Tài khoản “bị” người khác chuyển nhầm tiền, có phải trả lại không?
(Dân trí) - Khi nhận được khoản tiền do người khác chuyển nhầm bạn đừng vội vui mừng quá sớm bởi vì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cho việc tài khoản của mình được chủ tài khoản khác chuyển nhầm tiền.
Hiện nay các giao dịch chuyển khoản diễn ra với số lượng lớn và thường xuyên. Cũng không hiếm các trường hợp chủ thể chuyển khoản chuyển nhầm tiền sang tài khoản của chủ thể khác. Còn người nhận được tiền nửa mừng nửa lo. Mừng vì “tự dưng” được hưởng khoản tiền “trên trời rơi xuống”, lo vì không biết khi nhận được tiền do người khác chuyển nhầm như vậy có phải trả lại không, nếu không trả có phải chịu trách nhiệm gì không?
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:
Điều 579. Nghĩa vụ hoàn trả
1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Trong đó việc chiếm hữu tài sản được coi là không có vi phạm pháp luật khi việc chiếm hữu tài sản không thuộc vào các trường hợp:
Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
Trường hợp khác do pháp luật quy định.
Theo đó đối với chủ tài khoản được nhận nhầm tiền thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu số tiền đã được chuyển nhầm; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy khi được nhận tiền do người khác chuyển nhầm thì người được chuyển nhầm nhất định phải trả lại cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền cho chủ tài khoản chuyển nhầm tiền
Việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản không làm mất quyền sở hữu của chủ sở hữu số tiền. Đồng thời tiền rơi vào tài khoản của chủ thể được chuyển nhầm cũng không mặc nhiên chủ tài khoản được sử dụng mà phải trả lại cho chủ sở hữu như đã nói ở trên. Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý, cụ thể sau:
Trách nhiệm xử phạt hành chính
Căn cứ theo điểm d khoản 1, điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
2. d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
e, Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Như vậy, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng nếu như sử dụng trái phép số tiền người khác chuyển nhầm; phạt tiền từ 2-5 triệu đồng nếu chiếm giữ tái phép tài sản của người khác.
Trách nhiệm hình sự
Việc chiếm dụng tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản cũng dẫn tới hậu quả pháp lý là chủ tài khoản được nhận tiền chuyển nhầm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào từng trường hợp, cụ thể:
Trường hợp 1: Chủ sở hữu đã có yêu cầu trả lại số tiền
Nếu có bằng chứng chứng minh chủ sở hữu số tiền chuyển nhầm hoặc cơ quan có trách nhiệm liên quan như ngân hàng đã có yêu cầu trả lại số tiền mà người nhận được tiền biết nhưng vẫn có tình không trả lại hoặc rút số tiền đó ra để tiêu xài thì người nhận được tiền do chuyển nhầm đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm “chiếm giữ trái phép tài sản”.
Theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng101 hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là102 di vật, cổ vật103 bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Đồng thời khi chủ tài khoản nhận được tiền chuyển nhầm bị xử lý hình sự theo quy định này thì ngoài hình phạt tù người vi phạm còn phải trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu số tiền mà mình đã chiếm đoạt.
Trường hợp 2: chủ sở hữu không yêu cầu hoặc có yêu cầu nhưng người nhận tiền không biết
Trong trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm chiếm giữ, thậm chí là sử dụng nhưng khi chủ sở hữu và cơ quan có liên quan không có đòi hoặc đòi lại nhưng vì nhiều yếu tố tác động như phương tiện, cách thức liên lạc,.. không đảm bảo dẫn đến việc người nhận được tiền không hề biết về việc đòi lại này thì hành vi của người nhận được tiền chưa đủ dấu hiệu để cấu thành tội phạm như trường hợp trên.
Thay vào đó, người nhận tiền phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật dân sự là hoàn trả lại tài sản mình chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và bồi thường thiệt hại phát sinh cho chủ sở hữu do hành vi chiếm giữ tài sản của mình.
Do đó trường hợp này người nhận được tiền không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tóm lại, khi nhận được tiền do người khác chuyển nhầm thì người được nhận cần hoàn trả lại cho chủ sở hữu đế tránh việc phải chịu các trách nhiệm pháp lý không mong muốn.
Khả Vân