2016.

Sau khi tiếp nhận văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban giám đốc Cty Cấp nước Cà Mau đã có tờ trình gửi Hội đồng quản trị công ty thừa nhận có sai sót và đề nghị nhận lại 29 lao động. Thế nhưng, ông Lý Hoàng Trung vẫn “phớt lờ” chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, cũng như tờ trình của Ban Giám đốc công ty về việc nhận lại người lao động.

Vào đầu tháng 3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã ký quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo về mặt chính quyền đối với ông Lý Hoàng Trung (Chủ tịch HĐQT); các ông Trần Hoàng Khện (Giám đốc) và Phạm Phước Tài (Phó Giám đốc) cùng bị kỷ luật với hình thức khiển trách.

Sau đó, ông Lý Hoàng Trung tiếp tục bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng; các ông Trần Hoàng Khện và Phạm Phước Tài cùng bị kỷ luật khiển trách Đảng.

Các ông Lý Hoàng Trung, Trần Hoàng Khện và Phạm Phước Tài bị kỷ luật vì có liên quan đến nhiều vụ “lùm xùm” tại Cty Cấp nước Cà Mau, trong đó có việc cho hơn trăm người lao động nghỉ việc mà theo kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau là sai quy định.

Cụ thể, ông Lý Hoàng Trung với vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước, giữ chức danh quản lý tại công ty, đã chưa thận trọng trong điều hành, phân giao nhiệm vụ cho cấp dưới; nóng vội, thực hiện chưa tốt quy chế dân chủ cơ sở nên chưa tạo được sự đồng thuận, để nội bộ mất đoàn kết; giải quyết hợp đồng lao động chưa đảm bảo đúng quy định dẫn đến thưa kiện kéo dài, phức tạp; thực hiện chưa đúng quy định về công tác cán bộ; chưa chủ động báo cáo chủ sở hữu tình hình hoạt động và các vụ việc phức tạp phát sinh tại công ty;...

Đối với ông Trần Hoàng Khện và Phạm Phước Tài, với vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước giữ chức danh quản lý tại công ty, đã để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ; chưa quyết đoán và nhất quán trong giải quyết, chấm dứt hợp đồng lao động; bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy định; chưa kịp thời báo cáo chủ sở hữu những sự việc sai phạm xảy ra tại công ty;…

Nhiều công nhân đã thắng kiện Công ty Cấp nước Cà Mau tại phiên tòa phúc thẩm.
Nhiều công nhân đã thắng kiện Công ty Cấp nước Cà Mau tại phiên tòa phúc thẩm.

Mới đây, TAND tỉnh Cà Mau đã đưa ra xét xử phúc thẩm liên tục 29 vụ án lao động do người lao động (NLĐ) kháng cáo trong vụ việc hàng trăm công nhân bị Cty Cấp nước Cà Mau chấm dứt hợp đồng trái luật.

Theo NLĐ, Cty Cấp nước Cà Mau không làm đúng thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Thông tư 38/2010/TT-BLĐTBXH (Thông tư 38) là không phối hợp với công đoàn tổ chức Đại hội công nhân viên chức hoặc Đại hội đại biểu công nhân viên chức để lấy ý kiến NLĐ về tinh giảm lao động dôi dư. Do Cty Cấp nước Cà Mau đã tự ý chốt danh sách cho NLĐ nghỉ việc là trái luật.

Trong số 36 NLĐ khởi kiện Cty Cấp nước Cà Mau thì TAND TP Cà Mau đã xét xử sơ thẩm và tuyên xử 29 NLĐ thua kiện.

Tòa sơ thẩm TAND TP Cà Mau cho rằng, tuy Cty Cấp nước Cà Mau không phối hợp công đoàn tổ chức Đại hội công nhân viên chức để lấy ý kiến NLĐ về tinh giảm lao động dôi dư, nhưng công ty có triển khai kế hoạch tinh giảm lao động đến tận các Phòng, Ban yêu cầu tự tiến hành họp đơn vị và tự phân loại lao động dôi dư rồi gửi danh sách để công ty chốt lao động dôi dư. Theo quy định của Thông tư 38 thì dù có tổ chức Đại hội công nhân viên chức cũng chỉ có một nhiệm vụ cho ý kiến về danh sách lao động dôi dư, trong khi danh sách đã được công ty lập và có Chủ tịch Công đoàn ký tên nên không trái luật. Từ đó, TAND TP Cà Mau đã bác đơn kiện của tập thể NLĐ.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Trưởng văn phòng Luật sư Tín Nghĩa, người bảo vệ quyền lợi cho NLĐ) cho biết, tại phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Cà Mau, HĐXX đã có nhận định ngược lại, đó là quá trình công ty xây dựng phương án sắp xếp dôi dư đã không có sự tham gia của công đoàn là vi phạm khoản 2, Điều 46 của Bộ luật Lao động.

Phía Cty Cấp nước Cà Mau cũng không phối hợp với công đoàn để tổ chức Đại hội công nhân viên chức, để đại hội cho ý kiến về danh sách lao động dôi dư (công ty lấy lý do là có nhiều NLĐ nên không thể tổ chức đại hội để cho ý kiến về danh sách lao động dôi dư) là không có cơ sở chấp nhận, vì theo khoản 2, Điều 7, Thông tư 38 thì công ty có thể tổ chức Đại hội đại biểu công nhân viên chức nhưng công ty cũng không thực hiện.

Mặt khác, Cty Cấp nước Cà Mau chốt danh sách lao động dôi dư trước thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là vi phạm các quy định tại khoản 2, Điều 3 Thông tư 33/2012/TT-BLĐTBXH.

Do đó, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Cà Mau đã sửa án sơ thẩm, tuyên Cty Cấp nước Cà Mau đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật; buộc phải bồi thường cho NLĐ theo quy định tại khoản 1, Điều 42, Bộ luật Lao động, đối với 29 NLĐ có kháng cáo.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm