Thanh Hóa: Nhiều nghi vấn trong các vụ cháy rừng ở huyện Tĩnh Gia
(Dân trí) - Cháy vào thời điểm “nhạy cảm”, cháy kiểu hẹn giờ và cùng một ngày nhiều vụ cháy xảy ra… Đó là những bất thường khiến dư luận cũng như những người trong ngành kiểm lâm không khỏi nghi vấn nguyên nhân các vụ cháy không phải bất cẩn mà có sự cố tình phá hoại.
Thống kê của Hạt kiểm lâm huyện Tĩnh Gia cho biết, năm 2010 toàn huyện xảy ra 21 vụ cháy rừng, thiêu rụi hơn 282 ha rừng, trong đó 54 ha bị cháy hoàn toàn, không có khả năng phục hồi. Điều đáng nói, có vụ cháy kiểu “hẹn giờ cháy”, kẻ phá hoại thắp cả nắm hương có gắn vật liệu gây cháy ở phần chân hương, khi đối tượng đi xa hiện trường đám cháy mới bùng phát.
Các năm 2012 - 2014, gần như không có đám cháy nào ảnh hưởng đến rừng. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2015, số vụ cháy đột ngột tăng lên 12 vụ với tổng diện tích thiệt hại hơn 81 ha.
Ngày 11/7/2010, chỉ trong khoảng thời gian từ 11h45 - 12h10 rừng của BQL rừng phòng hộ Tĩnh Gia và hộ gia đình bị đốt ở 3 xã Xuân Lâm, Mai Lâm và Hải Thượng, thiệt hại hơn 118 ha thông, keo.
Trong đó, hơn 32 ha cháy rụi, không có khả năng phục hồi. Điều đáng nói là tương tự năm 2010, vào trưa 29/5/2015, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia cũng xảy ra 3 điểm cháy rừng. Vụ cháy thứ nhất tại xã Hải Nhân diễn ra lúc 11 giờ, đến 11 giờ 10 phút, vụ thứ hai xảy ra trên địa bàn xã Tân Dân, và 5 phút sau đó, vụ cháy thứ 3 tiếp tục bùng phát tại diện tích rừng thông phòng hộ của BQL rừng phòng hộ huyện Tĩnh Gia trên địa bàn xã Trúc Lâm.
Lúc này xã Trúc Lâm đang đại hội, hàng trăm lượt người từ chính quyền địa phương đến kiểm lâm, công an, quân đội được huy động tham gia chữa cháy, hậu quả lửa thiêu rụi 9 ha thông nhiều năm tuổi.
Được biết, huyện Tĩnh Gia có hơn 17 nghìn ha rừng. Trong đó, hơn 11 nghìn ha đã giao cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ, hơn 6.153 ha rừng (trong đó hơn 5.236 ha rừng phòng hộ và hơn 917 ha rừng sản xuất, phân bổ trên địa bàn 16 xã, thị trấn) giao cho BQL rừng phòng hộ Tĩnh Gia quản lý.
Từ lâu, Tĩnh Gia được xem là một trong những huyện có diện tích rừng trồng thông, keo, bạch đàn lớn nhất nhì tỉnh Thanh Hóa và cũng là huyện trọng điểm nắng nóng vào mùa hè (nhiệt độ ở Tĩnh Gia thường cao hơn các địa phương khác trong tỉnh từ 1 - 2 độ), nên công tác PCCCR luôn được chính quyền các cấp ưu tiên hàng đầu.Trong 12 vụ cháy tính đến đầu tháng 7/2015, thì cháy rừng của BQL chiếm đến 11 vụ.
Về những vụ cháy “bất thường” nêu trên, ông Lê Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tĩnh Gia nhận định: “Theo tôi nguyên nhân cháy là có người đốt phá hoại và “đốt có chuyên môn”. Bởi các vụ cháy của năm 2010 và 2015 đều rất giống nhau. Đang cháy ở điểm A thì cháy luôn điểm B, điểm C; thời gian đốt thường vào thời điểm nhạy cảm, trước kỳ đại hội và vào buổi trưa, buổi tối”.
Đồng quan điểm với ông Toàn, ông Nguyễn Hữu Thường, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Tĩnh Gia cho rằng: “Điều lạ lùng là cứ đến kỳ đại hội Đảng là cháy rừng và việc rừng cháy là do bị đốt và ở đây có cả một tổ chức chứ không thể một vài người được. Ở Tĩnh Gia nếu nguồn lửa đó xuất phát từ bom đạn thì hoàn toàn chưa có; hóa chất gây cháy cũng không. Sơ ý gây cháy cũng loại trừ vì nếu sơ ý thì chỉ một vài vụ, đằng này trong cùng một ngày xảy ra 3 - 4 điểm cháy. Điều đáng nói là các vụ cháy thường diễn ra vào thứ 7, chủ nhật; từ 11h - 13h chiều, 00h - 2,3h sáng, thời gian mà người dân đang nghỉ ngơi ở nhà. Biết chắc chắn là rừng bị con người đốt, nhưng ai đốt, đốt vì mục đích gì thì đang là câu hỏi lớn. Nếu không tìm ra người đốt, đốt vì mục đích gì? thì chúng tôi còn khổ nhiều”.
Được biết, liên quan đến các vụ cháy rừng, năm 2010, lực lượng Công an vào cuộc điều tra nhưng không thể tìm ra đối tượng đốt rừng. Đến năm 2015, “kịch bản” tiếp tục lặp lại, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Bình Minh