Thành Trà Lân - Một di tích lịch sử cần được bảo vệ và khôi phục

(Dân trí) - Nằm về phía tây bắc của huyện Con Cuông, Nghệ An, cách trung tâm huyện lỵ hơn 2 km. Thành Trà Lân hiện tại nằm trên đất Tân Hoà, xã Bồng Khê. Bên này sông là khu vườn bộ vườn quốc gia Pù Mát, bên kia sông Lam là thành Trà Lân.

Thành Trà Lân - Một di tích lịch sử cần được bảo vệ và khôi phục - 1
Vùng đất này huyện Con Cuông đang giải phóng mặt bằng để tái định cư tiếp 35 hộ Đan Lai sống trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát về ở...
 
Thành Trà Lân gắn với lịch sử chống quân xâm lược nhà Minh của Nghĩa quân Lam Sơn. Thành được xây dựng theo hình chữ V, lưng tưạ vào núi, mặt quay ra sông Lam, xung quanh có thành quách hào sâu yểm trợ, ngoài cùng là một luỹ tre gai và cả nhiều ngọn núi của động Đào Nguyên yểm trở bảo vệ thành thêm vững chắc.

Lịch sử kể lại: Tướng giặc giữ thành là một nguỵ quân gian ác tên là Cầm Bành có tài điều quân khiển tướng. Sức chứa của Thành cả ngàn quân sĩ có nhiệm vụ bảo vệ, chốt chặn tuyến quốc lộ 7A và giao thông đường thuỷ Sông Lam, trấn giữ vùng miền Tây Nghệ An. Hơn 600 năm trước nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi dấy nghĩa, tiến vào đánh thành, làm nên miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.

Sau khi chiến thắng, Lê Lợi chiêu binh, luyện quân, tập hợp lực lượng. Nghĩa quân dùng vùng Khe Đóng (xã Thạch Ngàn) để luyện voi tập trận, làm căn cứ địa để tiến đánh các vùng khác, giải phóng đất nước. Chiến thắng ở Thành Trà Lân là yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh của dân tộc.

Trải qua hơn 600 năm bị mưa nắng, bão lũ và cả con người tàn phá, hịên nay Thành Trà Lân chỉ còn dấu tích, gạch vụn và đang có nguy cơ bị vùi lấp, những dãy tre xưa nay chỉ còn 5 bụi cũng đang bị chặt phá, những dãy gạch xây thành, có nơi bị lở trôi vì không có ai bảo vệ.
Thành Trà Lân - Một di tích lịch sử cần được bảo vệ và khôi phục - 2
Vùng đất thuộc bản Khe Đóng (Thạch Ngàn) này trước đây là nơi nghĩa quân Lam Sơn làm nơi luyện quân, luyện voi đánh giặc... giờ chỉ còn lại là bãi đất trống cho trâu bò nghỉ ngơi.

Hơn mười năm trước đây, Thành được liệt kê vào di tích lịch sử văn hoá cần được bảo vệ, nhưng rồi không thấy cấp kinh phí để duy tu, bảo vệ. Một huyện nghèo như huyện Con Cuông, toàn bộ ngân sách phục vụ bộ máy do kinh phí trên cấp, làm sao có kinh phí để bảo vệ Thành, lại càng không có kinh phí để duy tu, ít nhất là giữ nguyên hiện trạng.

Rất nhiều người khi đến thăm di tích của Thành, đã phải chạnh lòng vì một di tích lịch sử oai hùng của dân tộc đang bị cây rừng và đất đá phủ lấp, có nguy cơ bị xoá sổ.

Con Cuông đang được quy hoạch thành lập thị xã. Và năm 2005, năm du lịch Nghệ An, tỉnh Nghệ An có xây dựng trục du lịch Cửa Lò - quê Bác Nam Đàn - Du lịch sinh thái vườn Quốc gia Pù Mát. Nhưng từ đó đến nay đã hơn 6 năm, không thấy kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch. Để giữ chân khách đến và cao hơn là giữ gìn và bảo tồn di tích lịch sử oai hùng của dân tộc.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, nhất là Sở Văn hoá - Thể thao - Du Lịch, cần khảo sát và có kế hoạch duy tu bảo vệ ngay, nếu không sẽ quá muộn!

Phùng Văn Mùi