Sự “cộng hưởng” đáng giá…

Sức mạnh cộng hưởng trong báo chí điều tra đã được thể hiện qua hiệu lực xã hội cao của những loạt bài gây được tiếng vang lớn trong dư luận thời gian qua. Có những oan khuất được xóa bỏ, có những tội ác được phơi bày, có những sự thật được phanh phui… nhờ vào sức mạnh cộng hưởng của báo chí, nhờ vào sự liên kết, hợp lực trong báo chí điều tra.

Sự “cộng hưởng” đáng giá… - 1

Nhà báo Hoàng Linh - báo Người Cao Tuổi: “Cộng hưởng” chứ không phải là “đánh hội đồng”

ừ thực tế làm báo chí nhiều năm cho thấy, “sự cộng hưởng trong báo chí điều tra” là điều rất quan trọng. Khi có nhiều cơ quan báo chí vào cuộc trong một sự việc, hiện tượng, cụ thể là một vụ việc, sẽ có cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn. Khi đó, các kết quả điều tra được xem xét ở nhiều góc độ, rồi mới quy tụ lại để quy chiếu bằng các quy định của pháp luật, từ đó xem xét các hành vi của tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật không? Vi phạm ở mức độ nào?… Như vậy mới đem đến cho dư luận những thông tin chính xác nhất. Một điều quan trọng hơn cả, đó là “sự cộng hưởng trong báo chí điều tra” sẽ giúp các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực điều tra chống tiêu cực, tham nhũng giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu sự nguy hiểm khi đứng trước nguy cơ bị trả thù, hoặc bị đối tượng hành hung nhằm ngăn chặn báo chí phanh phui vụ việc. Cũng có khi nhiều nhà báo vào cuộc một vụ việc cũng giúp nhau kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, tránh tình trạng “vô tình vi phạm pháp luật” khi tiến hành điều tra vụ việc.

Sự “cộng hưởng” đáng giá… - 2

Đương nhiên, một tiếng nói không thể mạnh bằng nhiều tiếng nói cất lên cùng lúc. Khi đó sự cộng hưởng về dư luận rất cao, giúp nhà báo vững vàng hơn, tỉnh táo hơn khi tác nghiệp. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thấu đáo về “sự cộng hưởng trong báo chí điều tra”, ở đây cần phải khẳng định rằng, đó không có nghĩa là “đánh hội đồng” như lâu nay chúng ta vẫn thấy hiện tượng một số phóng viên các báo rủ nhau “đánh” một đơn vị, doanh nghiệp… mà mục đích thì không hẳn là để chống tiêu cực, tham nhũng. Điều này tối kị trong hoạt động báo chí điều tra. “Cộng hưởng” ở đây cần được hiểu là cùng cất lên tiếng nói, nhằm hỗ trợ nhau mà ở đây các nhà báo, các cơ quan báo chí cùng hướng tới mục tiêu là tìm ra sự thật, phanh phui ra những hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Điển hình như khi Báo Người cao tuổi vào cuộc điều tra về những sai phạm xảy ra ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, liên quan đến ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng và một số cán bộ trong “bộ sậu” của ông Nam. Ban đầu cùng với Báo Người cao tuổi có một số tờ báo khác cùng lên tiếng như: Văn nghệ trẻ, Petro Times… tạo nên một dư luận khá lớn, khiến bộ sậu của ông Nam như ngồi trên đống lửa. Họ tìm mọi cách chống đỡ, thậm chí lập cả một đoàn đến các báo để dọa nạt, không xong thì xin xỏ…nhằm ngăn không cho báo chí tiếp tục nữa. Thế nhưng, khi họ phản ứng dữ dội như vậy, thì càng nhiều sơ hở, đó là cơ hội để các nhà báo khai thác thông tin, tư liệu, bằng chứng… Khi dư luận đã “nóng” lên, thì không còn là chuyện nội bộ của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hoặc của Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa. Kết quả, ông Nguyễn Văn Nam bị kỉ luật, một số cán bộ liên quan cũng bị kỉ luật, thu hồi về cho Nhà nước hơn chục tỉ đồng, trong đó có 7 tỉ đồng truy thu thuế…

Qua nhiều năm làm nghề, tôi có thể nói rằng, sự “cộng hưởng” của báo chí Việt Nam là có nhưng chưa hiệu quả bởi lẽ: Các báo đều có một cơ quan chủ quản là một Bộ, hoặc một Hội… liên quan đến từng ngành, từng lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do đó, khi đụng đến vụ việc của ngành nào đó, hoặc lĩnh vực nào đó, thì báo chí của ngành, lĩnh vực đó hoặc là lặng im, hoặc thậm chí “lội ngược dòng”. Trên thực tế, phần lớn các nhà báo chỉ dừng ở việc “rủ nhau” đi “đánh” một vụ việc nào đó, mà thiếu đi sự tổ chức chặt chẽ cần có với góc độ là mục tiêu trong sáng. Thực tế, chưa có giáo trình nghiệp vụ nào phân tích, hướng dẫn sâu về vấn đề này. Có nghĩa là các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực điều tra ở nước ta chưa có nền tảng cơ bản về “sự cộng hưởng trong báo chí điều tra”, dẫn đến dù có nhiều báo lên tiếng cùng một vụ việc, sự việc, hiện tượng, thì phần lớn cũng chỉ là ở dạng tự phát, hoặc tự do.

Vì vậy, để “sự cộng hưởng trong báo chí điều tra” thực sự có hiệu quả, bổ ích và tuân thủ đúng pháp luật, rất cần có một bộ quy chuẩn cơ bản về vấn đề này. Xin dành cho những nhà nghiên cứu, các GS.TS, chuyên gia trong lĩnh vực báo chí quan tâm…

Nhà báo Việt Tùng - báo Nông Thôn Ngày Nay: Sự “cộng hưởng” đã có nhưng chưa hiệu quả

“Cộng hưởng”! Khi nhắc đến hai từ này, chúng ta đã thấy được vai trò và ý nghĩa của nó, đó là cộng thêm sức mạnh. Bạn hỏi câu này, khiến tôi nhớ đến câu chuyện “Bó đũa”. Tất nhiên, ngoài ý nghĩa tương tự câu chuyện Bó đũa, trong báo chí, sự cộng hưởng còn có một ý nghĩa khác và mang lại một giá trị khác. Đặc biệt, trong báo chí điều tra, sự cộng hưởng là một trong những yếu tố rất quan trọng làm nên thắng lợi của loạt bài, của vấn đề được phản ánh. Vì thế tôi cho rằng, sự cộng hưởng, cùng vào cuộc của các phóng viên, nhà báo, của các cơ quan báo chí trước một vấn đề là rất cần thiết và điều này nó đã và đang làm nên sức mạnh, sức nặng của báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra.

Tôi ví dụ, như vụ Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào khu Đặc quyền Kinh tế của nước ta và sự “cộng hưởng” của báo chí, của dư luận đã được phát huy, khi góp phần quan trọng trong việc buộc TQ phải rút giàn khoan trái phép này ra khỏi vùng biển Việt Nam. Và vụ gần đây nhất là vụ “Cá chết hàng loạt trên sông Bưởi”. Sau khi vụ việc xảy ra, xác định đây là một vụ việc nghiêm trọng, nghi có công ty xả thải tôi đã lên đường về Lạc Sơn (Hòa Bình) để điều tra. Sau khi báo chí phản ánh, Công ty Mía đường Hòa Bình đã phải thừa nhận xả thải ra sông Bưởi, gây nên tình trạng cá chết hàng loạt. Song bằng con mắt và linh tính nghề nghiệp, tôi đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là công ty duy nhất xả thải ra sông Bưởi, bởi gần đó còn có một nhà máy sắn và một trại lợn rất lớn. Tôi vào cuộc điều tra và phát hiện ra những sự thật “động trời” ở hai công ty mới này.

Sự “cộng hưởng” đáng giá… - 3

Sau khi loạt bài điều tra này đăng tải, cùng với những clip sát thực, các phóng viên, nhà báo của báo khác cũng vào cuộc và cuối cùng Tổng Cục môi trường (Bộ TNMT) đã vào cuộc kiểm tra. Kết quả, ngoài Công ty Mía đường Hòa Bình bị phạt 1,8 tỷ đồng, thì Nhà máy sắn cũng bị phạt 1,9 tỷ đồng và trại lợn bị phạt 194 triệu đồng.

Trong thực tiễn nghề nghiệp, xu hướng liên kết, hợp tác, hợp lực chính là yếu tố tạo nên sự “cộng hưởng” như tôi đã nói ở trên. Nói hiệu quả là có, nhưng thực sự hiệu quả ở Việt Nam thì chưa. Theo tôi, để mối liên kết này hiệu quả, đòi hỏi các phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp phải thực sự công tâm, trung thực, vì thông tin, vì bạn đọc. Còn đối với các cơ quan báo chí để mối liên kết này hiệu quả, ngoài công tâm, trung thực, vì thông tin, vì bạn đọc, còn cần có một quan điểm chung, nhất quán và một bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp kiên định. Tôi “mạo muội” nói vậy, bởi trên thực tế báo chí hiện nay đang có rất nhiều “trường phái”, “tông màu” khác nhau.

Có nhiều phóng viên, nhà báo rất máu nghề, họ gian khổ điều tra vì mong tìm ra chân lý, bảo vệ lẽ phải. Nhưng cũng có không ít phóng viên, nhà báo đang có xu hướng “Gió chiều nào che chiều ấy”, “Té nước theo mưa” hay “Theo đóm ăn tàn”… Có nghĩa, nhiều phóng viên, nhà báo, nhiều báo vào điều tra một vụ việc sai trái nhằm làm sáng tỏ, thì một số phóng viên, nhà báo, báo khác lại vào viết theo chiều ngược lại có lợi cho tổ chức, cá nhân đang bị phanh phui. Việc làm này không chỉ khiến cho tính liên kết bị phá vỡ, mà còn gây nên sự chia rẽ, “hỗn loạn” trong thông tin báo chí.

Nhà báo Anh Thế - báo Điện tử Dân Trí: Nhiều cơ quan báo chí cùng đồng hành thì đó là một thắng lợi

Một vấn đề được nhiều cơ quan công luận vào cuộc chắc chắn sẽ trở thành vấn đề thời sự, nóng gây áp lực buộc các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết để thoả mãn đòi hỏi về sự thật minh bạch của công luận. Những loạt bài điều tra hay, chính xác và công phu, góp phần quan trọng vào sự thay đổi một góc nhìn, một tư duy, một điều luật, thậm chí cả một chính sách…Một số vụ việc điển hình báo điện tử Dân trí phát hiện, dấn thân thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan thông tấn báo chí khác vào cuộc như 194 phố Huế, vụ giải cứu hơn 10 hộ dân 146 Quán Thánh…Tuy nhiên, cũng có vụ việc, báo Dân trí vào cuộc điều tra và đeo bám độc lập với khoảng 60 bài báo giành chiến thắng như vụ áp thuế 5,7 tỷ xuống 0 đồng vừa kết thúc tại tỉnh Lâm Đồng.

Vụ việc này sau loạt bài điều tra của báo Dân trí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo làm rõ. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà chỉ đạo lập đoàn thanh tra vào ngay Lâm Đồng. Sự việc này đã thu hút được không chỉ dư luận mà còn các tờ báo, các đồng nghiệp. Một số cơ quan báo chí khác cũng vào cuộc ở phần kết sự việc như báo Lao động, báo Công an TP HCM, góp phần chung tay đưa sự thật đến công luận rộng rãi hơn cũng như gây áp lực buộc tỉnh Lâm Đồng phải xử lý những cá nhân gây sai phạm một cách nghiêm khắc. Khi các nhà báo vào cuộc tạo nên được một sức mạnh cộng hưởng, hướng đến mục đích cuối cùng là cung cấp một cách đầy đủ, chính xác thông tin cho độc giả. Sự cộng hưởng ấy là rất quan trọng.

Sự “cộng hưởng” đáng giá… - 4

Tất nhiên để có được sự cộng hưởng trong loại hình báo chí điều tra với các vụ việc lớn, có ảnh hưởng dư luận thì yêu cầu bắt buộc phải có được một cơ quan báo chí dấn thân, gọi nôm na là “phanh phui” sự việc, đeo bám sự việc là xương sống cho vụ việc đó. Các cơ quan báo chí khác cộng hưởng ở một giai đoạn được gọi là sự đòi hỏi của dư luận và nhu cầu thông tin từ chính những cơ quan báo chí đó phải vào cuộc. Đặc trưng của báo chí điều tra không phải là các đề tài mang tính thời sự nên nó có tính độc lập, độc quyền và dấn thân rất cao. Khi mà một đề tài điều tra xuất phát ban đầu là độc quyền, đến một giai đoạn mà nhiều cơ quan báo chí khác cùng vào cuộc đồng hành thì đó là một thắng lợi vì nó đã tạo được ảnh hưởng trong dư luận xã hội và như vậy khả năng chiến thắng trong vụ việc đó đương nhiên sẽ cao hơn.

Việc cộng hưởng của nhiều cơ quan báo chí trong một vấn đề điều tra ì chắc chắn có hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, nhiều vụ việc vừa qua báo chí đã rất có trách nhiệm, với những vụ việc lớn ít có tờ báo nào đứng ngoài cuộc, vì đứng ngoài cuộc đồng nghĩa với việc là bạn đọc bỏ rơi, như vụ “cafe xin chào” chẳng hạn. Đó chính là điển hình của sức mạnh cộng hưởng của báo chí Việt Nam.

Theo Hà Vân

Báo Nhà báo và Công luận