Bạn đọc viết:

Sự chua xót của một nhân chứng với vụ mất xe ở nhà hàng My Way

(Dân trí)- Khi bạn tôi, anh Vũ Song Toàn, điện thoại hỏi địa chỉ cụ thể nhà của tôi để ghi tên tôi vào mục “Người làm chứng” trong “Đơn khởi kiện” Công ty cổ phần My Way Hospitality ra Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội, tôi thấy lòng mình như có ai cứa xé.

Sự chua xót của một nhân chứng với vụ mất xe ở nhà hàng My Way - 1
Xe máy là một trong những phương tiện mà các đối tượng trộm cắp
hay "ngắm" đến. (Ảnh: Internet)

Chiếc lạt tre sắc lẻm ấy, nó cứa nhẹ thôi, buốt đau cũng nhiều nhưng sự tê dại, ớn lạnh, ghê răng từ nó còn nhiều hơn. Các cụ bảo, “một đời kiện - chín đời thù”. Nếu ra tòa lần này, thì là lần đầu tiên trong đời tôi được (bị) tòa triệu tập. Mà cái chuyện ba mặt một nhời thế, toàn người có vị thế xã hội thế, sao phải ứng xử với nhau cạn tàu ráo máng đến nỗi phải ra vành móng ngựa thế nhỉ?

Tôi là người bạn đầu tiên của Toàn có mặt ở hiện trường vụ mất chiếc xe Honda PS (nghe nói, nếu mới, nó khoảng 130 triệu đồng). Với tôi, xe máy giá đó là “siêu đắt đỏ” rồi, vì chiếc ô tô đầu tiên tôi sở hữu, khi bán, vẫn đi xuyên Việt tốt, cũng chỉ có giá là 130 triệu đồng, và giờ một người bạn tôi vẫn lang thang chụp ảnh khắp Bắc Nam với chiếc xe đó… Từ đó đến nay, cách đối xử hống hách, lươn lẹo của nhà hàng My Way (nơi xảy ra vụ  mất xe) khiến cho tôi và Toàn không thể chấp nhận được.

Tôi và Toàn, từ chỗ muốn dĩ hòa vi quý, cảm thông với nhà hàng này cũng như tổ bảo vệ là người làm thuê nghèo khó (như các cậu ấy trình bày hoàn cảnh khi sự việc xảy ra), đã cực lực bất bình. Tôi quyết đưa Toàn đến gặp luật sư làm thủ tục khởi kiện cái công ty phụ trách nhà hàng đó. Lý do: không nên để trong cuộc đời có những bất công đến mức ấy. Chúng tôi đi kiện, chỉ với một tâm nguyện, muốn công lý được thực thi, muốn hàng trăm hàng nghìn vụ mất xe khác cần được “xử” đàng hoàng, thấu tình đạt lý.

Chúng tôi không cần lấy lại chiếc xe đắt đỏ đó nữa, kể cả khi công an tìm thấy nó, dù nó bị kẻ cắp bẻ khóa dắt đi thật, hay nhân viên nhà hàng ỉm nó ở đâu rồi bảo chúng tôi là mất trộm. Chúng tôi cũng sẽ đem cái khoản tiền mà nếu như nhà hàng My Way phải “đền” để cho những người ăn xin tội nghiệp ở ngoài phố phường Hà Nội… Chúng tôi muốn làm như vậy, để nói rằng, cái chúng tôi cần là công lý, chứ không chỉ là nỗi xót xa tài sản của mình bị người ta làm mất rồi phớt lờ, vênh váo thách thức dư luận kiểu trọc phú (những gì chúng tôi nghe được, không tiện kể thẳng ra đây).

Cần nói thẳng rằng, chúng tôi là khách hàng hết sức quen thuộc của nhà hàng này, dù đắt đỏ. Nhưng khi bạn đi uống càphê hay ăn bánh pizza mà không cần quan tâm đến hóa đơn tính tiền lắm, thì My Way là chỗ thư giãn và tiếp khách khá ổn. Đến nơi, có bảo vệ chỉ chỗ đỗ xe, có em gái xinh đẹp mở cửa kính giơ tay chỉ lối vào chỗ ngồi, chỉ cả bàn nào góc nào thì được hút thuốc, bàn nào thì khi ngồi đó dù anh không hút thuốc cũng đỡ phải chịu trận bởi những cái lò bát quái nhả khói mất lịch sự.

Em lịch sự lắm, áo đỏ, chít chẽn kiểu Tàu. Hình như các em, các cậu bảo vệ cũng nhớ mặt chúng tôi cả. Cuộc sống thị dân hơi thời thượng cứ thế trôi qua, đồ ăn thức uống không tồi, thái độ với khách có vẻ lễ phép - cho đến khi đột ngột chiếc xe máy của Vũ Song Toàn không cánh mà bay.

Toàn gọi ngay cho tôi. Vì quen lối đến nhà hàng, vì đang đón con học ngoại ngữ ở APOLLO phố Thái Hà gần đó, tôi có mặt ngay lập tức. Và, nhân chứng bất đắc dĩ như tôi, đã phải đi từ cay đắng này đến cay đắng khác, khi nghĩ về cái cách mà không ít doanh nghiệp đang ướp ủ trong họ, khi họ ứng xử một cách đáng lên án với khách hàng.

Tôi thật sự không hiểu nổi, cái cách mà các ông chủ My Way phớt lờ câu chuyện, mặc kệ nạn nhân trong vụ mất xe này. Nói thật, đây không phải xe của tôi, Toàn cũng không liên quan đến kinh tế hay quan hệ xã hội của tôi, tôi bất bình chỉ vì cái chuyện khó tin kia hóa ra lại lù lù hiện ra trước mặt mình. Tôi cay đắng ở cái lẽ hành xử của con người. Nói thẳng như thế để thấy rằng, cái cách chúng tôi khởi kiện My Way, là cách để tìm chân lý cho chúng tôi và cho hàng trăm hàng nghìn người mất xe khác trong trường hợp tương tự (mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt).

Khi làm việc với Trưởng Công an phường Trung Hòa (nơi chúng tôi trình báo và theo đuổi, gặp gỡ để hỏi về vụ mất xe của mình), thì được biết, trong khu vực mất xe khá nhiều, trộm toàn lấy xe dạng sang trọng kiểu PS và SH. Chưa vụ nào tìm ra thủ phạm. Lúc nào cũng đang điều tra và chờ kết quả.

Trưởng Công an phường còn cho biết, camera tự động ở khu vực chung cư (nhà hàng là tầng trệt của chung cư cao tầng) đó có quay được cảnh trộm dắt xe đi. Than ôi, hình ảnh rõ thế mà không tìm được thủ phạm ư? Lại nghe, chính cán bộ công an phường cũng từng mất trộm xe, ngay ở “khu vực” cơ quan.

Bọn trộm thì sợ quá rồi, bọn chúng nằm ở cống ngầm ô uế của bất cứ xã hội nào. Nhưng, sợ hơn là sự lẩn trốn trách nhiệm một cách thớ lợ của cán bộ liên quan trong vụ này. Khi tôi có mặt, vụ mất xe vừa được phát giác, tôi gọi ngay cho Phó Công an phường Trung Hòa, người thân của Toàn cũng gọi trực tiếp cho Trưởng Công an phường ấy. Chỉ tiếc, chờ mãi, cả tiếng đồng hồ mới có một anh tự xưng là cảnh sát hình sự đến, không nói mình tên là gì, cũng chẳng nói gì với chúng tôi, anh hỏi vài câu rồi đi.

Và đến giờ phút này chúng tôi chưa bao giờ được vinh dự gặp lại anh. Cũng chưa bao giờ có một ai đó tự xưng là người ở My Way liên lạc với chúng tôi, ngoài một lá đơn đồng kính gửi ông bạn tôi (sau khi Toàn phản ánh vụ việc lên báo điện tử Dân trí, khiến doanh nghiệp này phải… lấp liếm bằng một cái công văn).

Ngay sau khi mất xe, tôi và Toàn đã phải đến công an phường viết đơn và trình báo đủ thứ, mãi 15h chiều mới được ăn trưa! Thế nhưng, chúng tôi chỉ trình báo một mình với trực ban công an phường mà thôi, trong suốt nhiều tiếng đồng hồ ngồi trình báo, đại diện nhà hàng không thèm đến.

Đến giờ, chúng tôi cũng không hiểu My Way đã bao giờ trình báo, trình bày gì với công an phường hay chưa? Phường có gọi họ lên không? Khoảng 2 tuần sau, khi chúng tôi được Trưởng Công an phường mời gặp, thì được đồng chí tư vấn, chúng tôi cần phải cho biết, yêu cầu của “nạn nhân” đền bao nhiêu phần trăm trong số trị giá chiếc xe kia? Mức yêu cầu đó, sẽ được các đồng chí nói với My Way, xem họ đồng ý không, họ đồng ý bao nhiêu, để hai bên thương thảo có thể ngồi lại với nhau.

Tôi chua xót nghĩ tới một sự mặc cả giữa đơn vị đánh mất xe của khách và… nạn nhân. Mà tại sao họ không ra mặt trò chuyện với chúng tôi? Chúng tôi có phải những người đi ăn xin đâu? Chúng tôi có nghèo đói đến mức đi mặc cả danh dự của mình để lấy vài đồng tiền của doanh nghiệp đâu?

Tất cả thiện chí, cảm tình của chúng tôi với My Way hoàn toàn bị tan biến. Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) trên Dân trí đã nói về việc vô trách nhiệm của My Way với khách hàng, lại là khách hàng quen.

Ông Tú cũng khuyên khách hàng nên tẩy chay những nhà hàng như My Way, vì họ không thừa nhận trách nhiệm trong việc trông xe rồi để mất xe của khách. Ông Tú thở dài: làm gì có ai vừa uống cà phê với giá cắt cổ lại vừa trông xe được cơ chứ?

Mỗi lần nghĩ đến vụ việc, tôi lại bị ám ảnh bởi buổi trưa đói rạc người đi khai báo đủ thứ với công an, mà mấy tháng qua không được ai hồi âm - Không biết các đồng chí có điều tra thật không? Họ có cần hỏi thêm chi tiết gì xung quanh vụ việc không? - bởi, tôi là nhân chứng, Toàn là nạn nhân mà, hình dạng, lai lịch, giấy tờ cái xe Toàn là người biết rõ hơn ai hết mà (nay có tên trộm có thể biết rõ hơn!). Lại nữa, sau khi mất xe, các đại diện của My Way lúc ấy đã hứa với chúng tôi đủ thứ, đã “xin” chúng tôi thông cảm đủ thứ, rồi “lâu lâu phân trâu hóa bùn”, hòa cả làng được ư?

Nếu ngày mai, cái xe máy, ô tô của tôi, của Toàn hay của ai đó lại biến mất. Liệu tất cả có gặp cái kiểu ứng xử như My Way để rồi tay trắng lủi thủi ra về không nhỉ? Không chỉ là lo toan cho sự bất trắc của tài sản đâu, mà cái oan ức của vụ trộm xe PS ở My Way kia đã ám ảnh tôi bởi cái lẽ “chân lý thuộc về ai” nữa.

Ấy là câu chuyện về sự công bằng, về những tiền lệ xấu cho một xã hội tiến bộ. Rất may, tôi, theo “bệnh  nghề nghiệp” của gã làm báo, đã ghi âm được toàn bộ tiến trình vụ việc, kể từ giây khắc đầu tiên tôi có mặt ở hiện trường vụ mất xe. Điều này khiến cho không ai có quyền bác bỏ việc mất xe là có thật, và trách nhiệm của My Way trong việc này là có thật nữa. Ngay khi có mặt, tôi đã bật máy ghi âm, hỏi cô lễ tân dẫn khách vào quán, cô này tên Thúy, trong băng ghi âm, cô thừa nhận có việc anh Toàn dắt xe vào cửa quán, cô chỉ chỗ cho anh Toàn ngồi, chỉ đúng chỗ được phép hút thuốc lá, xe đó hình như là PS hay gì đó (cô đưa từ trí nhớ của mình ra tên 2 loại xe, trong đó có PS).

Đại diện tổ bảo vệ, đại diện quản lý nhà hàng, suốt cả tiếng đồng hồ phân trần, van xin, thừa nhận là chuyện không ai muốn đã xảy ra, việc anh mất xe là có thật, xe PS đúng rồi, chúng em biết thế, không nghi ngờ gì, vấn đề là ngồi lại với nhau để giải quyết. Công an phường (anh Nam) đến hỏi han, nhìn hệ thống camera tự động, phán đủ thứ, trong đó có chất vấn các nhân viên kể trên, tất cả đều thừa nhận với công an việc mất xe và đề xuất hướng xử lý.

