Tạo điều kiện cho giảng viên trẻ làm việc tốt

Nếu một trường Đại học mà không tạo điều kiện cho giảng viên trẻ làm việc thì tôi không tin rằng đấy là trường đại học có định hướng và tương lai phát triển tốt.

Thực tiễn phát triển của các trường đại học đều cho thấy, ngoài việc có định hướng đúng đắn và được đầu tư đúng mức thì việc có được lực lượng giảng viên chất lượng cao là một yếu tố then chốt - trong đó giảng viên trẻ cần được quan tâm đặc biệt. Họ không chỉ đơn thuần là lực lượng sẽ thay thế các giảng viên có tuổi đang lần lượt nghỉ hưu, mà còn là lực lượng tuy ít kinh nghiệm nhưng lại đại diện cho các tri thức, công nghệ mới, cũng là những người sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi, sẵn sàng thích ứng với các phương thức đào tạo mới…

 

Bởi vậy nếu một trường không tạo điều kiện cho giảng viên trẻ làm việc - thì tôi không tin rằng đấy là một trường đại học có định hướng và tương lai phát triển tốt. Ngược lại, việc các giảng viên trẻ trông chờ một môi trường làm việc tốt, trông chờ một mức thu nhập cao tại các trường đại học không có một định hướng và một tương lai phát triển tốt là một điều vô vọng.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Không hay ho gì khi thấy những giảng viên đại học trẻ đầy tham vọng cống hiến, đầy tâm huyết với nghề mà cứ phải quan tâm đến vấn đề “dung tục” là cơm áo gạo tiền, và thật chua xót khi nghe lời than từ các thầy: “sự thật là giảng viên trẻ chúng tôi đang phải sống trong cảnh bần cùng và không có lối thoát”.

 

Cần phải xem lực lượng giảng viên trẻ như một thành phần tương lai của giáo dục đại học Việt Nam, khi đó việc một số trường đại học đối xử tệ bạc với giảng viên trẻ thực chất là đang “bắn đại bác vào tương lai”. Với các trường ngoài công lập, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về lãnh đạo nhà trường vì những trường này có đủ quyền trong việc xây dựng các chính sách tốt cho giảng viên.

 

Cũng có thể có ý kiến cho rằng nói thì dễ, làm mới khó, và đầu tiên là “tiền đâu”? Nhưng nếu không có đủ tiềm lực để thực hiện chính sách tốt cho giảng viên thì làm sao có nền tảng để chăm lo cho sinh viên chu đáo được, để rồi cuối cùng xã hội gánh chịu “đầu ra” của trường với chất lượng không đảm bảo. Những trường đại học như vậy không xứng đáng để tồn tại. Với các trường công lập, ngoài trách nhiệm lãnh đạo nhà trường, phải chăng còn một lý do quan trọng là một số quy chế quản lý do nhà nước quy định đã trở nên lỗi thời? 

 

Tại trường Đại học FPT,  khi tuyển dụng giảng viên, chúng tôi ưu tiên cho giảng viên trẻ.  Với phương thức giảng dạy mới của trường đại học FPT, kinh nghiệm quá khứ nhiều khi không giúp được gì nhiều mà lại là cản trở. Chúng tôi cũng đánh giá kinh nghiệm làm việc trong doanh nghiệp CNTT của giảng viên cao không kém giá trị của bằng cấp, giảng viên có kinh nghiệm làm phần mềm 5 năm được tính tương đương tiến sỹ, kinh nghiệm 3 năm tính tương đương thạc sỹ để hưởng các chính sách đãi ngộ.

 

Là một trường thuộc doanh nghiệp, chúng tôi hiểu rằng ngoài việc lương phải mang tính cạnh tranh phù hợp với quy luật thị trường - thì việc đảm bảo đời sống cho giảng viên dù chưa sang giàu ngay nhưng phải đủ để sống và làm việc - là nghĩa vụ của nhà trường.

 

Mức thu nhập tối thiểu hàng tháng với giảng viên là cử nhân mới tốt nghiệp là 5 triệu đồng, còn với người có bằng trên đại học ít nhất là 7-10 triệu/tháng - kể cả trong thời gian chưa đứng lớp. Thu nhập thực tế tính theo giờ giảng của giảng viên nói chung đều cao hơn mức tối thiểu, số giảng viên có thu nhập trên 15 triệu/tháng không ít. Trường còn hỗ trợ  để mỗi giảng viên đều có laptop cá nhân để dùng trong công việc giảng dạy - vì chẳng có l‎ý gì sinh viên đều có laptop mà giảng viên lại không.

 

Cái quan trọng nhất chúng tôi cần ở giáo viên là họ chia sẻ định hướng phát triển của trường, rồi sau đó với tài năng, trình độ của mình cùng chung tay xây dựng trường, cùng hưởng các thành quả của trường, và tự hào,  hài lòng với công việc mình làm…

 

Lê Trường Tùng

Hiệu trưởng Trường Đại học FPT

 

LTS Dân trí - Chúng tôi hoan nghênh TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, dù bận nhiều công việc, đã dành thời gian tham gia thảo luận về một chủ đề được dư luận quan tâm, nhất là những giảng viên trẻ và tất cả những ai quan tâm đến giáo dục đại học.

 

Tuy bài viết trên đây ngắn gọn nhưng tác giả đã trình bầy khá rõ quan điểm đối với giảng viên trẻ cũng như trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường phải có chính sách thoả đáng, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ yên tâm về đời sống và có điều kiện làm việc để phát huy hết năng lực của mình. Đấy không phải là ý tưởng còn nằm trên giấy mà đã thể hiện trên thực tế của Trường đại học FPT, một trường đại học ngoài công lập được thành lập chưa lâu.

 

Phải chăng đây là một mô hình mới mà các trường đại học khác có thể tham khảo kinh nghiệm về chính sách đối xử với giảng viên trẻ, tạo điều kiện cho họ hào hứng làm việc và phấn đấu cho tương lai phát triển của nhà trường và  đấy cũng là tương lai của chính mình.