Tết Việt xưa dưới mắt người Âu
(Dân trí) - Có lẽ người Việt đã có tục ăn Tết Nguyên đán từ thời Hùng Vương qua truyền thuyết bánh chưng, bánh dầy. Các sử liệu để lại quá ít ỏi chỉ cho chúng ta phỏng đoán điều đó mà thôi. Tết, ngoài ý nghĩa lễ hội văn hóa còn là thời điểm các cổ tục được biểu hiện rõ nét nhất.
Nhiều vị khách nước ngoài, với các lý do khác nhau, đã đến những vùng miền nước Việt từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX như Alexandre de Rhodes, Leopold Cadiere, Jean Boptiste Tavernier, Gabrielle-Maud Candler Vassal, William Dampier... Các nhà truyền giáo phương Tây, các thương nhân, nhà du lịch, khi đến nước ta đã viết lại các hồi ký, du ký về sinh hoạt của người Việt.
Họ chứng kiến người Việt ăn, vui, chơi Tết với những nét độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc nên đã ghi chép lại. Các ghi chép của họ tường thuật cụ thể về Tết của người Việt. Cũng có trường hợp tác giả lưu trú ở nước ta nhiều hơn một năm, không mô tả riêng về lễ hội đầu năm này nhưng qua các trang "tường trình" đã giúp khắc họa lại khung cảnh Tết, cùng các phong tục xưa trong dịp Tết của người Việt. Tết và phong tục ngày Tết được ghi chép qua các tư liệu của người nước ngoài là những trang ký ức mang màu sắc hoài niệm của những ngày xa xưa nhưng không kém phần thú vị.
Alexandre de Rhodes, nhà truyền giáo, đến Hội An vào đầu năm 1625 và có thời gian ở Việt Nam khoảng 20 năm. Ông nói về Tết Việt như sau: “Vào những ngày cuối năm người dân xứ Bắc Kỳ có tục lệ trồng trước cửa một cây nêu, cây nêu chỉ cao hơn nóc nhà một chút. Trên ngọn nêu buộc một cái thúng, một cái giỏ hay một chiếc hộp có chọc thủng nhiều lỗ, bên trong đựng vàng mã. Họ quan niệm rằng, ông cha họ đã chết, có thể vào ngày năm tàn, tháng tận bị túng bấn, và cần vàng, bạc để trả nợ mà trước đây còn thiếu. Một tập quán khác của họ là không một ai để món nợ của họ ra ngoài năm mới trả, nếu họ vẫn còn cách trả được trong năm...
Lau đồ thờ - Tranh khắc gỗ của Henri Oger.
Nửa đêm giao thừa mọi nhà đều mở rộng cửa để đón tổ tiên, ông bà về ăn Tết với con cháu. Ở trước hiên nhà có đặt một chậu nước sạch, một đôi guốc và hai cây mía với ý rằng tổ tiên trước khi bước vào nhà có nước rửa chân, có guốc đi và có gậy chống (gậy tượng trưng bởi cây mía). Đêm giao thừa là đêm thiêng liêng với mọi gia đình. Người ta có thể tưởng tượng tất cả ông bà, tổ tiên đều đã có mặt đông đủ để cùng tham dự mừng Xuân mới với toàn thể gia đình. Gia trưởng lễ trước bàn thờ gia tiên, làm lễ cáo với ông bà, tạ ơn và mời ông bà chung vui với họ, giúp đỡ phù hộ cho con cháu một năm mới thịnh vượng phát đạt hơn năm cũ. Ngay sau đó đến tục mừng tuổi lẫn nhau giữa các thành viên có mặt trong gia đình. Ngày mồng 1 Tết là ngày của đại gia đình, người ta đi mừng tuổi họ hàng thân thuộc. Đi chúc Tết thường mang theo bánh pháo, ngoài những vật phẩm mừng tuổi khác. Vừa chúc Tết xong người ta có thể đốt pháo cho tiếng nổ làm vui cửa, vui nhà, cho tà ma bỏ chạy,…”
Dựng cây nêu ngày tết
Jean Boptiste Tavernier, nhà du lịch nổi tiếng của châu Âu đã viết về Tết của người Việt: “Năm nào cũng thế, bắt đầu vào ngày đầu năm người Bắc Kỳ đều làm lễ long trọng để tưởng nhớ những người đã khuất mà khi còn sống họ có những hành động cao đẹp. Ba ngày trước cuộc lễ quan trọng ấy người ta đã bầy ra một số bàn thờ chia ra một phần để cúng tế, phần kia để ghi lên giấy tên những vị tướng tài và những danh nhân mà họ sắp tưởng niệm một cách trọng thể và tôn kính”.
Nhà buôn người Anh William Dampier ăn Tết ở Thăng Long năm 1688 đã mô tả: “Tết là ngày hội lớn nhất. Ở đây ăn Tết từ 10 đến 12 ngày. Trong những ngày này người ta không làm gì cả mà chỉ chơi bời giải trí, mọi người đều mặc quần áo mới, sạch sẽ. Ngoài đường, cả ở thành phố và nông thôn người ta đi lại, xem những trò vui, có người dựng những cột đu… gái, trai đứng lên xà ngang đu cao ngất… Ngày Tết họ thường uống trà và rượu, nhất là rượu hâm nóng. Họ quí nhất là loại rượu ngâm rắn”.
chọi gà
Thương nhân Hà Lan là Samuel Baron khi mô tả Tết ở Thăng Long đã viết: “Ngày mồng 1 Tết nói chung không ai ra khỏi nhà. Người ta kiêng xuất hành sợ gặp vía dữ. Sợ rông, xui cả năm nên người ta kiêng không cho ai một ngụm nước, một thanh củi nào… Mồng 2 Tết mới là ngày đi thăm viếng chúc Tết nhau và lễ Tết bề trên. Trong hội vui Tết ngày xuân có nhiều trò vui: Đá cầu, đánh đu, múa võ, chọi gà,…”
Cách nay hơn 100 năm, khoảng đầu thế kỷ XX, một nữ công dân Anh theo chồng sang công tác tại Viện Pasteur Nha Trang, bà Gabrielle-Maud Candler Vassal đã mô tả phong tục người An Nam qua tác phẩm Mes Trois Ans d'Annam (Ba năm ở An Nam). Bà viết: "Trong lịch, Tết là ngày lễ lớn nhất… Người An Nam, ai cũng vui Tết, giàu nghèo đều nghỉ tay đặng thưởng Xuân. Để chuẩn bị Tết, người bản xứ tiến hành những công việc mang màu sắc tôn giáo, thực ra là truyền thống văn hóa dân tộc thì đúng hơn. Gồm tảo mộ, quét dọn trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị tiền bạc, mua sắm vật dụng. Trong những ngày Tết diễn ra nhiều trò chơi dân gian gắn liền với điều kiện sống của cư dân như đua ghe câu, thi thuyền thúng, thi bơi lội, đua ngựa, chạy việt dã, đua xe kéo, thi múa hát của phụ nữ, xiếc thú (voi), múa rồng, bắn pháo hoa”.
Henri Oger người Pháp, sang Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quân sự vào năm 1907. Trong quá trình sinh sống và làm việc ở đây, vì quá đam mê khám phá và cảm thấy hứng thú với nền văn hóa hết sức xa lạ, chàng thanh niên người Pháp này đã đi khắp các phố phường Hà Nội và các vùng lân cận để phác họa lại hình ảnh đời sống sinh hoạt của người dân Việt. Ông bỏ công sưu tập và thể hiện nhiều phong tục, dấu ấn lịch sử, văn hóa của người Việt qua 4.577 bức ký họa chú giải Hán Nôm và tiếng Pháp. Trong đó có phong tục Tết Việt những năm đầu thế kỷ XX. Nhà nghiên cứu H. Oger đã thể hiện không khí Tết của người Việt qua các tranh khắc gỗ rất công phu. Một số ký họa của ông về Tết của người Việt như: Dựng cây nêu ngày Tết; đốt pháo, chọi gà; thi leo cây mỡ; họp chợ... (*)
Nghiên cứu về Tết của người Việt không thể không kể đến Leopold Cadiere, một người Pháp yêu Việt Nam. Năm 1892, ông đến Việt Nam làm việc tại giáo phận Huế. Ngoài công tác mục vụ, Cadiere còn bỏ nhiều công sức nghiên cứu phong tục tập quán, lịch sử, nghệ thuật của người bản xứ. Bộ sách Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt của ông là một chuyên khảo có giá trị cao về mặt khoa học, phản ánh các vấn đề đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Riêng về ngày Tết, ông đã khảo cứu và viết lại một cách chi tiết các phong tục trong mục Ngày đầu năm. Trước hết về bổn phận và nghĩa vụ: “Ngày đầu năm, hay ngày Tết và hai ngày kế tiếp là những ngày lễ đối với người Việt Nam”.
Ngày Tết, ôn lại cảnh cũ người xưa, không phải để “hoài cổ” mà chính là để nâng cao mình lên, phát huy cái hay, cái đẹp của quá khứ, để hiểu thêm về các phong tục tập quán, qua đó bảo tồn tinh hoa văn hóa Việt và ứng xử phù hợp trong cuộc sống hiện đại. Truyền thống văn hóa Việt bắt đầu từ như vậy.
Nguyễn Thanh Giang