Sau đó, chúng tôi còn ghi âm việc đại diện “cấp cao” của My Way thừa nhận có vụ mất xe, hứa sẽ “không để khách hàng phải thất vọng”. Tuy nhiên, đó chỉ là lời hứa, mấy tháng qua, chúng tôi vẫn chưa được “vinh dự” tiếp xúc trực tiếp với My Way một lần.

Tôi và Toàn tự hỏi, đất nước này có bao nhiêu người oan khuất như chúng tôi, đi nhà hàng đắt tiền, được người ta trông xe với giá dịch vụ đắt đỏ, rồi xe mất, người ta phủi tay bảo… hãy đợi đấy. Liệu chúng tôi có quyền nghi ngờ bảo vệ của nhà hàng bắt tay với “đạo tặc” bóc lột tài sản của chúng tôi không? Liệu có ai đó mặc kệ chúng tôi, rồi biến việc mất cắp này thành chuyện thường ngày, rồi thách thức vểnh râu “con kiến mà kiện củ khoai” không? Liệu chúng ta có còn luật pháp nữa hay không, khi để mặc cho những vụ việc như thế này rơi vào cảnh… “biết rồi khổ lắm nói mãi”?

Một lần đi gặp luật sư, ủy quyền toàn bộ vụ việc cho họ, “hết bao nhiêu tiền chúng tôi sẽ thanh toán, chúng tôi chỉ cần chân lý”, tôi và Toàn đã thống nhất, dù tìm được xe, dù họ đền, thì ta đem tiền đó làm từ thiện. Nếu chỉ vì “đôi co” với doanh nghiệp làm ăn kiểu chộp giật kia để lấy chiếc xe máy thì tôi với ông bận gì phải khổ thế nhỉ? Chúng ta đang “đáo tụng đình” để tìm cái gì nhỉ?

Toàn thở dài, tôi chỉ cần tìm công lý, chẳng thà xe để ngoài bờ hồ, gốc cây, bị chúng nó “mượn quên không hỏi chủ” thì còn đỡ tức. Đằng này vào nhà hàng sang trọng, mình là “thượng đế” hẳn hoi, xe biến mất, công an bảo có camera quay được, thế mà không ai nói với mình một câu, rằng tôi tìm cho ông vất vả quá mà chưa thấy, ông có giữ ảnh cái xe của ông không để tôi so đọ nó với các cái xe khả nghi khác. Cũng không ai xin lỗi hay phân trần, không ai đền đáp hay… ít ra là có ai lên tiếng tố cáo mình vu oan cho họ cái tội “làm mất tài sản của khách”. Cứ im lặng. Tôi thấy xấu hổ, thấy bị xúc phạm.

Tôi giật mình, cái từ tôi tìm đã hiện ra. Đúng là tôi tê tái đau thay cho Toàn, tôi thấy xấu hổ. Luật sư Tú bảo, những vụ thế này nhiều lắm, nhưng chưa ai kiện, nên nó cứ thế diễn ra, dù rất đau lòng, rất vô lý.

Chúng tôi xin nộp toàn bộ giấy tờ xe còn giữ được, toàn bộ hóa đơn chứng từ, toàn bộ băng ghi âm, hình ảnh về đầu đuôi vụ việc cho cơ quan chức năng. Chỉ mong có được một phiên tòa công minh chính trực, mong có được chân lý trong cái việc người ta trông xe cho mình mà đến khi mất lại phớt lờ rồi thái độ thách thức như kiểu My Way đang ứng xử với chúng tôi.

Chúng tôi kiện không để tìm lại, đòi lại tài sản đã mất. Chúng tôi muốn được nghe chân lý, nghe thấy sự công bằng của luật pháp, sự nỗ lực của cơ quan Công an trong việc giúp đỡ những công dân lương thiện như chúng tôi khi vụ trộm “chẳng may” xảy ra.

Sự im lặng chờ đợi trong tuyệt vọng của chúng tôi thời gian qua, chỉ có thể nói là một sự đáng xấu hổ, đáng thất vọng. Nó biểu hiện một cái gì đó thiếu nhân văn, thiếu nhân ái, thiếu công bằng. Nó là thứ không mong muốn trong việc vươn tới một cuộc sống mà các giá trị quý hóa không thể bị đánh tráo.
Hà Nội, ngày 27/4/2011
Tản mạn của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng