Tăng mức xử phạt vi phạm gấp 10 lần liệu có giúp giảm tai nạn giao thông?

Khả Vân

(Dân trí) - Bạn đọc cho rằng chỉ khi người dân hiểu được vi phạm giao thông là tội ác thì mới đảm bảo được an toàn giao thông. Phạt tiền không phải là giải pháp, cái gì liên quan đến tiền đều có những hệ lụy.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, với mức phạt tăng gấp nhiều lần.

Lý do để sửa đổi Nghị định 100/2019/NĐ-CP, theo Bộ GTVT là trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập, chưa phù hợp thực tiễn; mức phạt cần điều chỉnh cho phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua mô tô, xe máy, xe máy điện trái phép là 10-15 triệu đồng (hiện nay là 7-8 triệu đồng). Nếu đua ô tô, mức phạt là 20-25 triệu đồng (hiện nay là 8-10 triệu đồng). Trong đó, hành vi sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép sẽ bị tăng rất nặng, có thể gấp đến 10 lần so với hiện nay…

Tăng mức xử phạt vi phạm gấp 10 lần liệu có giúp giảm tai nạn giao thông? - 1

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông (Ảnh: Tiến Nguyên).

Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với chủ xe và tài xế có hành vi chở hàng quá tải. Thay vì 5 mức xử phạt như hiện hành (10%-20%, 20%-50%, 50%-100%, 100%-150% và trên 150%) thì dự thảo nghị định mới chỉ còn 3 mức xử phạt hành vi chở quá tải gồm: 10%-20%; 20%-50%; trên 50%. Với mức xử phạt như dự thảo, nếu một xe tải vừa vi phạm chở quá tải ở mức cao nhất, nếu lái xe và chủ xe là cá nhân thì mức phạt lên đến trên 140 triệu đồng.

"Đánh" vào kinh tế thì mới nhớ?

Đồng tình với đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông tăng lên nhiều lần để tăng thêm ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhiều bạn đọc cùng quan điểm: Cứ sai phạm là "đánh" vào kinh tế thì mới nhớ, mà không chỉ mỗi vi phạm giao thông đâu, lĩnh vực nào cũng cần phải nghiêm trị như thế.

Bạn đọc Thanh Vân cho rằng: "Cứ đánh mạnh hình phạt tăng gấp nhiều lần vẫn được. Lấy tiền đó để phục vụ chỉnh trang đô thị, nâng cấp biển báo được tốt hơn. Việt Nam chúng ta chưa phải là các nước phát triển, mọi việc hãy cứ thực hiện theo từng bước. Tôi hoan nghênh mức phạt tăng nặng".

"Cần phải tăng lên gấp 10 lần mới có hiệu quả răn đe. Một số quy định về mức phạt lái xe quá tốc độ giới hạn lại quá bất cập, như vượt tốc độ 5-10 km thì phạt 800.000 - 1.000.000 đồng. Mức phạt tối đa là 10.000.000 - 12.000.000 đồng cho hành vi vượt tốc độ trên 35 km. Đã có trường hợp lái xe đến trên 300 km/giờ, tức là vượt tốc độ giới hạn đến 200 km, cũng phạt như vượt 35 km?", bạn đọc Vương Hải đồng quan điểm cần phải tăng mức phạt thật nặng.

Bạn đọc Thanh Thảo: "Khi ý thức người dân còn kém... thì chỉ có tăng hình phạt lên cao hoặc rất cao thì mới xử lý được. Tôi ủng hộ phạt thật nặng, chứ thấy giờ những kẻ vô ý thức, vô văn hóa giao thông nhiều mà phát bực".

Bạn đọc Hữu Linh đề xuất tăng thêm mức phạt với một số hành vi nguy hiểm nữa ngoài khung đề xuất của Bộ GTVT: "Đề nghị tăng mức phạt đối với các lỗi sau: điều khiển xe có nồng độ cồn, đua xe, đi ngược chiều, che biển số mức phạt 100-200 triệu đồng kèm thu hồi giấy phép lái xe vì các lỗi này gây nguy hiểm cho tính mạng những người tham gia lưu thông trên đường. Riêng lỗi che biển số là phải phạt hình sự, vì đã cố tình che biển số là cố tình phạm những lỗi khác nữa. Như vậy mới tạo được sự răn đe".

Phạt tiền không phải là giải pháp?

Bên cạnh một số ý kiến đồng tình thì nhiều người lại đưa ra những quan điểm khác, cho rằng chỉ khi nào người tham gia giao thông nghĩ được vi phạm giao thông là một tội ác thì mới đảm bảo được an toàn giao thông. Phạt tiền không phải là giải pháp, cái gì liên quan đến tiền đều có những hệ lụy của nó.

Tăng mức xử phạt vi phạm gấp 10 lần liệu có giúp giảm tai nạn giao thông? - 2

Cảnh sát giao thông dừng phương tiện để kiểm soát (Ảnh: Hoàng Thuận).

Bạn đọc Minh Khang viết: "Đánh mạnh vào túi tiền người vi phạm giao thông nhưng thử hỏi các biển báo nước ta đã đặt đúng chỗ chưa? đạt chuẩn quốc tế chưa? Muốn để người vi phạm tâm phục khẩu phục và vui vẻ nộp phạt thì hãy làm tốt các vấn đề đó nhé. Tôi cũng xin góp ý về biển báo giao thông, là cần treo cao trên làn đường, chứ để bên lề đường, cứ phải căng mắt ra quan sát tôi thấy lái xe rất nguy hiểm! Đôi khi biển báo chơi trò trốn tìm nữa?!".

Bạn đọc Tùng Đặng cho rằng mức lương không tăng đáng kể mà mức phạt vi phạm tăng kinh khủng gấp 2-3 lần cách đây 3 năm: "Mức phạt có tham chiếu với mức lương cơ bản không? Những lỗi thường do vô tình quên như quên bật xi nhan, quên thắt dây mũ bảo hiểm mà phạt tới 500 nghìn bằng 1/3 mức lương cơ bản của người lao động (1.490.000 đồng) có hợp lý không?".

Không nhất thiết phải phạt bằng tiền, mà thay đổi cách xử phạt sẽ tốt hơn. Có một số bạn đọc đưa ý kiến việc thay vào đó là phạt bằng ngày công lao động công ích, hay trừ điểm tham gia giao thông hàng năm như ở các nước tiên tiến:

"Ở các nước hiện đại họ áp dụng cách trừ điểm tham gia giao thông mỗi năm. Tùy lỗi trừ điểm, tước bằng hoặc thậm chí phạt hình sự. Ý thức dần sẽ thay đổi nếu họ biết CSGT không thỏa hiệp và khi hết điểm lái xe của một năm họ sẽ chỉ được phép ngồi sau vô lăng người tài xế khác. Tăng mức tiền phạt không tăng được mức văn minh của người tham gia giao thông", bạn đọc Liên Bùi.

Chế tài xử phạt vi phạm nếu muốn tăng thì phải đáp ứng các nhu cầu sau, nếu không thì dù tăng gấp 10 lần nữa cũng không hiệu quả, bạn đọc Duy Chiều đưa ra 3 vấn đề: "Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức người chấp hành giao thông. Khi người dân chấp hành luật một cách ý thức thì phạt cao cũng không sao.

Thứ hai, giám sát hoạt động xử phạt các lỗi vi phạm một cách hiệu quả tránh phát sinh tiêu cực. Thứ ba, các lỗi cố ý, nặng có thể gây hậu quả nghiêm trọng thì nên tăng thật cao, chứ không phải quên cái mũ bảo hiểm hay quên giấy tờ cũng phạt cao".

"Cách tăng mạnh mức phạt cũng không thay đổi được nhận thức về giao thông và tôi nghĩ rằng hiệu quả mà nó mang lại cũng không thay đổi nhiều so với trước đây. Muốn nó hiệu quả thì kèm với tăng hình phạt phải làm triệt để không bỏ sót, áp dụng camera và cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông phải nghiêm túc thực hiện, không có nể nang, châm trước hoặc tiêu cực thì mới có hiệu quả.

Giáo dục giao thông ở nhà trường thì nhàm chán, phải làm sao để người tham gia giao thông thấy được hậu quả của sự vi phạm: ví dụ nếu vi phạm, ngoài việc bị phạt ra thì nếu có tai nạn xảy ra không nhận được sự bồi thường, hoặc cho thấy những hành vi vi phạm giao thông của mình cho dù không trực tiếp gây tai nạn nhưng làm ảnh hưởng tới sự an toàn của người khác vẫn có thể truy tố hình sự.

Tai nạn xảy ra phải bỏ ngay cái suy diễn xe lớn hơn phải bồi thường, ví dụ xe máy phải bồi thường cho xe đạp, ô tô phải bồi thường cho xe máy. Khi xử lý vụ việc cảnh sát tạm giữ cả phương tiện đúng và sai, để ở bãi hỏng hóc xe cộ của chủ xe, làm cho các phương tiện tự giải quyết bằng cãi nhau, đánh nhau mà không gọi cảnh sát. Bảo hiểm bắt buộc cũng hiếm khi phải bồi thường cho người bị gây tai nạn.

Tóm lại trước hết là do nhận thức còn thấp, ích kỷ, chỉ vì lợi ích của bản thân mà có thể vi phạm gây hại cho người khác. Khi nào tai nạn chết người do nạn nhân vi phạm không được bồi thường lúc đó dần dần người dân sợ và sẽ thay đổi", bạn đọc Hiền Thương phân tích.

Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào, hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm