Ni sư viên tịch, tài sản 140.000 USD ai hưởng?
Một ni sư là trụ trì chùa mất, để lại khối tài sản hơn 140.000 USD. Phía Ban đại diện Phật giáo cho rằng đây là tài sản của chùa, người thân của ni sư thì nói đó là tài sản riêng của ni sư và yêu cầu chia thừa kế.
Năm 1998, Ban trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM bổ nhiệm ni sư Huệ Tịnh, thế danh Đỗ Thị Thiềng, làm trụ trì chùa Thiên Chánh (đường Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú). Tháng 5-2008, ni sư Huệ Tịnh viên tịch.
Ban đại diện Phật giáo Tân Phú đến chùa tổ chức tang lễ cho ni sư, phát hiện ni sư Huệ Tịnh có 5 quyển sổ tiết kiệm gửi tại Vietcombank mang tên Đỗ Thị Thiềng với tổng số tiền 138.850 USD và số tiền mặt 423 USD, gần 42 triệu đồng. Số tài sản này được lập biên bản, tạm thời giao cho ban đại diện Phật giáo Tân Phú cất giữ.
Sau đó, bà Đỗ Ngọc Thanh (trú phường 13, quận Gò Vấp) là em ruột ni sư Huệ Tịnh có đơn gửi đến Ban đại diện Phật giáo Tân Phú, xin được cúng dường số tiền mặt và nhận lại 5 quyển sổ tiết kiệm cùng giấy chứng tử để thực hiện quyền và nghĩa vụ của những người thừa kế theo quy định pháp luật. Bị từ chối, bà Thanh và đồng thừa kế đã khởi kiện vụ việc ra TAND quận Tân Phú.
Xung đột pháp lý
Tại buổi hòa giải tại tòa mới đây, Ban đại diện Phật giáo Tân Phú cho rằng, khối tài sản mà cố ni sư để lại là của chùa, bởi đây là số tiền (tài sản) do phật tử, khách thập phương đóng góp. Ban trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM cũng có văn bản đề nghị Vietcombank niêm phong tài khoản ngoại tệ trong giấy chứng nhận tiền gửi mang tên khách hàng Đỗ Thị Thiềng.
Thượng tọa Thích Thiện Hòa, Phó ban đại diện Phật giáo Tân Phú cũng cho rằng, người xuất gia theo đạo Phật thì phải cắt ái, ly gia và hiến thân mình cho Phật pháp. Khoản ngoại tệ gửi ngân hàng của ni sư Huệ Tịnh là số tiền bá tánh thập phương tự nguyện đóng góp từ thời vị trụ trì trước. Đây là tài sản của một cơ sở tôn giáo, không phải là tài sản của cá nhân làm ra và cũng không phải là tài sản của họ tộc nên bà Thanh không thể đòi quyền thừa kế.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng: Tuy ni sư Tịnh đã xuất gia đi tu nhưng vẫn có đầy đủ các quyền có tài sản, thừa kế và quyền để lại thừa kế theo quy định của pháp luật. Do khối tài sản đứng tên cá nhân của ni sư Tịnh nên khi phát sinh thừa kế thì chia theo pháp luật về thừa kế.
“Theo qui định tại khoản 2, Điều 15 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự: Quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản. Như vậy, 5 cuốn sổ tiết kiệm mang tên cá nhân của người trụ trì ở một ngân hàng nào, thì tài sản đó được khẳng định là tài sản của cá nhân đó.
Người trụ trì có quyền sở hữu đối với tài sản trên và được pháp luật bảo vệ. Nếu trụ trì mất mà không để lại di chúc, thì tài sản đó được gọi là di sản và được giải quyết theo qui định Pháp luật thừa kế” - Luật sư Bùi Quốc Tuấn xác định.
Thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt - Phó chánh Tòa Dân sự TAND TPHCM cũng cho rằng, Luật dân sự không có quy định riêng nào về tài sản của những người xuất gia tu hành. Nếu luật không quy định thì phải xem đến tập quán và các quy định khác.
Giáo luật của Thiên Chúa giáo có quy định người tu hành không có quyền có tài sản riêng, tài sản của họ là của Giáo hội còn trong Hiến chương Phật giáo không quy định vấn đề này. Như vậy, một vấn đề được đặt ra là các tăng - ni (Phật giáo) đang đứng tên sở hữu xe máy, xe hơi khi viên tịch tài sản này thuộc về ai? Gia đình, chùa nơi họ tu tập hay ban trị sự?
Theo Hữu Vinh
Báo Tiền phong