Bài 3:

Sống khổ hơn chết cạnh bãi rác khủng giữa thủ đô: Dân mời quan đến ở cùng!

(Dân trí) - Hơn 10 năm khốn khổ sống cạnh bãi rác ô nhiễm, người dân đã nhiều lần kêu cứu lên chính quyền huyện Thường Tín, nhưng câu trả lời lại theo kiểu "nước đôi" khiến họ rơi vào trạng thái tuyệt vọng!

Dân khốn khổ, chính quyền nói "nước đôi"?

Liên quan đến vụ việc Dân trí phản ánh cuộc sống “khổ hơn chết” của hơn 500 hộ dân thôn Bạch Liên, xã Liên Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội, khi phải sống cạnh bãi rác khủng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sau khi đi thực tế và lấy ý kiến người dân sống nơi đây, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Tín.

Ông Tiến thừa nhận, tình trạng điểm tập kết rác tại xã Liên Phương quá tải, ùn ứ ô nhiễm nặng xuất phát từ việc chuyển rác từ điểm trung chuyển đến bãi rác của TP Hà Nội gặp khó khăn. Ngoài ra, nguyên do một số đơn vị vận chuyển rác ở địa phương khác đổ trộm vào ban đêm.

Vị này cũng khẳng định sẽ không di dời điểm trung chuyển bãi rác tại thôn Bạch Liên đi nơi khác, bởi trên địa bàn huyện có 29 xã nhưng mới có 20 trạm, những trạm này đều đang bị quá tải.

Sống khổ hơn chết cạnh bãi rác khủng giữa thủ đô: Dân mời quan đến ở cùng! - 1
Sống khổ hơn chết cạnh bãi rác khủng giữa thủ đô: Dân mời quan đến ở cùng! - 2

Trạm chung chuyển rác chỉ cách nhà dân 50m, tường bao sơ sài, không có hệ thống tiêu thoát nước.

Tuy nhiên trước đó, trả lời một số cơ quan báo chí và người dân, ông Tiến cho biết Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đã tham mưu cho UBND huyện, lên phương án kháo sát, tìm kiếm được địa điểm mới để chuyển bãi rác này vào năm 2020. Điều này ngược với khẳng định của chính ông Tiến trong buổi làm việc với Dân trí. Lời nói "nước đôi" của người đại diện UBND huyện Thường Tín cử làm việc với báo chí, quả thực đã không thể làm thỏa mãn bất cứ ai theo dõi vụ việc.

PV Dân trí đã liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Thường Tín để làm rõ hơn về vấn đề này.

Quan tâm đến vấn đề Dân trí đăng tải, nhiều bạn đọc đã gửi về những ý kiến cá nhân (comment), như bạn đọc Lê Minh Nam với câu hỏi: “Nếu người nhà hay gia đình các ông lãnh đạo huyện ở đây thì các ông có để tình trạng này xảy ra không???”.

Bạn đọc Hien Hang Le: “Bãi rác này ở ngay sát khu dân cư tôi sinh sống. Nó thối kinh khủng. Buổi tối nhà tôi phải bê mâm cơm vào trong phòng ngồi ăn để tránh mùi thối bốc lên từ bãi rác. Con tôi ngồi học bài phải đeo khẩu trang. Lúc trước họp với dân làng đã bảo sẽ chuyển bãi rác trong năm 2020, bây giờ lại bảo không chuyển, như thế này là sao?”.

“Mùi rác bốc lên kinh khủng lắm, nó không chỉ là gây mất mĩ quan và ô nhiễm không khí mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống sức khoẻ của người dân xung quanh. Mong sao các lãnh đạo nhanh có các giải quyết để khắc phục nhanh chóng bãi rác này”, bạn đọc Nguyễn Minh Anh.

“Mỗi lần đi qua bài rác, bất cứ ai cũng đều phải bịt mũi vì không thể chịu được thứ mùi hôi thối nồng nặc này, vậy mà bà con nơi đây bị tra tấn hàng ngày suốt bao nhiêu năm nay. Mong bãi rác sớm được chuyển đi” , bạn đọc Hồng Em.

Và người dân nơi đây cũng cùng lên tiếng: “Nhà tôi ở cạnh bãi rác này. Bãi rác này xuất hiện từ năm 2010. Nhưng khoảng từ năm 2015 trở lại đây thì nó trở lên rộng lớn và hôi thối kinh khủng. Chúng tôi không thể nào thở được nữa. Cả làng tôi bị ung thư nhiều lắm rồi. Mong chính quyền hãy di chuyển Bãi rác ra xa khu dân cư đi…”, bạn đọc Su Nguyen

Ô nhiễm, bệnh tật bủa vây...

Báo Dân trí nhận được đơn cầu cứu của chị Đỗ Thị Hương, đại diện cho hơn 500 hộ dân xã Liên Phương, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của điểm trung chuyển rác tại thôn Bạch Liên (sát Trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ).

Được quy hoạch là nơi tập trung rác nhỏ lẻ của người dân xã Liên Phương từ năm 2010 nhưng khoảng từ 2016 tới nay, nơi đây trở thành điểm tập kết rác thải của nhiều xã trên địa bàn huyện Thường Tín. Lượng rác thải được đổ dồn về khu vực này ước chừng hàng chục tấn mỗi ngày, đổ tràn khắp mặt đường, bờ ruộng, kênh mương.

Sống khổ hơn chết cạnh bãi rác khủng giữa thủ đô: Dân mời quan đến ở cùng! - 3

Thửa ruộng được cấp cho các gia đình chính sách đã bị bỏ hoang từ  vài năm trước, không gia đình nào dám canh tác trên mảnh đất vốn đã ngấm đủ loại nước rác thải từ bãi rác bên cạnh

Khi trời nắng, mùi hôi thối từ bãi rác bốc lên nồng nặc bay xa hàng km, những lúc trời mưa to, do không có hệ thống cống tiêu thoát nước nên nước bẩn từ bãi rác cộng nước mưa gây ngập đến đầu gối... Bẩn thỉu, hôi thối, nơi tưởng chừng chỉ có lũ gián, chuột với ruồi nhặng sống được. Vậy mà, hơn 500 hộ dân vẫn phải chịu đựng suốt ngần ấy năm trời.

Theo Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội), sự tồn tại của trạm trung chuyển này đang vi phạm nghiêm trọng quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải, phế liệu và QCVN 07-9:2016/BXD ngày 01/02/2016 của Bộ Xây dựng về quản lý chất thải rắn…

Có mặt tại khu vực bãi rác, ghi nhận cảnh sống và sinh hoạt của người dân nơi đây, PV Dân trí không khỏi xót xa, lo lắng cho cuộc sống của họ và cả tương lai của những đứa trẻ. Khi mùi xú uế luôn thường trực trong bầu không khí mà họ hít thở hàng ngày, đến nỗi đeo 3 cái khẩu trang cũng không thể át nổi; rồi lượng nước thải đen ngòm từ bãi rác kia không có chỗ tiêu thoát sẽ lại ngấm xuống gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm…

Oái oăm thêm nữa, thửa ruộng được chính quyền cấp cho các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng nằm ngay cạnh bãi rác này nhưng đã bị bỏ hoang mấy năm nay vì không ai dám canh tác, bởi nguồn đất và nước đã bị ô nhiễm thì cây nào sống được, có sống được thì nó cũng hấp thu toàn độc chất ai nào dám ăn?

Thửa ruộng được cấp cho các gia đình chính sách đã bị bỏ hoang từ  vài năm trước, không gia đình nào dám canh tác trên mảnh đất vốn đã ngấm đủ loại nước rác thải từ bãi rác bên cạnh.

Sống khổ hơn chết cạnh bãi rác khủng giữa thủ đô: Dân mời quan đến ở cùng! - 4

Trạm gác ra vào của Khu Công nghiệp cạnh bãi rác, theo người dân cho biết người trông coi bãi rác thường xuyên ngồi ở đây để thu phí 200.000đ/xe công nông đến đổ rác nên việc quá tải do bị đổ trộm rác là không có.

Vừa nấu xong bữa tối, vợ chồng bác Lê Thị Thưởng (nhà chỉ cách bãi trung chuyển rác 50m) vội vàng bê mâm cơm vào trong màn ngồi ăn để tránh lũ ruồi, “chỉ chậm vài phút thôi là ruồi bu kín mâm cơm, mắt kém còn tưởng là mâm đựng đỗ đen!”. Đến giờ ăn, nhà nhà đều phải đóng kín cửa để hạn chế bớt mùi và khi ngồi học, các cháu học sinh đều phải đeo khẩu trang.

Bác Thưởng cho biết: "Từ năm 2016, tôi cùng vài người trong thôn đến UBND xã Liên Phương để phản ánh tình trạng ô nhiễm do lượng rác thải quá lớn, xã có cho người đến dọn dẹp song chỉ được một thời gian ngắn mọi chuyện lại đâu vào đó. Thế rồi tôi và ông nhà thấy sức khỏe kém bèn đi khám thì không may 2 vợ chồng đều bị ung thư, chúng tôi đến tuổi này chết không tiếc, nhưng thương các con các cháu tôi lắm nếu cứ phải sống ở môi trường ô nhiễm như thế này cô ạ…”

Theo chị Đỗ Thị Hương, trong năm 2018, trên địa bàn xã có 35 người chết thì có đến 24 người chết trẻ vì bệnh tật (đặc biệt tại xóm Nhỏ nằm cạnh bãi trung chuyển rác có 24 hộ gia đình thì đã có 9 người mắc bệnh ung thư).

“Trong suốt bao nhiêu năm qua, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri của UBND xã Liên Phương và UBND huyện Thường Tín, dân làng đã liên tục kiến nghị để xin chuyển trạm trung chuyển rác kiêm bãi tập kết rác thải này. Lần nào các vị lãnh đạo của UBND huyện Thường Tín và xã Liên Phương cũng phát biểu trả lời trước dân làng là đang tiến hành các công việc để di chuyển bãi rác thải rồi. Vậy mà đã bao nhiêu năm trôi qua, dân làng mòn mỏi chờ đợi đến kiệt quệ…”, chị Hương cho biết.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Ngọc Hân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm