"Tan cửa, nát nhà" vì cá độ bóng đá

Hải Hà

(Dân trí) - Cá độ bóng đá ảnh hưởng tiêu cực không chỉ bản thân người chơi, gia đình của họ mà còn ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Cá độ bóng đá là một vấn đề phức tạp, đã xuất hiện từ lâu tại Việt Nam. Mặc dù lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây cá độ quy mô lớn nhưng hoạt động cá độ vẫn diễn ra vào mỗi mùa giải bóng đá, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng đội đã có những chia sẻ về cá độ bóng đá và những hệ lụy của nó.

Tan cửa, nát nhà vì cá độ bóng đá - 1

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng đội, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

"Tan cửa, nát nhà" vì cá độ bóng đá

Có thể thấy, bên cạnh vấn đề vi phạm pháp luật thì những hệ lụy khôn lường mà cá độ bóng đá gây ra cũng là một vấn đề đáng quan ngại, cần phải bị ngăn chặn kịp thời nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Cá độ bóng đá ảnh hưởng tiêu cực không chỉ bản thân người chơi, gia đình của họ mà còn ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Dân gian có câu "Cờ bạc là bác thằng bần", khi chìm vào đam mê đỏ đen, người chơi cá độ thường đi thâu đêm suốt sáng, đổ nhiều tiền bạc vào những ván cá cược, bỏ bê công việc, không quan tâm gia đình nên sức khỏe và kinh tế đều sa sút. Hậu quả là nhiều gia đình xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng xích mích, lục đục thậm chí lựa chọn ly hôn vì vợ/chồng đam mê cá cược.

Thậm chí nhiều người nghĩ quẩn, lựa chọn tự tử, cho rằng chết thì món nợ cũng không còn mà không hề nghĩ đến gia đình, người thân bàng hoàng đau xót, còn phải gánh khoản nợ mà mình để lại.

Con cái được sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha/mẹ nghiện cá cược bóng đá thường có xu hướng bị vấn đề về tâm lý, có thể học hỏi theo cha/mẹ hoặc cảm thấy tự ti do cha mẹ không dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng, do gia đình mâu thuẫn, rạn nứt…

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình rạn nứt thì xã hội cũng bị ảnh hưởng. Kéo theo sự phát triển của vấn nạn cá độ bóng đá là các dịch vụ cầm đồ, vay nặng lãi, đòi nợ thuê phát triển.

Các đối tượng này tìm đến người tham gia cá cược, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa họ vay khoản tiền lớn với lãi suất cao nhằm "phục vụ" cho việc cá cược bóng đá. Hơn nữa, cá cược là một trong những căn nguyên dẫn tới sự gia tăng của nhiều loại tội phạm như trộm cắp, đâm thuê chém mướn, ma túy…

Như vào tháng 6/2021, 2 nam thiếu niên ở Thành phố Hồ Chí Minh cầm dao đi cướp xe máy của một phụ nữ. Công an xác định, 2 thiếu niên này do cá độ bóng đá, bị chủ nợ đòi mà không có tiền trả nên nghĩ cách đi cướp. Rồi tháng 7/2021, một nam thanh niên 22 tuổi ở Kiên Giang đã ra tay sát hại một phụ nữ để cướp tài sản do thua cá độ bóng đá, nợ nần không có khả năng trả. Tổng hợp 2 tội danh giết người và cướp tài sản, "con bạc" này đã phải nhận án tử hình.

Quyết liệt triệt phá tệ nạn cá độ bóng đá

Có thể thấy, những hệ lụy của trò chơi đỏ đen này đến gia đình và xã hội là không thể lường trước. Để ngăn chặn, hạn chế nạn cá độ bóng đá thì trước hết mỗi người dân phải cần nâng cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá; phải ý thức được hậu quả, tác hại của tệ nạn cá độ bóng đá đối với bản thân, gia đình và xã hội; tuyệt đối không tham gia cá độ bóng đá dưới mọi hình thức.

Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi mời chào, lôi kéo tham gia cá độ bóng đá, có dấu hiệu lừa đảo người dân có thể thực hiện phản ánh tới tổng đài đầu số 156 hoặc có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng đã thu thập cho cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất để đề nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng cần phải tăng cường công tác kiểm duyệt thông tin trên mạng, phải gỡ bỏ các bài đăng, quảng cáo về cá cược bóng đá, và xử lý nghiêm những trường hợp đăng tải, chia sẻ. Ngoài ra, phải kết hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện và xử phạt các trường hợp tổ chức, tham gia cá độ bóng đá đặc biệt trong giai đoạn này.