Bài 22 - Vụ 194 Kim Mã:

Thanh tra Chính phủ và Viện kiểm sát “vênh” quan điểm, người dân hoang mang!

(Dân trí) - Tài sản nhà đất tại số 10 Kim Mã (nay là số 194 Kim Mã) là nhà đất mà gia đình ông Mai Công Ích đã mua, sử dụng 18 năm nay nhưng bỗng nhiên lại được Cục THADS TP Hà Nội thu hồi để tiến hành kê biên, bán đấu giá. Trong khi Thanh tra Chính phủ và VKSND Tối cao bày tỏ quan điểm trái ngược nhau thì người dân hết sức hoang mang.

Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí phản ánh những góc khuất trong vụ thi hành án tại 194 Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, mới đây nhất, ngày 20/7/2017, Thanh tra Bộ Tư pháp đã đưa ra kết luận về vụ thi hành án dính hàng loạt sai phạm này.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hủy một giao dịch dân sự hợp pháp có sự chứng kiến của cơ quan thi hành án giữa các bên, “bỏ qua” các quyết định về việc thi hành án đã có hơn 15 năm nay, yêu cầu hoàn trả lại tài sản đồng thời chuyển cấp xử lý việc thi hành án, tiến hành thi hành án lại từ đầu. Đó là thực trạng đang diễn ra liên quan đến việc thi hành án căn nhà tại số 10 Kim Mã (nay là nhà số 194 Kim Mã). Tuy nhiên, trong vụ thi hành án tại nhà đất 194 Kim Mã, hai cơ quan Thanh tra Chính phủ và VKSND Tối cao đã đưa ra quan điểm ngược nhau.


Việc nộp tiền vào Chi cục Thi hành án quận Ba Đình của ông Ích còn nguyên biên lai đóng dấu đỏ từ năm 1999.

Việc nộp tiền vào Chi cục Thi hành án quận Ba Đình của ông Ích còn nguyên biên lai đóng dấu đỏ từ năm 1999.

Thanh tra Chính phủ vạch rõ sai phạm, đưa hướng giải quyết!

Tại Kết luận thanh tra số 845/KL-TTCP ngày 16/4/2013 của Thanh tra Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp, liên quan đến việc thi hành án nhà 194 Kim Mã, Thanh tra Chính phủ kết luận hang loạt sai phạm của cơ quant hi hành án trong vụ việc này.

Cụ thể, trong quá trình thi hành án, THADS quận Ba Đình và THADS Hà Nội đã có những sai phạm sau:

Không tiếp tục tiến hành xác minh các tài sản bảo đảm điều kiện thi hành án của bà lâm (căn hộ số 218-T1-59 Ngọc Khánh và phòng số 501 số 65 Hàng Than), không tiến hành kê biên, phát mại theo quy định nhằm đảm bảo thi hành án cho các đương sự của 05 hồ sơ thi hành án còn lại là vi phạm Điều 28 Pháp lệnh THADS năm 1993, Điều 8 “quy định về xác minh điều kiện thi hành án” Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 và Điều 44 “xác minh điều kiện thi hành án” Luật THADS năm 2008;

Không đôn đốc thu hồi 50 triệu đồng tiền đền bù GPMB của bà Lâm từ Ban quản lý dự án như Bản án phúc thẩm đã tuyên (ngày 21/5/1998 bà Lâm đã có đơn đề nghị Ban quản lý dự án chuyển 50 triệu đồng cho THADS quận Ba Đình) là vi phạm Điều 38, Điều 39 Pháp lệnh THADS năm 1993, Điều 40 Pháp lệnh THADS năm 2004 và Điều 76 Luật THADS năm 2008;

Không thu hồi và để bà Lâm tẩu tán không thi hành án 19 cây vàng (tiền ông Ích trả thêm cho bà Lâm khi đường Kim Mã ổn định không GPMB) để trả cho các đương sự là vi phạm Điều 38, Điều 39 Pháp lệnh THADS năm 1993, Điều 40 Pháp lệnh THADS năm 2004 và Điều 76 Luật THADS năm 2008.

THADS quận Ba Đình đã sai phạm về việc phân chia 233.675.000 đồng (tương đương 475 chỉ vàng) tiền bán nhà số 10 Kim Mã cho các đương sự. THADS quận Ba Đình đã không tiến hành xác minh kê biên các tài sản còn lại để đảm bảo thi hành án; giải quyết khiếu nại của các đương sự chưa đảm bảo khách quan, đùn đẩy né tránh trách nhiệm.

THADS Hà Nội đã không hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ cụ thể; việc giải quyết khiếu nại của các đương sự cũng chưa kịp thời, chưa đảm bảo tính khách quan. Khi thụ lý hồ sơ theo thẩm quyền cũng không tiến hành xác minh các tài sản khác đảm bảo điều kiện thi hành án của bà Lâm.

Cục THADS Bộ Tư Pháp (nay là Tổng cục THADS) đã thiếu sâu sát, chậm hướng dẫn trả lời đơn vị cấp dưới, thậm chí trả lời chung chung, không kịp thời giải quyết khiếu nại của các đương sự, khi vụ việc diễn biến theo chiều hướng phức tạp đã không kịp thời kiểm tra, thành lập tổ công tác để nắm tình hình nhằm có phương án đề xuất với Bộ trưởng hướng giải quyết, thi hành án dứt điểm.

Vụ việc thi hành án đã kéo dài gần 14 năm, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nên phát sinh nhiều khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, nếu giải quyết theo hướng hủy việc chuyển nhượng nhà số 10 Kim Mã giữa bà Lâm và ông Ích như Cơ quan thi hành án đã dự kiến để kê biên, bán đấu giá thì sẽ phát sinh nhiều quan hệ tranh chấp mới, phức tạp, bởi vì:

Thứ nhất, Ban chỉ đạo THADS quận Ba Đình đã có Công văn số 630/CV-UB ngày 22/8/2005 gửi các cơ quan: Cục THADS - Bộ tư pháp, Sở tư pháp TP. Hà Nội và THADS Hà Nội đề xuất hướng giải quyết:

“Giữ nguyên các thỏa thuận tự nguyện mua bán nhà giữa bà Lâm, bà Oanh và ông Ích; giữ nguyên hiệu lực các biên bản giải quyết thi hành án lập ngày 16/01/1999 và 28/01/1999. Mặt khác, ông Ích cũng đã tự nguyện nộp lại số tiền còn thiếu cho bà Oanh tại thời điểm thanh toán quy đổi ra vàng theo tinh thần của công văn này.

Thứ hai, theo Bản án phúc thẩm số 50/PTDS ngày 10/4/1998 thì bà Lâm đã lật lọng bà Oanh không đồng ý bán 2,3 lạng vàng/m2 như đã cam kết, mà đòi 3,5 lạng vàng/m2, bà Oanh không chấp nhận và đồng ý hủy hợp đồng mua bán nhà số 10 Kim Mã, cho nên giá ông Ích mua 3,5 lạng vàng/m2 tại thời điểm đó là phù hợp với giá thị trường (về giá bán nhà không ảnh hưởng đến lợi ích của các đương sự còn lại).


Một quyết định thi hành án trong vụ 194 Kim Mã do ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án ký được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận sai phạm.

Một quyết định thi hành án trong vụ 194 Kim Mã do ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án ký được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận sai phạm.

Hơn nữa, tại thời điểm 16/01/1999, ông Ích thỏa thuận mua nhà số 10 Kim Mã của bà Lâm đã được sự đồng ý của cơ quan Thi hành án là một giao dịch dân sự, ông Ích đã cư trú, ăn ở ổn định từ năm 1999 đến nay. Nay muốn hủy giao dịch dân sự này thì phải có quyết định của Bản án có hiệu lực pháp luật khác.

“Vì vậy, để khắc phục những sai phạm của cơ quan Thi hành án trước đây và để tránh vụ việc diễn biến thêm phức tạp, cơ quan Thi hành án phải có biện pháp động viên, thuyết phục các đương sự công nhận việc chuyển nhượng nhà đất số 10 Kim Mã của bà Lâm cho ông Ích và tiếp tục xác minh, xử lý kê biên các tài sản khác hiện có của bà Lâm để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nói gì?

Trong khi quan điểm của Thanh tra Chính phủ đã rõ, ngày 24/02/2017, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có Công văn số 577/VKSTC-V11 gửi Viện KSND thành phố Hà Nội với nội dung: “… về bản chất, ngày 16/01/1999, Chấp hành viên cho người phải thi hành án (bà Đặng Thị Lâm) thỏa thuận chỉ với 02 trong số nhiều người được thi hành án (ông Mai Công Ích, bà Nguyễn Thị Oanh) về xử lý tài sản thi hành án, tại thời điểm thỏa thuận, bà Đặng Thị Lâm đã có các quyết định thi hành án như: Quyết định số 214 cho thi hành Bản án số 50/PTDS ngày 10/4/1998, Quyết định số 602 ngày 16/11/1998 cho thi hành Quyết định số 27/CNHGT ngày 18/11/1998 của Tòa án, QUyết định số 601 ngày 601 ngày 16/11/1998 cho thi hành Bản án số 28/DSST ngày 10/11/1998 của Tòa án, Quyết định số 230 ngày 05/5/1998 cho thi hành Quyết định số 02/CNHGT ngày 31/01/1998 của Tòa án v.v..

Việc cho thỏa thuận như vậy làm ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của những người được thi hành án khác. Hơn nữa khi thành toán tiền mua tài sản thi hành án, ông Mai Công Ích tự đối trừ toàn bộ số nghĩa vụ mà người phải thi hành án phải trả cho mình (số tiền 86.500.000 đồng theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 27/CNHGT ngày 10/11/1998 của TAND quận Ba Đình) trong khi số tiền còn lại chỉ trả cho những người khác theo tỷ lệ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người được thi hành án khác.


Nhà đất 194 Kim Mã trong vụ thi hành án tai tiếng kéo dài hơn thập kỷ giữa thủ đô.

Nhà đất 194 Kim Mã trong vụ thi hành án tai tiếng kéo dài hơn thập kỷ giữa thủ đô.

Vì các lý do nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đồng ý với quan điểm đề nghị của VKSND thành phố Hà Nội theo hướng tài sản thi hành án (nhà số 194 Kim Mã, Ba Đình) đã được tổ chức kê biên, thẩm định giá và bán đấu giá thành là cần thiết, có cơ sở pháp luật”.

Tuy nhiên, đánh giá về quá trình thi hành án từ hơn 15 năm trước và việc hủy kết quả thỏa thuận giữa các bên, thu hồi nhà đất 194 Kim Mã để tổ chức thi hành án lại, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng: “Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 là một giao dịch dân sự hợp pháp, việc hủy kết quả thi hành án trước đây để tổ chức thi hành án lại là một việc làm trái pháp luật.

Vậy việc tuỳ tiện huỷ đi Biên bản thoả thuận năm 1999 là cơ quan thi hành án đã làm trái chức năng, nhiệm vụ của mình (làm thay đương sự, làm thay cơ quan Toà án), đồng thời để lấp liếm đi những sai phạm của mình khi cố tình không làm đúng chức năng: kê biên các tài sản khác của bà Lâm. Như vậy quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Ích sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng trước những hành vi bất chấp quy định pháp luật của hai cấp thi hành án”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế