Bạn đọc viết:

Tài sản của Ni sư viên tịch thuộc về ai?

(Dân trí) - Để xác định được khối tài sản 140.000 USD của ni sư Huệ Tịnh thuộc về ai, trước hết phải xác định được nguồn gốc hình thành khối tài sản này.

Theo quy định tại khoản 2 điều 15 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự như “ quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản”.

Tại điều 5 BLDS cũng quy định “trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau”.

Như vậy theo luật pháp Việt Nam không có quy định riêng với những người xuất gia tu hành, mọi người đều bình đẳng và có quyền tài sản như nhau. Do đó nếu đơn thuần xét chứng cứ hiện có (sổ tiết kiệm đứng tên bà Đỗ Thị Thiềng...) thì đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của bà Thiềng và sau khi bà mất đi mà không có di chúc thì những người thuộc hàng thừa kế của bà sẽ được hưởng di sản của bà để lại theo quy định của pháp luật.

Mặc dù tài sản được gửi Ngân hàng và sổ tiết kiệm - là những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu- mang tên bà Đỗ Thị Thiềng nhưng chúng ta cần xem xét đến nguồn gốc hình thành khối tài sản trên.

Trong trường hợp này Ni sư Huệ Tịnh là người đã xuất gia, không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, cũng không phải là người làm công ăn lương, thực tế là người không có thu nhập, cuộc sống của người xuất gia chỉ dựa vào lộc, hương hoa nhà chùa và rất đạm bạc. Do đó khối tài sản này không được hình thành từ bất kỳ căn cứ nào theo điều 170 nêu trên nên việc ni sư có một số tiền lớn như vậy là không hợp lý do đó không có căn cứ để xác lập quyền sở hữu của Ni sư.

Hơn nữa xuất phát từ thực tế chùa chiền là nơi các phật tử tìm đến để cầu bình an, dâng lễ vật, làm công đức…Thực tế đây là một khoản thu không nhỏ của các nhà chùa và các khoản thu này thường được sử dụng để tu bổ chùa, làm việc thiện. Các đệ từ nhà phật đến dâng lễ, cúng tiến, góp tiền công đức cũng là nhằm mục đích này chứ không phải để cho riêng một sư thầy, chú tiểu nào.

Vì vậy nếu số tiền này là của các phật tử đóng góp cho chùa thì phải là tiền của chùa chứ không phải của cá nhân Ni sư Huệ Tâm. Ngoài các căn cứ và lập luận như trên thì có thể thu thập nhiều chứng cứ khác để chứng minh như những người thường xuyên cúng tiến, lễ bái chùa Thiên Chánh, những người thường xuyên làm việc, chăm sóc chùa và ni sư khi còn sống mà dân gian hay gọi là những “ người ăn mày cửa phật” (nếu có)…

Còn việc tại sao Ni sư Huệ Tịnh lại đứng tên trong các sổ tiết kiệm gửi Ngân hàng thì cũng cần phải xem xét đến hoàn cảnh thực tế. Chùa chiền không phải là một tổ chức thông thường, không có quy chế rõ ràng, không có con dấu, không có người đại diện theo pháp luật… mà hoạt động trên cơ sở tín ngưỡng và tâm linh của phật tử và thường có một vi Sư Trụ Trì cai quản (nhưng không phải là người đại diện theo pháp luật). Do đó bản thân tổ chức ấy (chùa) không thể tham gia giao dịch với tư cách một chủ thể độc lập bình thường mà thường sẽ do Sư Trụ trì đứng ra để thực hiện. Do đó việc Ni sư Huệ Tịnh là Sư Trụ trì của Chùa Thiên Chánh đã góp tiền của Chùa lại để đi gửi tiết kiệm là phù hợp với thực tế.

Xét về mặt pháp lý, nếu tài sản này là tài sản được hình thành do các phật tử đóng góp cho chùa chứ không phải cho Ni sư thì đây là tài sản của nhà chùa, nếu Ni sư đứng tên cũng chỉ là đại diện chứ không được quyền tự ý sử dụng, không thể trở thành tài sản riêng của Ni sư. Nếu Ni sư tự ý sử dụng hay coi là tài sản riêng của mình là trái quy định và không đúng với mục đích của những người đã đóng góp. Do đó không thể chỉ căn cứ vào các sổ tiết kiệm này mà tuyên bố Ni sư Huệ Tịnh (Đỗ Thị Thiềng) là chủ sở hữu hợp pháp của khối tài sản này. Cũng giống như trường hợp mặc dù giấy tờ tài sản (nhà đất, ô tô, xe máy…) mang tên của một người nhưng do người khác mua và nhờ đứng tên hộ thì khi có tranh chấp Tòa án cũng không thể công nhận những người có tên trong giấy chứng nhận là chủ sở hữu của tài sản này.

Ngoài ra trong vụ việc này cần xem xét, tham khảo đến đạo lý, giáo lý nhà phật và của cả những đạo giáo khác để giải quyết. Tại điều 3 Bộ luật dân sự cũng quy định: Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này. Vì pháp luật không có quy định cụ thể trong trường hợp như trên nên theo quan điểm của tôi cần áp dụng tập quán, đạo lý để giải quyết. Trong Giáo luật của Thiên Chúa giáo có quy định rõ người tu hành không có quyền có tài sản riêng, tài sản của họ là của Giáo hội Thiên chúa giáo. Trong Hiến chương của Phật giáo không quy định rõ về vấn đề này mà tại điều 37 của Hiến Chương giáo hội Việt Nam thống nhất chỉ quy định về tài sản của Giáo hội phật giáo bao gồm Động sản và bất động sản hiến cúng; Động sản và bất động sản do Giáo Hội tự tạo chứ không có quy định tài sản riêng của những người đã xuất gia. Đồng thời theo giáo lý nhà phật thì người xuất gia là người đã thoát tục, không vướng bụi hồng trần, không coi vật chất là tài sản, không có tài sản riêng cho bản thân nên số tiền này không công nhận là tài sản riêng của ni sư cũng là hợp đạo lý và theo tôi cũng là tâm niệm của người đã mất- Ni sư Huệ Tịnh.

Vì vậy có căn cứ để không công nhận khối tài sản này thuộc quyền sở hữu của bà Đỗ Thị Thiềng - Ni sư Huệ Tịnh. Do đó không thể chia thừa kế cho những người anh chị em của Ni sư.

Luật sư Trần Thị Thuý Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm