Thanh Hóa: Chưa giải phóng xong mặt bằng vẫn tổ chức bán đấu giá
(Dân trí) - Sau khi UBND huyện Đông Sơn phê quyệt quy hoạch mặt bằng 923 để tổ chức bán đấu giá. Chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm kê, thu hồi đất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chưa di dời mà việc tổ chức bán đấu giá vẫn được tiến hành.
Thực trạng nêu trên đã khiến nhiều năm qua, gia đình anh Lê Bá Cường, ở thôn 5, xã Đông Anh phải gửi đơn kiến nghị “gõ cửa” các cấp chính quyền để yêu cầu được bàn giao lô đất mà gia đình anh đã nộp tiền trúng đấu giá nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Anh Cường cho biết, gần 4 năm kể từ ngày chuyển nhượng việc nộp tiền trúng đấu giá lô đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nhưng đến nay, gia đình anh Cường vẫn chưa nhận được mảnh đất trên thực địa.
Theo đơn phản ánh của ông Lê Bá Cường, năm 2010, gia đình anh đã thỏa thuận chuyển nhượng nộp tiền sử dụng đất ở lô số 22, mặt bằng 923, khu Mã Rào, xã Đông Anh mà ông Nguyễn Duy Dũng, ở đội 7, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn đã trúng đấu giá.
Sau khi thỏa thuận chuyển nhượng, anh Cường đã nộp tiền vào Kho bạc nhà nước và lô đất số 22 đã được UBND huyện Đông Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 12/3/2012. Từ đó, anh Cường đã đóng thuế đất đầy đủ nhưng đến nay gia đình vẫn chưa được bàn giao đất. Đã nhiều lần, anh Cường gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền và ngành chức năng nhưng chưa được giải quyết.
Trước đó, năm 2007, UBND huyện Đông Sơn thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó ưu tiên cho việc giãn dân. Có tổng cộng 44 lô được chia thành ba kỳ đấu giá. Thời điểm cuối cùng thực hiện đợt đấu giá là 5/2010.
Trong số những hộ dân trúng đấu giá có hộ ông Nguyễn Duy Chính, có nguồn gốc đất nông nghiệp với diện tích 147m2, đã được hỗ trợ hơn 16 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm kê, gia đình ông Chính còn thiếu 29m2 chưa được đền bù. Sau đó, chính quyền địa phương đã có tiến hành kiểm kê và thanh toán kinh phí bồi thường tài sản trên đất đối với phần còn thiếu nhưng gia đình ông Chính chưa nhận.
Theo ông Lê Mậu Hoàn - Chủ tịch UBND xã Đông Anh cho biết, thời điểm năm 1999 trở về trước, có nhiều hộ dân làm nhà tạm trong khu vực đất nông nghiệp và lưu không, chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên còn lại 4 hộ nằm trong mặt bằng phải giải tỏa để phân lô, đấu giá chưa được giải tỏa nhà cửa trên đất.
Theo như lý giả của ông Hoàn, do thời điểm đó, quan điểm chỉ đạo của huyện là không tổ chức cưỡng chế đối với các hộ dân xây dựng nhà tạm bợ. Bởi vì, những hộ dân này đang ở trên chính mảnh đất nông nghiệp của họ và có đơn đề nghị được ưu tiên giữ nguyên đất đang ở và bản thân những hộ này cũng xin tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và tiếp tục được ở trên chính những mảnh đất đó. Tháng 5/2010, trong đợt tổ chức đấu giá cuối cùng, cả 4 hộ dân đều trúng đấu giá.
Lô đất số 22 này là do ông Nguyễn Duy Chính sang nhượng lại cho cháu là anh Nguyễn Duy Dũng. Sau khi trúng đấu giá, anh Dũng không có tiền nộp nên đã chuyển nhượng việc nộp tiền sử dụng đất cho anh Lê Bá Cường và UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Lê Bá Cường. Nhưng về thực tế mảnh đất nêu trên gia đình anh vẫn chưa được bàn giao.
Theo ông Hoàn cho biết, lô đất số 21 của gia đình anh Nguyễn Duy Chính cũng chưa nộp tiền trúng đấu giá và Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn cũng đã ký quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của lô đất nêu trên. Gia đình ông Chính thuộc diện hộ nghèo, gia đình có 6 người con, lại không có nơi ở nên địa phương nấn ná lâu nay.
Chính quyền địa phương đã nhiều lần mời ông Chính lên làm việc, động viên tuyên truyền nhưng ông Chính vẫn không đồng ý. Địa phương cũng đã cử các ngành đoàn thể tham gia, vận động hỗ trợ thêm cho gia đình ông Chính để di chuyển sang lô 21, bàn giao lô số 22 cho gia đình Cường.
Để tạo điều kiện cho gia đình anh Chính, chính quyền địa phương đã xin chỉ đạo và được huyện Đông Sơn đồng ý giảm 50% tiền nộp trúng đấu giá lô số 21 và chỉ phải nộp 30% của 50% còn lại, trong vòng 5 năm.
“Quan điểm của xã là đề nghị huyện chỉ đao xử lý cưỡng chế. Còn lại 29m2 đất nông nghiệp kiểm kê thiếu đã thanh toán đền bù nhưng gia đình anh Chính chưa đồng ý, chúng tôi đã chuyển vào Kho bạc nhà nước. Cái sai của địa phương đến đâu chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển xuống huyện để giải quyết”, ông Hoàn cho biết thêm.
Sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cấp, ngày 3/7/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo UBND huyện Đông Sơn xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh.
Đến ngày 26/9/2014, UBND huyện Đông Sơn có công văn yêu cầu chính quyền xã Đông Anh giải quyết dứt điểm và báo cáo về huyện trước ngày 2/10/2014. Tuy nhiên đến thời điểm này, mọi việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến công dân bức xúc.
Trần Lê