Tự sự

Thẳm sâu và vợi cao

(Dân trí) - Một Hà Nội chưa xưa lắm, những đỉnh cao và đáy sâu thật khác với bây giờ. Nửa mừng nửa lo.

Đầu những năm sáu mươi thế kỉ trước, nếu đi từ phía tây để về Hà Nội, một cột mốc quan trọng khiến ai cũng phải lựa chọn cho định hướng của mình. Đó là hai chiếc ống khói của nhà máy gạch Đại La ở cuối đường Cát Linh. Một biểu tượng hiền hoà chất phác và kiêu hãnh của nền văn minh gạch máy đầu thế kỉ trước.

Nếu từ hướng đông để về, hẳn điểm mốc đầu tiên khi gặp Hà Nội phải là cây cầu Long Biên. Nó là điểm cao nhất mà ta có thể nhìn thấy khi cách Hà Nội vài chục cây số.

Từ hướng nam nhìn vào thủ đô tương đối bằng phẳng. Chỉ có thể phát hiện ra cái két nước ở khu tập thể Kim Liên khi đã đến rất gần.

Về từ hướng bắc là hai chiếc cột điện bắc qua sông Hồng mãi trên Chèm Vẽ, lúc ấy chưa nối liền với thành phố, vẫn còn là một vùng quê thuần nông ngô lúa.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, hồ Hoàn Kiếm còn rất sâu. Cây cỏ bên bờ chừng như hoang dã. Ở chỗ gậm nhà Thuỷ tạ là nơi lũ trẻ hay bơi vào bắt ba ba non. Hậu duệ của mấy "cụ rùa" già nua thỉnh thoảng bò chân Tháp Rùa nằm phơi nắng. Một "cụ" bò lên cửa nhà Bách hoá tổng hợp năm 1972 sau một cơn mưa lớn. Thăng ở đấy. Di hài nay được nhồi bông để ở Đền Ngọc Sơn. Trong tủ kính.

Còn nhiều chỗ sâu hơn Hồ Hoàn Kiếm. Đó là cái giếng chùa Vũ Thạch xưa nằm trong một con ngõ đầu phố Bà Triệu bây giờ. Sư thầy đánh rơi gàu múc nước, phải nối thêm hai đoạn thừng bằng đúng dây gầu mới móc lên được.

Cao thế và sâu thế bây giờ xem ra chả thấm tháp gì.

Đi từ Cầu Giấy vào trung tâm Hà Nội chẳng thể nhìn thấy hai chiếc ống khói nhà máy gạch Đại La. Thực ra chỉ còn một. Nằm khuất trong khuôn viên khách sạn Horizon cao hơn ống khói rất nhiều. Còn may, người kiến trúc sư thiết kế khách sạn đã cố công giữ lại một chiếc ống khói chỉnh trang thành một tượng đài đẹp đẽ và ý nghĩa như một di sản. Sẽ chẳng bao giờ còn có một ống khói như thế mọc lên ở bất cứ đâu trong gầm trời công nghệ cao này. Không nhìn thấy cầu Long Biên từ hướng đông. Cũng chẳng thể định vị nổi chiếc két nước bằng bê tông nay đã chìm khuất trong rừng bê tông khu tập thể Kim Liên mặc dầu chưa có thứ gì bị phá huỷ. Hồ Gươm chỉ còn nông đến mức người ta đã tính đổ nước khoáng laVie vào để thay cho màu xanh lục thuỷ một thời đã làm nên tên gọi của hồ? Và cái giếng trong chùa Vũ Thạch thì cũng đã lấp lâu rồi. Sư trụ trì mới chỉ trỏ loanh quanh không biết đàng nào mà lần ra vị trí cũ.

Mừng vì những building ngất trời giải quyết được biết bao nhiêu là chỗ làm việc hành chính cho Thủ đô. Cũng mừng vì dưới chân những toà tháp khổng lồ bây giờ là những tầng hầm hun hút. Đủ chỗ cho mọi tưởng tượng về giao thông tĩnh trong thành phố.

Nhưng cũng chợt lo. Những tầng sâu di tích văn hoá lâu đời rất có thể sẽ nói lời li biệt vĩnh viễn với chúng ta. Và ở trên cao chót vót kia liệu còn chỗ cho người nghèo? Lại cũng lo vì lòng người bây giờ biết mấy nông sâu cao thấp? Hờ hững bạn bè, nhạt nhẽo anh em?

Tháng 4/2008.

Bình Chân