Thanh Hóa: Chủ mỏ đá tự đặt ra luật riêng

(Dân trí) - Mặc dù chỉ là một doanh nghiệp khai thác đá, nhưng chủ mỏ đá Núi Vạc, xã Định Tăng, huyện Yên Định của công ty TNHH Đại Thủy lại tự mình đặt ra luật riêng. Khắp các lối ra vào mỏ đá này đều có trưng biển cấm quay phim, chụp ảnh.

Chủ mỏ đá tự đặt ra luật riêng

Sáng ngày 27/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Mai Tuấn Thành - Chủ tịch UBND xã Định Tăng, huyện Yên Định cho biết: “Chiều ngày 24/10, tôi có nghe bà con xôn xao khi nhà báo đến quay phim, chụp ảnh mỏ đá thì ông Lê Đại Thủy (chủ mỏ đá tại Núi Vạc-PV) đuổi, hành hung. Xã đã chỉ đạo công an mời ông Thủy lên làm việc. Doanh nghiệp của ông Thủy về đây làm gần chục năm rồi. Mỏ đá nằm trên địa bàn, qua hướng dẫn của các cấp, chúng tôi cũng có kiểm tra, nếu có vấn đề gì bà con làm việc lân cận đó có ý kiến thì chúng tôi sẽ kiểm tra. Trong bản tường trình ông Thủy xác nhận có đuổi theo nam thanh niên, nhưng không có việc hành hung”.

Theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp này thường hay nổ mìn sai thời gian quy định, theo ông Thành thì việc nổ mìn xã cũng hay nhắc nhở. “Thỉnh thoảng ông Thủy vẫn làm thì bà con có ý kiến qua các kỳ tiếp xúc cử tri, chúng tôi có nhắc nhở”, ông Thành khẳng định.

Mỏ đá Núi Vạc của công ty TNHH Đại Thủy
Mỏ đá Núi Vạc của công ty TNHH Đại Thủy

Cũng trong sáng ngày 27/10, phóng viên Dân trí có mặt tại mỏ đá Núi Vạc, xã Định Tăng, huyện Yên Đinh để tìm hiểu sự việc và ghi nhận tình hình theo phản ánh của người dân. Tuy nhiên, khi phóng viên cùng một số đồng nghiệp vừa đến đầu lối vào mỏ đá đã có một nhóm người xuất hiện và kiên quyết ngăn cản phóng viên.

Khi phóng viên tác nghiệp chụp ảnh thì những người này lập tức ngăn cản và chỉ vào các biển cấm. Tuy đây chỉ là một mỏ khai thác đá nhưng doanh nghiệp dựng rất nhiều biển có nội dung cấm quay phim, chụm ảnh.

Trước đó, vào chiều ngày 24/10, phóng viên L.D của một cơ quan báo chí đại diện tại Thanh Hóa, tới khu vực mỏ đá trên tác nghiệp thì bất ngờ bị người của mỏ đá này truy đuổi, khiến phóng viên phải bỏ xe máy lại chạy vào làng nhờ người dân can thiệp. Tuy nhiên, chủ mỏ đá này vẫn đuổi theo giữ lại dọa nạt và hành hung. Hiện vụ việc đã được lãnh đạo Sở Thông tin truyền thông tỉnh Thanh Hóa đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc làm rõ.

Hiện trường khai thác đá tại mỏ đá Núi Vạc
Hiện trường khai thác đá tại mỏ đá Núi Vạc

Được biết, trước đó vào cuối tháng 1/2015, khi phóng viên Trần Cường của Báo Xây Dựng tại Thanh Hóa, tới tác nghiệp ở khu vực mỏ đá này cũng bị một số người truy đuổi chặn đầu xe dọa nạt và tịch thu máy ảnh, điện thoại, túi xách. Sự việc sau đó được công an vào cuộc, đối tượng tịch thu phương tiện tác nghiệp của phóng viên là ông Lê Đại Dương, em trai của chủ mỏ đá này.

Trao đổi với Dân trí, ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: “Tôi mới chỉ nghe qua sự việc, đang yêu cầu báo cáo lên. Doanh nghiệp Đại Thủy mới được cấp phép năm 2014, trước đây chỉ hợp đồng với xã. Vấn đề môi trường chúng tôi cũng sẽ cho kiểm tra lại. Trách nhiệm của huyện là thường xuyên kiểm tra, giám sát. Về mặt chủ quan chưa trọn vẹn, giám sát và chỉ đạo chưa chặt chẽ”.

Liên quan đến việc doanh nghiệp tự ý dựng biển cấm quay phim, chụp ảnh quanh mỏ đá, theo ông Lâm, việc cấm hay không là do Nhà nước, chính quyền, chứ doanh nghiệp không được phép, tôi sẽ cho kiểm tra và nếu có sẽ dỡ bỏ cái đó. Trước mắt mới nghe qua sự việc, xã báo cáo một đằng, doanh nghiệp báo cáo một đằng, dù như thế nào thì hành vi xự sự như thế là không được.

Doanh nghiệp này tự ý đặt ra luật riêng
Doanh nghiệp này tự ý đặt ra luật riêng

Còn ông Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định cho biết: “Tuy không thường xuyên kiểm tra, nhưng cũng được phối hợp kiểm tra, cũng có một số cái chưa hoàn thiện như thiết kế mỏ và đường lên mỏ. Về việc nổ mìn có đơn thư của dân, chúng tôi kiểm tra rồi, nhưng không thể lúc nào cũng ở đây được”.

Hiện UBND huyện Yên Định đã chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương vào cuộc làm rõ những nội dung liên quan đến mỏ đá Núi Vạc của công ty TNHH Đại Thủy.

Tại Điều 2, Quyết định 160/2004/QĐ-TTg ngày 6/9/2004 có quy định rất rõ về khu vực cấm, địa điểm cấm quay phim chụp ảnh gồm:

1. Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển.

2. Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.

3. Các kho dự trữ chiến lược quốc gia.

4. Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

5. Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm