Tài xế bị động kinh gây tai nạn liên hoàn: Ai phải chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - Theo luật sư, từ lời khai của lái xe santafe gây tai nạn liên hoàn ở quận Hà Đông, Hà Nội là bị bệnh động kinh, cơ quan chức năng cần làm rõ để xem xét thêm trách nhiệm và xử lý đúng theo quy định.
Tối 28/7, tài xế Hà Thanh Hưng (45 tuổi, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội) điều khiển xe ô tô BKS 30E - 455.34, nhãn hiệu Hyundai Santafe, màu đen, gây ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 4 xe ô tô và hàng loạt xe máy khiến một người chết ở Hà Đông. Tại cơ quan công an, lái xe Hưng thừa nhận bản thân không làm chủ được tốc độ, đồng thời cho biết bản thân có tiền sử bị bệnh động kinh nặng, mỗi khi lên cơn gần như trí nhớ không còn. Thời điểm xảy ra tai nạn, Hưng khai không biết đã gây ra chuyện gì.
Với thông tin nói trên, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm về việc lái xe Santafe bị tiền sử động kinh mà vẫn được cấp giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ai sẽ chịu trách nhiệm? Lái xe gây tai nạn khi bị vấn đề sức khỏe bất khả kháng thì có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không?
Lái xe có khai báo trung thực?
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật - khẳng định, nếu lời khai của lái xe Santafe (Hà Thanh Hưng) rằng có tiền sử bị bệnh động kinh là đúng thì cần làm rõ nhiều vấn đề, thời điểm tài xế Hưng bị bệnh, thời gian sát hạch và được cấp bằng lái xe, có trách nhiệm của đơn vị đã cấp bằng lái xe và trách nhiệm của đơn vị cấp giấy khám sức khỏe cho tài xế hay không...
Luật sư Bình lý giải, tại Điều 10 của Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) đã quy định trách nhiệm của người lái xe đó là: Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe...
"Điều kiện về sức khỏe của tài xế là yếu tố vô cùng quan trọng, yếu tố sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn khi tham gia giao thông, bởi chỉ khi đủ sức khỏe tối thiểu thì lái xe mới có thể tham gia giao thông an toàn", luật sư Bình nói.
Theo luật sư, đối với điều kiện sức khỏe của lái xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã quy định cụ thể đó là, người tham gia thi bằng lái xe ô tô chỉ cần thực hiện khám sức khỏe tại các trung tâm y tế và đưa giấy khám sức khỏe vào hồ sơ học lái xe ô tô.
Luật sư Bình dẫn chứng, theo phụ lục số 01 Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) quy định những trường hợp không được thi bằng lái xe ô tô gồm có:
Người bị rối loạn tâm thần cấp tính, hoặc đã chữa khỏi nhưng chưa quá 24 tháng; người bị rối loạn tâm thần mạn tính; động kinh; người có thị lực dưới 5/10 (Thị lực được đo thi đeo kính); người tật về mắt bao gồm quáng gà, bệnh chói sáng. Khuyết tật cụt 2 ngón tay trở lên; khuyết tật cụt một bàn chân trở lên.
Ngoài ra tại Điều 10 của Thông tư này cũng quy định trách nhiệm của người lái xe đó là: Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe; tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe; phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe; chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải...
"Như vậy, theo quy định người bị động kinh không được phép học, thi cũng như điều khiển phương tiện. Ở đây là tài xế Hưng khi đi khám sức khỏe có khai báo trung thực về tiền sử bệnh tật của mình hay không? Đây không được xem là sự kiện bất ngờ hay bất khả kháng nếu bản thân Hưng biết sai nhưng vẫn thực hiện", luật sư Bình khẳng định.
Bị động kinh gây tai nạn vẫn phải chịu trách nhiệm!
Về việc tài xế Hưng gây tai nạn khi bị vấn đề sức khỏe bất khả kháng như vậy, thì liệu có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không? Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật - cho biết giả sử, người tài xế bị động kinh là nguyên nhân gây ra tai nạn thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự.
Ngoài ra, vụ tai nạn liên hoàn mà tài xế Hưng gây ra đã khiến chị Mai Thị Tuyết T. (đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nhà máy A40 - Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không không quân) tử vong tại hiện trường.
Luật sư Bình dẫn điều 260, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau: Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây chết người thì bị phạt tiền từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
"Như vậy, cơ quan chức năng sẽ điều tra nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Giả sử, tài xế Hưng bị động kinh là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thì tài xế này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự", luật sư Bình nói.
Vụ án chuyển sang cơ quan điều tra của bộ quốc phòng
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, với kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng thì đây là một vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, khiến một người thiệt mạng, nhiều người bị thương và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Kết luận ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy người lái xe này không vi phạm nồng độ cồn, âm tính với ma túy; do đó việc tìm hiểu nguyên nhân của vụ tai nạn có phải do yếu tố kĩ thuật hay do lỗi của người điều khiển hay không sẽ là mấu chốt của vấn đề để xác định có khởi tố vụ án hình sự hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người điều khiển chiếc xe ô tô Santafe này đã không làm chủ tốc độ, không kiểm soát được tốc độ, có lỗi chủ quan dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người đàn ông này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi đó, người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 260 bộ luật hình sự với mức chế tài là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nếu kết quả điều tra cho thấy trong máu hoặc hơi thở có chất cấm hoặc có nồng độ cồn thì hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù...
Ngoài ra, người gây tai nạn còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa đối với những nạn nhân bị thương, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút của nạn nhân thường tích, chi phí mai táng đối với nạn nhân đã tử vong và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của bộ luật dân sự.
Với nạn nhân tử vong thì người gây tai nạn còn phải bồi thường tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ phải cấp dưỡng theo quy định của pháp luật (ví dụ vợ con, cha mẹ). Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường phải không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Với kết quả xác minh ban đầu thì đây là vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng có nạn nhân là cán bộ, sĩ quan quân đội nên vụ việc có thể chuyển sang cơ quan điều tra của bộ quốc phòng để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.