Nhân tháng ATGT:

Tai nạn giao thông giảm, nếu toàn dân vào cuộc

(Dân trí) - “Cứ mỗi buổi sáng, chuyên mục ATGT Đài THVN luôn đưa ra những con số đau lòng về tai nạn giao thông. Con số đó lại càng kinh khủng hơn khi thồng kê lại cả năm! Chúng ta có thể giảm thiểu tai nạn giao thông nếu như toàn dân vào cuộc.”

Tai nạn giao thông đã đến mức báo động

Thật khó tin nổi, khi thống kê tai nạn giao thông, Uỷ Ban ATGT Quốc gia thông báo trên địa bàn cả nước, hàng năm xẩy ra trên 13.000 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 11.000 người chết và trên 10.000 người bị thương.

Như vậy là bình quân mỗi ngày có trên 40 vụ, làm trên 33 người chết và hơn 33 người bị thương, làm hàng ngàn phương tiện bị hư hỏng, bị tạm giữ, hàng ngàn tỷ đồng bị mất vì tai nạn giao thông! Đây quả là một thiệt hại không thể tưởng tượng nổi.

Ngày xưa cha ông ta thường ví “nhất thủy, nhì hỏa” thì nay thuỷ, hoả, đạo tặc cả năm cũng chỉ làm vài trăm người chết. Bởi ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, thì ý thức phòng chống bão lũ của nhân dân rất cao, rất tập trung và quyết liệt.
Tai nạn giao thông giảm, nếu toàn dân vào cuộc  - 1
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 13.000 ngàn vụ tai nạn giao thông và làm chết khoảng 10.000 người... thực trạng đáng báo động hiện nay (Ảnh: Nguyễn Duy)

Thực trạng lâu nay tai nạn giao thông năm sau cao hơn năm trước, mặc dù đã có nhiều biện pháp, nhưng xem ra tính khả thi chưa cao. Ngành Công an đã tung hết lực lượng, đề ra nhiều biện pháp xử phạt, để ngăn chặn. Trong khi tai nạn giao thông không những không giảm mà ngành Công an mất không ít cán bộ, thậm chí mất lòng tin của nhân dân do tiêu cực của ngành.

Việc CSGT nhận mãi lộ của lái xe, không còn là hiện tượng mà đã thành “luật riêng”. Chính những tiêu cực này, cộng với ý thức chấp hành giao thông kém của người tham gia giao thông, nhất là thanh niên. Chúng ta không lạ gì kiểu xe đạp, xe máy đi hàng ba, hàng bốn trên đường, ai muốn vượt thì lách mà vượt, đường càng to, càng rộng, càng tốt, thì tai nạn giao thông càng hay xẩy ra.

Rồi thì tay nghề, bằng lái, kỹ thuật sử dụng các phương tiện tham gia không bảo đảm.... Đang làm cho tai nạn giao thông không những không giảm mà ngày càng tăng, nếu chúng ta không có quyết sách mạnh, đúng và phải đưa cả xã hội, cả toàn dân vào cuộc.

Tai nạn sẽ giảm nếu cả xã hội, toàn dân vào cuộc

Ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, sự tập trung, cố gắng đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT) của ngành Công an, thì vấn đề đặt ra là toàn xã hội, toàn dân phải vào cuộc. Đây là vấn đề không mới, nhưng để thực hiện nó lại không hề dễ, bởi khi mà số người tham gia giao thông ngày càng tăng, ý thức chấp hành luật lệ giao thông còn nhiều vấn đề phải bàn.

Chỉ cần một thay đổi của văn bản luật, khi mọi người chỉ cần có chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ sinh viên hay giấy tờ tuỳ thân để chứng minh mình là công dân nước Việt, đều được đăng ký xe máy, càng làm cho số xe lưu thông tăng vọt, trong đó không ít người đang tuổi vị thành niên. Và điệp khúc đường ta ta đi, xe ta ta chạy, làm tăng sự cố TNGT.

Gần đây dù đã tăng cường lực lượng CSGT như cho phép các huyện được kiểm soát giao thông tại địa bàn, được bắt, phạt, đánh dấu, thu giữ bằng lái… Nhưng xem ra vẫn chưa có nhiều tín hiệu vui về giao thông, nhất là giao thông đường bộ. Để ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn giao thông, theo chúng tôi cần sự tham gia của toàn xã hội và của toàn dân.
Tai nạn giao thông giảm, nếu toàn dân vào cuộc  - 2
Để giảm thiểu tai nạn giao thông cần sự vào cuộc của toàn xã hội, toàn nhân dân.... (Ảnh: Nguyễn Duy)

Nếu như kinh nghiệm của Đà Nẵng thành công trong việc thiết lập lại trật tự trong du lịch, tăng cường văn minh đường phố, bằng việc gom hết kẻ ăn xin về trại, bằng biện pháp khen thưởng những ai phát hiện người ăn xin báo cho thành phố, người đó sẽ được thưởng ngay bằng tiền mặt nếu báo tin đúng có người ăn xin qua kênh điện thoại nóng.

Chúng ta nên học tập và phát huy kinh nghiệm này sang phát hiện và xử lý vi phạm giao thông.

Chúng ta nên quy định rõ ai phát hiện người, xe vi phạm giao thông, tất nhiên có đủ cơ sở để chứng minh lỗi phạm, sẽ được khen thưởng xứng đáng. Người phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền. Có thể bằng ghi hình, chụp ảnh, lấy ý kiến nơi vi phạm làm chứng… về hành vi lỗi phạm, báo cho chính quyền hoặc Công an để kịp thời xử lý ngay người, xe vi phạm.

Làm được như thế này, chúng ta vừa phát huy đầy đủ quyền của công dân, gắn trách nhiệm của họ, lại không phải tốn kém nhiều mà chắc chắn TNGT sẽ giảm mạnh. Chúng ta không phải trả lương cho lực lượng này mà chỉ cần có chính sách thưởng, phạt nghiêm minh.

Đây là hình thức xã hội hoá việc giữ gìn ATGT, vừa phát huy đầy đủ quyền công dân, vừa lành mạnh hoá xã hội, vừa đẩy lùi tiêu cực trong ngành Công an. Chúng ta có thể cho phép thành lập các công ty tư nhân, làm nhiệm vụ giám sát việc chấp hành giao thông, họ có quyền chọn người, trả lương và chịu trách nhiệm trước pháp luật, các thám tử tư của họ sẽ tự giác luồn lách vào các tuyến giao thông, các phương tiện… để hoạt động, phát hiện lỗi phạm, báo cho cơ quan chức năng xử lý.

Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, khi nhân dân làm chủ và ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, thì việc gì khó cũng thành công. Tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giảm, an toàn giao thông đảm bảo, cuộc sống sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, hình ảnh người chiến sỹ công an giao thông dẫn đường lại sáng đẹp trong lòng dân.

Việt Nam sẽ là điểm đến của cả thế giới về đầu tư và du lịch, và hàng năm sẽ không còn cảnh hàng chục ngàn người bị chết và bị thương vì tai nạn giao thông.
 
Phùng Văn Mùi