Tăng giá sách giáo khoa có ảnh hưởng tới học sinh nghèo?
(Dân trí) - Theo công bố của NXB Giáo dục, giá SGK năm nay tăng trung bình 16,9% so với năm 2010. Trong bối cảnh lạm phát, SGK là sản phẩm thiết yếu cho học tập có nên tăng theo? Liệu điều này có làm tăng thêm số học sinh nghèo bỏ học?
Lý giải nguyên nhân của việc điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa, đại diện của nhà xuất bản giáo dục cho rằng: việc tăng giá là điều bất khả kháng, bởi trong thời điểm hiện tại, mặt bằng giá của nhiều mặt hàng trong nước đều tăng cao, nhất là mặt hàng giấy nguyên liệu đầu vào để in ấn tăng đến 30%, chưa kể hàng loạt các chi phí khác cũng tăng như: mực in, vận chuyển, nhuận bút, phát hành.
Giá sách giáo khoa mới được áp dụng NXB Giáo dục điều chỉnh giá với mức tăng trung bình là 16,9%. Chẳng hạn: bộ sách giáo khoa lớp 1 gồm 6 cuốn, có giá 47500 đ; bộ sách giáo khoa lớp 6 gồm 12 cuốn và sách Tiếng Anh có giá 97700 đ; ở cấp THPT, giá các bộ SGK thấp nhất là 113700 đ, cao nhất là 143000 đ. |
Trước thực trạng học sinh nghèo bỏ học nhiều như trong thới gian qua, không ít người lo ngại việc tăng giá sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục sẽ góp phần gia tăng tình trạng học sinh bỏ học trước thềm năm học mới. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có chủ trương tạo điều kiện hỗ trợ giá, tặng sách giáo khoa cũ cho những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không ai dám chắc tất cả những biện pháp hỗ trợ ấy sẽ tiếp cận được tới tất cả đối tượng học sinh nghèo, nhất là ở những học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Nhà xuất bản Giáo dục có thể đảm bảo sách giáo khoa in ra sẽ không thiếu, mỗi học sinh sẽ có một bộ sách giáo khoa để học tập nhưng sách có đến được tận tay các em học sinh nghèo hay không lại là một vấn đề khác.
Tăng giá sách giáo khoa có thể gây ảnh hưởng tới nhiều học sinh nghèo
Đề cập tới doanh thu của NXB Giáo dục, nhiều người vẫn xem đây là một doanh nghiệp có mức lợi nhuận lớn. Theo một kết luận của thanh tra Chính phủ năm 2008, từ năm 2002 đến 2007, NXB Giáo dục đã thu về tới hơn 345 tỉ đồng lợi nhuận. Trong đó, cao nhất là năm 2003 với gần 94 tỉ đồng. So với việc xuất bản các loại ấn phẩm khác, xuất bản sách giáo khoa có lợi thế lớn. Trong khi các loại sách khác xuất bản với số lượng bản in lớn cũng chỉ 3000 – 5000 cuốn thì với hàng triệu học sinh các cấp trên cả nước, số lượng in mỗi đầu sách là không dưới 100000 bản.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Sách giáo khoa là phương tiện học tập không thể thiếu đối với mỗi học sinh. Do đó việc tăng giá sách cần phải được tính toán một cách thận trọng. Nhất là mức tăng và thời điểm áp dụng, làm sao để không ảnh hưởng tới quyền lợi học tập của học sinh nghèo là vấn đề rất cần được quan tâm, tránh việc tăng giá “gây khó” cho người nghèo như lần tăng giá sách giáo khoa trong năm học này.
Bùi Minh Tuấn
(Nghệ An)
LTS Dân trí-Sách giáo khoa là phương tiện thiết yếu giúp học sinh nắm vững kiến thức bài được nghe giảng tại lớp và tự học thêm ở nhà. Cho nên cần tạo điều kiện cho mọi học sinh, kể cả học sinh nghèo, học sinh ở vùng sâu vùng xa đều có trong tay bộ sách giáo khoa.
Trong tình hình lạm phát, nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá, nhưng đối với sách giáo khoa, nhà xuất bản giáo dục có lợi thế là mỗi lần in ấn hàng trăm nghìn bản, do đó có thể hạ giá thành; mặt khác có thể giảm chi phí phát hành bằng cách trực tiếp phát hành tới trường học, không qua các khâu trung gian. Vì vậy, việc tìm mọi biện pháp để không tăng giá sách giáo khoa (hoặc tăng không đến mức gần 17%!) là có căn cứ hiện thực.
Mong rằng Nhà Xuất bản giáo dục lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều thầy cô giáo cũng như đông đảo phụ huynh học sinh để có mức giá bán chăng đối với các bộ sách giáo khoa, đồng thời có quy định giảm giá đối với học sinh ở những vùng còn nhiều khó khăn, nhất là miền núi và vùng sâu vùng xa.