Đắk Nông:

Sông Krông Nô oằn mình chịu nạn “cát tặc” hoành hành

(Dân trí) - Gần 100 hộ dân ở dọc bờ sông Krông Nô đoạn qua xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ trước tình trạng “cát tặc” lộng hành, gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng, nhưng các ngành chức năng của huyện Krông Nô và tỉnh Đắk Nông chưa có biện pháp ngăn chặn và xử lý triệt để.

Theo phản ánh của các hộ dân xã Buôn Choáh, mỗi ngày có khoảng 70-80 tàu bè, xà-lan (lúc cao điểm hơn 100 tàu) các loại với công suất lớn, tải trọng lớn quần thảo khúc sông này. Các tàu này chủ yếu từ phía bên bờ sông thuộc huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) chạy sang bên bờ sông thuộc địa phận xã Buôn Choáh hút cát chở về.

hang-tram-xa-lan-hut-cat-tren-song-07173

Hằng trăm xà lan vô tư hút cát trên sông Krông Nô.

Việc khai thác cát diễn ra ngang nhiên, ồ ạt giữa ban ngày, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông và cuốn trôi toàn bộ diện tích đất sản xuất, hoa màu của người dân. Ông Lữ Thanh Bình - một người dân sinh sống ở gần bờ sông dẫn chúng tôi ra tận nơi sạt lở, phản ảnh:  Trước đây, mặt sông rộng chỉ chừng 20-30m. Khoảng 3năm nay, mặt sông giờ đây đã bị sạt lở ăn sâu vào bờ hơn 100m, lòng sông bị biến dạng mạnh, nhiều đoạn sạt lở tạo thành những vực sâu, sụt lún rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, tiếng nổ mìn, tiếng máy móc gầm rú hút cát inh ỏi suốt cả ngày lẫn đêm.

“Nhiều người bức xúc phản đối thì bị các chủ tàu, công nhân làm thuê chửi bới, đe doạ, hành hung, bất chấp pháp luật. Thậm chí nhiều tàu còn mang theo mã tấu, tuýp sắt gậy gọc sẵn sàng uy hiếp, gây áp lực với các hộ dân sinh sống gần bờ sông, làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Bà con nhân dân rất bức xúc nhưng đành bất lực, không thể làm gì được bọn chúng…”, ông Bình bức xúc.

 

bo-song-bi-sat-lo-nghiem-trong-8c23b

Bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng vì nạn "cát tặc".

Ông Dương Văn Lực - Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh - cho biết: Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô diễn ra từ nhiều năm nay, tác động tiêu cực đến địa phương. Điều đáng nói là chính quyền địa phương cũng như người dân đã nhiều lần kiến nghị, gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh nhưng không hiểu sao đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Mới đây, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Krông Nô, Phòng TN&MT huyện tiến hành kiểm tra, xử lý một số trường hợp vi phạm, nhưng sau đó mọi việc đâu lại vào đấy. Tình trạng khai thác cát trái phép không những không giảm thiểu mà ngược lại ngày càng diễn biến phức tạp hơn”, ông Lực cho biết thêm.

Thượng tá Bùi Ngọc Tiến - Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: Hiện trên địa bàn huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động khai thác cát dọc bên kia bờ sông Krông Nô, thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk với gần 150 tàu bè, xà-lan các loại. Lợi dụng địa hình sông nước, địa bàn giáp ranh, các tàu bè, xà-lan của các doanh nghiệp, hợp tác xã khai cát ở huyện Krông Ana đã ồ ạt chạy sang bên này bờ sông Krông Nô, thuộc địa phận của tỉnh Đắk Nông để khai thác cát trái phép. Hầu hết các tàu bè, xà-lan đều dàn hàng ngang, đứng cách bờ từ 20-30m, dùng vòi rồng đưa sang địa phận tỉnh Đắk Nông hút cát, sau đó chở về tập kết tiêu thụ ở tỉnh Đắk Lắk. Mỗi xà-lan chở được khoảng từ 50 đến 70m3 cát, thời gian khai thác cát chủ yếu tập trung từ 2 giờ sáng, vào buổi trưa và chập choạng tối.

Cũng theo Thượng tá Bùi Ngọc Tiến, tình trạng trên diễn ra trong một thời gian dài, gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh Đắk Nông. “Việc tiến hành kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng này là rất khó, bởi khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, các xà-lan này lại rút về hoạt động bên kia bờ sông thuộc địa phận của tỉnh Đắk Lắk. Khi lực lượng chức năng rút về, các xà-lan tiếp tục quay trở lại bên này bờ sông thuộc địa phận huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông hoạt động khai thác cát trái phép”, Thượng tá Tiến cho hay.

Việc “cát tặc” lộng hành trên sông Krông Nô không chỉ khiến nguồn tài nguyên bị mất, nhà nước mất một nguồn thu rất lớn cho ngân sách mà cuộc sống của gần 100 hộ dân ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô cũng điêu đứng, đảo lộn vì mất đất sản xuất do sạt lở, đồng thời còn bị “cát tặc” đe dọa, hành hung…

Chính quyền và người dân xã Buôn Choáh đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cần sớm vào cuộc, có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô, trả lại sự bình yên cho dòng sông cũng như đảm bảo an ninh trật tự và ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.

Đức Cường - Thúy Diễm