Sự thật bất công mà giáo viên phải chịu đựng
(Dân trí) - Gần đây, trên Diễn đàn Dân trí và một số báo khác lại sôi nổi bàn luận về chủ đề nghề giáo, áp lực công việc, đời sống khó khăn cũng như những điều trăn trở về cách thức quản lý có nhiều điều bất cập và tiêu cực…
Nhiều giáo viên vùng cao chưa từng dám mơ đến tiền thưởng Tết.
Khoảng cách "đầu vào - đầu ra"
Là người đã chứng kiến nhiều đổi thay của nền giáo dục nước nhà trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy, Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều cố gắng, nhiều chủ trương chính sách chăm lo giáo dục, từng bước giảm bớt khó khăn cho đội ngũ hơn 1,2 triệu thầy cô giáo. Đó là dấu hiệu rất đáng mừng, nhưng cũng thật sự xót xa khi một lần nữa giáo dục phải đặt lên “bàn cân” để “mổ xẻ”.
Một thực tế là hiện nay, xu hướng chọn nghề của học sinh THPT đã có nhiều thay đổi. Lượng hồ sơ của các em đăng ký vào các ngành sư phạm cứ thưa dần, đáng báo động hơn là hầu như số học sinh khá giỏi thi vào các trường sư phạm chỉ đếm được đầu ngón tay, chả thế mà điểm chuẩn đầu vào của các ngành, các trường sư phạm gần đây giảm xuống mức thấp không ngờ. Và liệu đầu vào thấp, ai dám đảm bảo đầu ra sẽ cao?
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e mail: thaolam@dantri.com.vn |
Thực tế làm công tác giảng dạy nhiều năm trong ngành, chứng kiến diễn biến của các năm làm hồ sơ đăng ký dự thi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi lượng hồ sơ đăng ký vào các ngành sư phạm giảm một cách chóng mặt, nhất là các ngành theo khối khoa học xã hội.
Có nhiều nguyên nhân: Hoặc là các em không đam mê nghề giáo vì cho rằng vào nghề giáo vất vả, áp lực lớn, thời gian khắt khe, nhìn thấy các thầy cô giáo của mình vất vả thì cũng chạnh lòng. Hoặc là do tính toán về thu nhập trong tương lai: mức sống của giáo viên thua kém xa so với một số ngành nghề khác. Hoặc là do nhận thức của các em cho rằng: Học sư phạm ra kiếm việc rất khó, mà nhiều tấm gương anh chị em sinh viên, thậm chí có một số sinh viên đã theo học xong bằng thạc sỹ nhưng để có được biên chế vào nhà nước là một điều không dễ dàng. Mà nguyên nhân khó khăn này có thể do nhu cầu biên chế của ngành giáo dục đã bão hòa, cũng có nguyên nhân xuất phát từ cơ chế tuyển dụng!
Nhiều ý kiến phản ảnh nhiều mặt trái của tình hình và đưa ra ý kiến bàn luận với mong muốn thay đổi thực trạng đáng báo động về tương lai nền giáo dục, nhưng xem ra câu chuyện vốn phức tạp vẫn chưa đến hồi kết.
Khoảng cách chính - phụ
Nghiên cứu kỹ bài viết “Báo động về chất lượng nhân lực ngành giáo dục”của tác giả Trần Quang Đại và loạt bài phản ánh của các độc giả về chất lượng đội ngũ giáo viên trên Dân trí, chắc hẳn mọi người sẽ thấy được những khó khăn của nghề dạy học. Trong đó, yếu tố Lương + Tâm + Chế độ đãi ngộ của nhà nước nhận được nhiều sự trăn trở của độc giả, nhất là những người trong nghề. Bài toán này không dễ gì có thể giải được nếu không có sự vào cuộc đều tay của các cấp, các ngành, và đặc biệt là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Dẫu biết rằng, một chân lí không thể phủ nhận là từ Đông chí Tây, Kim chí Cổ, nghề dạy học giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của mỗi một quốc gia. Vị trí của người thầy luôn giữ vai trò là cầu nối, là ngọn nguồn để truyền bá nền văn minh nhân loại, là chìa khóa vĩnh hằng mở ra tương lai phát triển bền vững cho đất nước. Cũng vì vậy, dân tộc ta vốn có truyền thống đạo lý tôn sư trọng đạo.
Nhưng thực tế hiện nay, nhiều giá trị đạo đức xã hội thay đổi, vị trí người thầy trong xã hội cũng không còn được coi trọng như trước. Chả thế mà có lần tôi được anh bạn học cùng thời đại học chia sẻ rằng, vì mình dạy môn “phụ” nên nhiều khi gặp phụ huynh họ ngoảnh mặt làm ngơ xem như không biết. Trong lúc đó người bạn đi cùng vì dạy môn Hóa, kèm cặp con em họ nên bắt tay, chào hỏi thân mật. Cũng vì thế mà những ngày lễ tết, nhất là ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm, đội ngũ thầy cô dạy các môn Toán, Lí, Hóa…. thì nhận được rất nhiều lời chúc mừng, còn giáo viên giảng dạy môn phụ thì nghẹn ngào không biết tỏ bày tâm sự cùng ai???
Có ý kiến cho rằng: Lượng hồ sơ chọn nghề sư phạm giảm vì nghề không còn hấp dẫn. Ý kiến khác cho rằng: Nhiều nhà giáo hiện không còn động lực phấn đấu, không tâm huyết với nghề vì áp lực cuộc sống, áp lực công việc quá nặng nề, mà lương thì không đủ sống.
Tôi có anh bạn thân cùng học thời phổ thông, hiện dạy tiểu học ở một trường huyện Hương Khê – Hà Tĩnh, phàn nàn rằng: dạy tiểu học hết sức vất vả, phải đi cả ngày, hồ sơ giáo án thì nhiều chủng loại, việc thi đua xếp loại cuối năm thì rất khắt khe. Muốn có danh hiệu thì ngoài thành tích giảng dạy, buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm hoặc đồ dùng dạy học cấp huyện trở lên, thế là nhiều lần bạn phải bỏ tiền triệu ra mua sắm vật liệu, bỏ công sức thời gian mày mò làm đồ dùng dạy học thật vất vả. Không những thế, nhà trường và phòng GD cứ theo “quy chế” lại thường xuyên kiểm tra, thanh tra đột xuất khiến nhiều thầy cô phải toát mồ hôi. Còn khi lương được tăng một, thì giá cả tăng hai ba, nhất là trong thời “bão giá” hiện nay thì...
Một anh bạn khác dạy một trường THCS tại Kỳ Anh – Hà Tĩnh, công tác đã gần 20 năm. Vừa rồi chúng tôi có dịp gặp lại, bạn kể rằng: để có được căn nhà cấp 4 “khang trang” như hiện nay và nuôi 2 đứa con ăn học, đứa lớn THPT, đứa nhỏ THCS, vợ chồng họ phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, vừa rồi mới trả hết nợ. Ngoài ra vợ chồng anh còn làm khoán thuê thêm 5 sào ruộng, kiêm nghề chài lưới, cá tôm, thả ống lươn cải thiện đời sống mới giảm bớt được khó khăn.
Một điều chúng tôi cũng hết sức trăn trở và cho rằng, cũng là nguyên nhân khiến không ít thầy cô giáo cảm thấy kém động lực phấn đấu là khả năng thăng tiến rất ít, mà tiêu cực trong giáo dục thì lại nhiều. Việc bố trí các vị trí chức danh trong nhà trường nhiều khi không do yếu tố chuyên môn quy định, mà là do “các mối quan hệ” chi phối, có những giáo viên năng lực bình thường, thậm chí là dưới mức bình thường nhưng lại là người cùng “cánh” với BGH nên được “tin tưởng” bố trí hai, ba, bốn công việc kiêm nhiệm trong trường. Trong khi đó, thậm chí có những người năng lực chuyên môn tốt nhưng không có “vai vế, bè phái” thì mãi mãi không được sử dụng chứ chưa nói đến được trọng dụng, khiến họ hết sức bức xúc mà chẳng biết tỏ bày cùng ai???
Điều này tạo ra sự bất bình rất lớn trong giới giáo chức nhưng đành phải cam chịu mà không dám phản ánh hay phàn nàn gì, vì nếu lỡ có ý kiến trái chiều thì lại sợ bị BGH... trù!!!
Khoảng cách thu nhập
Bên cạnh đó, việc phân hóa thu nhập ngoài tiền lương trong một bộ phận giáo viên hiện nay cũng đã và đang tạo ra những khoảng cách, những suy nghĩ trái chiều trong nhận thức của không ít thầy cô. Một số thầy cô dạy các môn tự nhiên và các môn thi tốt nghiệp cũng như thi ĐH, CĐ thì có thu nhập khá cao, vì ngoài dạy chính khóa, họ còn có điều kiện dạy thêm buổi chiều, buổi tối, dạy ôn thi tốt nghiệp, dạy bồi dưỡng khối, nhận dạy kèm hoặc mở lớp dạy ôn tại nhà.
Số ít khác thì dạy ở các lò luyện thi ĐH, CĐ cũng có nguồn thu rất lớn. Trong lúc đó, các môn không thi thì dĩ nhiên chỉ có “3 đồng, 3 cọc”. Thế là tạo ra khoảng cách, phân hóa giàu nghèo ngay trong môi trường giáo dục cũng là điều dễ hiểu, trong khi trình độ lại ngang nhau. Đây là một thực tế hết sức đáng buồn.
Một điều đau lòng nữa là các khoản thu chi trong nhà trường. Mỗi năm các trường THCS và THPT, theo chúng tôi được biết, số tiền thu vào hàng tỷ đồng từ học phí, tiền xây dựng, tiền nhà xe, tiền lao động, quỹ hội phụ huynh, tiền ủng hộ, tiền học thêm, tiền thi cử cho đến các khoản khác. Nhưng anh em giáo viên thì chẳng được mấy đồng.
Cuối năm cuối kỳ khi làm công tác kiểm kê tài chính thì chỉ có bộ phận Giám hiệu, thủ quỹ, Ban thanh tra làm việc với nhau, khi công bố cũng chỉ đọc thông qua một cách “chiếu lệ”, trong đó có mục chi “các khoản khác” là không hề nhỏ, mà “các khoản khác” là gì thì chỉ có… BGH, thanh tra mới biết chính xác!!! (chả thế mà trước đây tác giả Đỗ Tấn Ngọc ở Quảng ngãi đã có bài viết phản ánh Ban thanh tra trong trường học chỉ tồn tại trên danh nghĩa, quả là sâu sắc và chí lí, thuyết phục người đọc).
Như đối với các trường có lượng học sinh tham gia học thêm nhiều, số tiền học thêm của học sinh là vô cùng lớn, BGH thu về 17% cái gọi là tiền “quản lí, và hao mòn cơ sở vật chất” trong tổng thu của hơn 20 lớp học thêm (dưới danh nghĩa là học “Phụ đạo ôn thi tốt nghiệp”, học “khối”) đó. Thế là cán bộ quản lí vô hình trung thu nhập rất cao, cao hơn nhiều so với giáo viên đứng lớp.
Ví dụ: Thầy N.A ở Hà Tĩnh làm một phép tính đơn giản: Trường có 22 lớp học thêm, mỗi lớp 45 học sinh, mỗi buổi các em đóng nạp 7.000 đ, tính sơ sơ mỗi tháng các em học 20 buổi, như vậy tính tiền thu % quản lí sẽ là gần 25.000.000đ. Trong khi đó, giáo viên đứng lớp dạy thì tính ra thu nhập thấp hơn nhiều lần. Thế mới biết vì sao hiện nay nhiều thầy cô giáo không muốn dạy thêm trong trường mà cố tìm cho mình vài ba mối dạy thêm ở ngoài trường, hay mở lò dạy thêm tại gia. Vừa chủ động về thời gian, vừa có cơ hội mở rộng mối quan hệ, vừa không bị nhà trường quản lí, lại vừa không bị “bớt xén” thu nhập!!!
Người Việt Nam ta đã từng có câu “ở trong chăn mới biết chăn nhiều rận”. Bạn có làm nghề giáo, có chứng kiến những điều bất cập kéo dài, mới thấy bất bình và thông cảm với những nỗi khổ sở của họ, và sự đè nén kéo dài sẽ thật sự trở thành bi kịch cho những ai dám đấu tranh!!!.
Nói lên và viết lên những điều này, “người trong cuộc” đâu có muốn “vạch áo cho người xem lưng” , nhưng đó là một sự thật đắng cay không thể giãi bày cùng ai, ngoại trừ người bạn mang tên Dân trí...
Anh Minh
LTS Dân trí- Bài viết trên đây của “người trong cuộc” nhấn mạnh thêm những điều bức xúc phải đối mặt hằng ngày của những người làm Thầy. Đấy không chỉ là những khó khăn trong đời sống hay áp lực công việc, mà còn là những bất công vô lý trong cung cách đối xử và quản lý chuyên quyền, vụ lợi đã trở thành khá phổ biến ở không ít cơ sở giáo dục hiện nay.
Cách quản lý ấy thể hiện rõ sự tự tư tự lợi của những người lãnh đạo quản lý nhà trường, tạo ra sự chênh lệch lớn về thu nhập (ngoài lương) giữa những người có chức có quyền với những giáo viên bình thường, nhất là những giáo viên dạy “môn phụ” như bài viết trên đây đã phản ảnh.
Đấy là tình hình thực tế ở nhiều cơ sở giáo dục đã từng được phản ảnh trên Diễn đàn Dân trí. Mong rằng Bộ GD-ĐT cũng như Sở GD và Phòng GD các địa phương quan tâm nhiều hơn đến thực trạng này, tăng cường công tác giám sát và quản lý, nhằm thật sự phát huy dân chủ, lập lại nền nếp, kỷ cương làm việc công khai, minh bạch đối với các khoản thu, chi của nhà trường.
Làm được điều này chính là trả lại đời sống tinh thần lành mạnh cũng như sự đối xử công bằng trong môi trường giáo dục, giúp cho các thầy cô giáo yên tâm phấn đấu bằng chính năng lực chuyên môn và tâm huyết của mình đối với nghề giáo.