Tân Yên - Bắc Giang: Gần 1.600 hộ dân kêu cứu vì… rác
Nhà máy xử lý rác thải cách hộ dân gần nhất là 1m, xa hơn là 10m. Câu chuyện tưởng như đùa lại đang là vấn đề nhức nhối tại huyện Tân Yên - Bắc Giang.
Cách đây hơn 6 tháng, một dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bỗng dưng mọc lên tại huyện này, với hơn 37ha, tổng mức đầu tư lên tới 250 tỷ đồng, nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của gần 1.600 hộ dân 2 xã Cao Xá và Ngọc Lý.
Nhà máy xử lý rác thải… trên trời rơi xuống?
Suốt từ tháng 3 đến nay, hàng ngàn người dân ở hai xã Ngọc Lý và Cao Xá của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang thay nhau canh chừng ở khu vực núi Lăng Cao để ngăn cản không cho chủ dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp động thổ, khởi công. Cùng với đó, người dân địa phương đã gửi đơn đến các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang để phản đối việc xây dựng Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp.
Trong đơn kêu cứu của nhân dân gửi đến Báo Công lý nêu rõ, nhà máy xử lý rác thải có công suất lớn, xử lý 150 tấn rác thải công nghiệp và 30 tấn rác thải sinh hoạt/ngày này nằm ở vị trí quá gần nhà dân, cách nhà gần nhất khoảng 1m, không bảo đảm vệ sinh môi trường, sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân trong khu vực khi đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng thôn Cầu Đồng 10 chỉ toàn bộ dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng thôn Cầu Đồng 9 và ông Nguyễn Văn Chư, Trưởng thôn Ngọc Lý 1 và 2 xã Ngọc Lý cùng người dân xã Cao Xá bức xúc: “Nhà máy xử lý rác thải có công suất lớn như thế nhưng khi triển khai, thực hiện lại không thông qua dân. Khi người dân hỏi- xã trả lời: trên đã chỉ đạo là phải làm”.
Trưởng thôn Cầu Đồng 10, ông Nguyễn Văn Mạnh, cho biết, khu vực đặt nhà máy xử lý rác thải có diện tích 37,5 ha, thuộc hai xã Cao Xá và xã Ngọc Lý. Khu đất này là đồng cỏ, có sông Cầu Đồng chảy vòng quanh, một bên là dãy núi Lăng Cao thuộc xã Cao Xá, một bên là thôn Cầu Đồng 10, Cầu Đồng 9 thuộc xã Ngọc Lý. Nhà máy xử lý rác thải với công suất rất lớn, xử lý 150 tấn rác thải công nghiệp và 30 tấn rác thải sinh hoạt/ngày; khi xây dựng quá gần nhà dân, không bảo đảm vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên từ khi đề xuất, lập kế hoạch thực hiện dự án người dân địa phương không hề hay biết.
“Tháng 3/2014, người dân chúng tôi phát hiện một số máy ủi, máy xúc, máy đào, ô tô vận tải và một số phương tiện kỹ thuật khác tập kết ở khu vực xã Cao Xá (huyện Tân Yên, Bắc Giang) tiếp giáp với thôn Cầu Đồng 10, xã Ngọc Lý để san lấp mặt bằng xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Dự án này, nhân dân chúng tôi không được biết. Chúng tôi đã kiến nghị UBND xã Ngọc Lý, UBND huyện Tân Yên, UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Tài nguyên Môi trường và chủ dự án về việc này, nhưng đến nay, các cấp có thẩm quyền từ UBND xã đến UBND tỉnh Bắc Giang không trả lời, mà còn nhất trí, bảo vệ cho chủ dự án triển khai xây dựng. Ngày 7/7/2014, chủ dự án tiến hành động thổ, khởi công. Thấy vậy, hàng nghìn người dân xung quanh khu vực đã kéo đến ngăn cản không cho làm”, ông Mạnh cho hay.
“Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”
Dẫn phóng viên lên khu đất dùng để làm nhà máy xử lý rác thải, ông Nguyễn Văn Sai cho biết: Trước đây một phần khu đất này, người dân làm lò gạch thủ công. Tuy nhiên, sau đó để bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, các cấp chính quyền thông báo không được làm lò gạch thủ công ở khu vực này.
“Người dân chấp hành phá dỡ các lò gạch đã xây dựng, dù rất tốn kém. Tuy nhiên, điều người dân bức xúc là chính quyền không cho người dân làm lò gạch vì gây ô nhiễm môi trường nhưng lại cho xây dựng nhà máy xử lý chất thải, gây ô nhiễm gấp nhiều lần so với khí thải lò gạch thủ công của dân”, ông Sai cho hay.
Ông Nguyễn Văn Sai đang trình bày với phóng viên.
Đại diện người dân Cầu Đồng 9, trưởng thôn Nguyễn Văn Khoa cho biết, vị trí đặt nhà máy xử lý rác thải ngay khu vực giáp sông Cầu Đồng khiến người dân địa phương lo lắng.
Cũng theo ông Khoa, từ trước đến nay, người dân đã sử dụng nước sông Cầu Đồng để sinh hoạt và chăn nuôi hàng ngàn trâu, bò, ngựa. Hơn nữa, sông Cầu Đồng là nguồn cung cấp thủy sản như cá, tôm, cua, ốc, ếch, trai… cho nhân dân sống ở đây khai thác. Đây cũng là nguồn kinh tế rất quan trọng cho các gia đình ở miền núi, trung du. Nguồn nước cung cấp cho hàng ngàn ha lúa và hoa màu của địa phương sinh trưởng và phát triển. Mỗi mùa mưa, nước ngập lụt dâng cao. Nay chủ dự án ngăn sông Cầu Đồng, nắn sông dòng chảy sang sát thôn Cầu Đồng 10 để xây dựng bãi rác thải thì không chỉ gây ô nhiễm, gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn phá vỡ môi trường, gây thêm lũ lụt nguy hại hơn bao giờ hết. Đó còn chưa kể nếu nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm môi trường thì sức khỏe người dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Người dân địa phương đã kiến nghị nhiều lần với các cấp có thẩm quyền, nhưng không được trả lời. Mặt khác, lãnh đạo xã và huyện Tân Yên chỉ đạo cấm đảng viên, hội viên cựu chiến binh ở các địa phương trên không được tham gia cùng nhân dân đấu tranh về nội dung kiến nghị không cho xây dựng nhà máy xử lý rác thải, ai tham gia sẽ bị kỷ luật (!?).
Cùng chung với những bức xúc như vậy, ông Giáp Văn Tuấn, một cựu chiến binh của xã Cao Xá chia sẻ: “Muốn cho nước mạnh dân giàu thì phải lấy dân làm gốc, ở huyện Tân Yên này thực tế không như vậy. Người dân chúng tôi ở xã Cao Xá này không có một chút quyền lực gì trong việc đấu tranh bảo vệ lẽ phải cho chính mình”.
Làm sai quyết định của Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Trong quyết định số 2109 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp” ngày 31/10/2013, do Thứ trưởng Bùi Cánh Tuyến ký, Điều 1 có gi rõ: “Đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp” tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang được lập bởi Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường sạch…”. Như vậy, quyết định trên cho phép việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải, chỉ được tiến hành trên diện tích đất của xã Cao Xá và không có diện tích đất của xã Ngọc Lý.
Ngòi Cầu Đồng trong bản đồ đã được UBND huyện, nhà đầu tư nắn thẳng sang khu vực đất xã Ngọc Lý để hợp pháp hóa Quyết định 2109
Nhưng Quyết định 2109 một đường, phía UBND huyện lại thực hiện một nẻo, và ngày 15/11/2013, UBND huyện Tân Yên ra Thông báo số 127, về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường sạch tại khu Lăng Cao, xã Cao Xá và mở rộng việc xây dựng nhà máy sang địa phận đất đai của xã Ngọc Lý.
Con ngòi Cầu Đông chảy ngoằn nghèo hình chữ U, là ranh giới để phân chia hai xã Cao Xá và Ngọc Lý. Để hợp pháp việc mở rộng phần đất nhà máy sang phía bên xã Ngọc Lý với hơn 4ha, chủ đầu tư đã lập bản đồ quyết định “bẻ” thẳng con ngòi Cầu Đồng, theo đó, một số diện tích đất bên xã Ngọc Lý giờ đây đã chuyển sang địa phận xã Cao Xá cho phù hợp với quyết định số 2109.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng thôn Cầu Đồng 10 phản ánh: “Họ lập dự án xây dựng nhà máy lúc nào chúng tôi đã bất ngờ, giờ họ lại tự ý mở rộng diện tích đất sang xã Ngọc Lý càng khiến chúng tôi bất ngờ hơn”.
“Hiện nay, người dân hai xã Cao Xá và Ngọc Lý đang làm đơn gửi các cấp chính quyền, yêu cầu chấm dứt việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải kể trên, và nếu không chấm dứt người dân sẽ tiến hành khởi kiện các bên liên quan ra tòa án về việc phá hoại môi trường”, ông Nguyễn Văn Sai cho biết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp đến bạn đọc những thông tin liên quan đến việc xây dựng nhà máy kể trên.
Theo Nguyễn Thủy
Công lý