Vụ cấp sổ đỏ trái pháp luật nhà 24 Nguyễn Thiệp, Hà Nội:

Thanh tra quận Ba Đình bị "tố" xâm hại quyền lợi của công dân

(Dân trí) - Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã chỉ rõ những dấu hiệu bất thường trong hồ sơ cấp sổ đỏ cho nhà 24 Nguyễn Thiệp, nhưng đến nay Thanh tra quận Ba Đình, TP. Hà Nội chưa ban hành kết luận vụ việc, đe dọa quyền và lợi ích của công dân.

Sau khi báo Dân trí có bài viết “Đề nghị làm rõ giấy tờ giả mạo trong vụ cấp sổ đỏ nhà 24 Nguyễn Thiệp”, Thanh tra quận Ba Đình, TP. Hà Nội đã mời công dân có đơn tố cáo là ông Nguyễn Đình Tuân, tạm trú tại 30A đường nước Phần Lan, Tứ Liên, Tây Hồ tới làm việc về những vấn đề liên quan đến vụ cấp sổ đỏ nhà 24 nguyễn Thiệp, phường Nguyễn Trung Trực đứng tên ông Phạm Nam có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
 
Ông Nguyễn Đình Tuân cho rằng UBND quận Ba Đình, cùng các cơ quan chức năng
Ông Nguyễn Đình Tuân cho rằng UBND quận Ba Đình, cùng các cơ quan chức năng của quận Ba Đình đang cố ý bao che cho sai phạm đã rõ như ban ngày

Giải thích về việc chậm ban hành kết luận thanh tra, trong buổi làm việc ngày 29/5/2013, đại diện Thanh tra quận Ba Đình viện dẫn lý do đang chờ văn bản trả lời của Cục hồ sơ nghiệp vụ về những giấy tờ liên quan đến bà Nguyễn Thị Thảo (mẹ ông Nguyễn Đình Tuân) đã mất từ năm 1979. Ngoài ra, hiện Thanh tra quận Ba Đình cũng đang chờ văn bản trả lời của Văn phòng Đăng ký đất ở - Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội

Cho rằng cách giải thích và giải quyết của Thanh tra quận Ba Đình không thuyết phục, ông Nguyễn Đình Tuân tiếp tục làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng Trung ương và TP. Hà Nội yêu cầu làm rõ dấu hiệu bao che cho sai phạm của UBND quận Ba Đình đối với việc cấp sổ đỏ trái pháp luật ở nhà 24 Nguyễn Thiệp.

Trong đơn tố cáo gửi báo Dân trí đề ngày 2/6/2013, ông Nguyễn Đình Tuân đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ việc UBND quận Ba Đình cấp sổ đỏ cho phần đất có tranh chấp kéo dài từ năm 1993 cho đến nay có đúng quy định của pháp luật? Việc cấp sổ đỏ dựa trên giấy tờ photocopy, cùng những giấy tờ có dấu hiệu giả mạo mà Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã giám định và kết luận là đúng hay sai? Năm 1995, Sở Nhà đất TP. Hà Nội đã làm thủ tục phân chia di sản thừa kế và quyền sử dụng đất nhà 24, 26, 28 Nguyễn Thiệp của ông Nguyễn Đình Minh (bố ông Tuân) cho 4 người con, vì sao UBND quận Ba Đình vẫn cấp sổ đỏ 59m2 nhà 24 Nguyễn Thiệp cho ông Phạm Nam?.

Như thông tin đã đưa, vụ tranh chấp đất đai xảy ra ở nhà số 24 Nguyễn Thiệp từ năm 1993, khi ông Phạm Nam làm đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Từ ngày 5/10/1994, tại cuộc họp giải quyết tranh chấp nhà 24, 26, 28 Nguyễn Thiệp diễn ra tại trụ sở phường Nguyễn Trung Trực, gia đình ông Tuân khẳng định tờ giấy cam kết photocopy viết ngày 5/4/1972 mà ông Phạm Nam đưa ra là giả mạo để phù hợp phần diện tích 29m2 lấn chiếm.
 
2
2
2 văn bản thông báo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự về những
dấu hiệu bất thường trong hồ sơ cấp sổ đỏ cho nhà 24 Nguyễn Thiệp

Vì lý do này, Sở Nhà đất Hà Nội đã dừng xem xét đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Phạm Nam. Tuy nhiên, đến năm 2010 (sau 17 năm), bà Phùng Thị Hòa, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực đã xác nhận vào hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ phần diện tích 59 m2 của ông Phạm Nam là đất không có tranh chấp, làm cơ sở để UBND quận Ba Đình cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nam sau này.

Cơ sở để bà Phùng Thị Hòa xác nhận cho ông Phạm Nam là bản sao giấy cam đoan viết tay đề tháng 3/1972, bà Thảo viết cho cháu Dương Thị Phương (tức Sự, vợ ông Phạm Nam) 30m2 nhà 24 Nguyễn Thiệp; bản sao giấy cam kết cho cháu Phương 30m2 trên diện tích 59m2 do bà Thảo viết đề tháng 4/1972.

Liên quan đến 2 tờ giấy cam đoan và cam kết nói trên, ngày 22/3/2013, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã tiến hành giám định và kết luận “Hai bản này không cùng một người viết”.

Sau khi UBND TP. Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết đơn khiếu nại và tố cáo của ông Nguyễn Đình Tuân, ngày 25/1/2013, ông Tuân được bố trí lịch làm việc với Thanh tra quận Ba Đình để xác nhận 2 tờ giấy cam đoan và cam kết tờ nào là giả. Đơn của ông Tuân cho biết, tại buổi làm việc này Thanh tra quận Ba Đình hứa sẽ xem xét và đưa ra kết luận. Nhưng đến lúc này, ông Tuân vẫn chưa nhận được kết luận, trong khi người làm giả hồ sơ là ông Phạm Nam đã bán nhà tẩu tán tài sản.

Trong lúc Thanh tra quận Ba Đình khất lần nghĩa vụ trả lời đơn tố cáo của công dân, ngày 7/5/2013, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự đã công bố kết quả giám định bản sao đơn xin phép xây dựng ngày 10/4/1991 do ông Phạm Nam (Ký hiệu A), với bản sao giấy cam kết và cam đoan đề tháng 3 và tháng 4/1972 (ký hiệu M1, M2) có chữ ký của bà Nguyễn Thị Thảo (mẹ ông Tuân).

Viện Khoa học kỹ thuật hình sự kết luận, chữ viết trên đơn xin phép xây dựng (ký hiệu A) với chữ viết chữ số nội dung trên 2 bản giấy cam kết kí hiệu (M1, M2) là chữ viết chữ số của cùng một người viết. Điều đó đồng nghĩa, ông Phạm Nam đã tự tay làm giấy tờ giả mạo để hợp pháp hóa phần diện tích lấn chiếm. Bởi bà Nguyễn Thị Thảo không biết chữ, việc này đã được ghi rõ trong biên bản họp giải quyết tranh chấp ngày 5/10/1994 diễn ra tại trụ sở UBND phường Nguyễn Trung Trực.

Đơn tố của ông Nguyễn Đình Tuân cho rằng, phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình có dấu hiệu “chống lưng” cho sai phạm khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Phạm Nam, mặc dù biết rõ diện tích ông Nam xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ có tranh chấp từ năm 1993 đến nay. Trong khi đó, tất cả tài liệu, hồ sơ của ông Phạm Nam nộp chỉ là giấy photocopy, giấy tờ giả mạo có nhiều điểm mâu thuẫn.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với phần tài sản đã bị chiếm đoạt, ông Nguyễn Đình Tuân khẩn thiết đề nghị UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng hủy bỏ Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Phạm Nam, bồi hoàn thiệt hại về kinh tế mà gia đình ông phải hứng chịu, xử lý nhiêm minh những cá nhân cố tình “tiếp tay” để ông Phạm Nam được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ sai trái pháp luật ở 24 Nguyễn Thiệp.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương