Bài 29:
Sông Cầu đang "giãy chết": Tỉnh Bắc Ninh ra chỉ đạo "thép", quyết giải cứu
(Dân trí) - Sau gần 30 kỳ báo của Dân trí về tình trạng sông Cầu đang "giãy chết", tỉnh Bắc Ninh vừa chỉ đạo những cơ sở sản xuất chưa đạt yêu cầu về môi trường tại Phong Khê và CCN Phú Lâm phải dừng sản xuất.
Quyết không dung túng, xử nghiêm "thủ phạm" bức tử sông Cầu
Ngày 17/8/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức cuộc họp về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại CCN Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh. Sau khi nghe báo cáo của các cơ quan liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo Công an tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải đã đưa ra chỉ đạo quyết liệt.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu, đối với các cơ sở sản xuất đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường và nằm trong CCN Phong Khê I, CCN Phong Khê II; không sử dụng đất lấn chiếm hành lang đê, hành lang giao thông phải nộp hồ sơ về Văn phòng UBND tỉnh.
Đối với các cơ sở đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc Bản cam kết môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND thành phố Bắc Ninh (đối với cơ sở tại phường Phong Khê), UBND huyện Tiên Du (đối với cơ sở tại CCN Phú Lâm) trong vòng 5 ngày kể từ ngày có văn bản đồng ý cho phép nộp hồ sơ phục vụ công tác thẩm tra, xem xét việc vận hành thử nghiệm của Chủ tịch UBND tỉnh; chịu trách nhiệm kiểm tra thực tế và ban hành thông báo cơ sở có đủ hay không đủ điều kiện để vận hành thử nghiệm. Cơ sở sản xuất chỉ được vận hành thử nghiệm khi có Thông báo đạt yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nếu để các cơ sở chưa đủ điều kiện vận hành chính thức đã đi vào hoạt động bình thường.
Đối với các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư và các cơ sở xây dựng trái phép, lấn, chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và CCN Phú Lâm, huyện Tiên Du: Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh giao UBND thành phố Bắc Ninh và UBND huyện Tiên Du chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xem xét tổng thể, toàn diện để tham mưu, đề xuất hướng xử lý với Chủ tịch UBND tỉnh, xong trong tháng 8/2021.
Đối với các cơ sở sản xuất đã có chủ trương vận hành thử nghiệm hoặc đã vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý môi trường nhưng chưa đạt yêu cầu về môi trường tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và CCN Phú Lâm, huyện Tiên Du: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho các cơ sở sản xuất tạm dừng vận hành thử nghiệm; cơ sở sản xuất chỉ được vận hành thử nghiệm hệ thống khi có Thông báo đạt yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
UBND tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu thời gian tới sẽ xử lý cơ bản được ô nhiễm môi trường tại Phong Khê và Phú Lâm bằng chủ trương: Các cơ sở sản xuất chỉ được phép hoạt động khi nước thải của hệ thống phải tuần hoàn 100%, tức là không có nước thải ra ngoài môi trường. Sau đó sẽ gắn quan trắc online tại trực tiếp các cơ sở này để theo dõi thường xuyên, gửi đường truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND thành phố Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du.
Về khí thải: UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu các cơ sở phải bỏ toàn bộ lò hơi cũ, tháo dỡ ống khói và thực hiện mua hơi thương phẩm. Sau khi thực hiện nội dung này, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ làm việc trực tiếp với 14 cơ sở thực hiện bán hơi thương phẩm về 2 nội dung: Đảm bảo giá bán hơi không được thay đổi khi không có biến động về đầu vào tạo hơi: nguyên liệu, điện… đảm bảo theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc thực hiện thủ tục đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy của các cơ sở này.
Về chất thải rắn phát sinh hàng ngày: UBND thành phố Bắc Ninh và UBND huyện Tiên Du phải làm việc trực tiếp với các cơ sở sản xuất, chỉ đạo UBND phường, xã tổ chức thành lập các đội thu gom vào các vị trí quy định để các đơn vị có chức năng đến thu gom và xử lý; đảm bảo không phát sinh chất thải rắn hàng ngày tại địa phương và đề xuất phương án xử lý chất thải rắn tồn đọng tại 2 khu vực trên.
Chủ tịch TP Bắc Ninh chỉ rõ 97 cơ sở sản xuất giấy xây dựng trên đất bất hợp pháp
Trước thực trạng sông Cầu bị "bức tử" dần trở thành dòng sông chết khiến dư luận xã hội phẫn nộ, ngày 22/5/2021, UBND TP Bắc Ninh đã có công văn số 1289/UBND-TNMT gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị ngừng cung cấp điện đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai tại phường Phong Khê.
Theo đó, thực hiện thông báo của UBND tỉnh Bắc Ninh về kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tại buổi làm việc xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, UBND TP Bắc Ninh đã chỉ đạo rà soát, lập biên bản đối với các cơ sở sản xuất giấy xây dựng nhà xưởng trên đất có nguồn gốc không hợp pháp tại phường này.
Cụ thể: Tổng số cơ sở sản xuất giấy vi phạm là 97 cơ sở (100% diện tích đất là không hợp pháp). Trong đó, xây dựng trên đất nông nghiệp có 63 cơ sở; Xây dựng trên đất thủy lợi có 21 cơ sở; Xây dựng trên đất sản xuất, kinh doanh và đất thủy lợi có 7 cơ sở; Xây dựng trên đất hành lang cây xanh có 6 cơ sở.
UBND TP Bắc Ninh xác định thời gian vi phạm của 97 cơ sở sản xuất này chủ yếu từ năm 2002 đến 2006, một số trường hợp vi phạm năm 2011, 2012.
Danh sách cụ thể 97 cơ sở vi phạm được UBND TP Bắc Ninh báo cáo chi tiết gửi UBND tỉnh Bắc Ninh như: Công ty TNHH giấy Trường Phú, Công ty CP SXTM giấy Paper Việt Nam - 2, Công ty TNHH Mỹ Hương sơ sở 1, Công ty TNHH giấy Kraft Phương Yến, Công ty TNHH sản xuất giấy Hưng Thịnh Bắc Ninh, Công ty TNHH SXKD giấy Nhật Minh…
UBND TP Bắc Ninh đề xuất để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê, đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh xem xét, chỉ đạo ngành điện lực ngừng cung cấp điện đối với các trường hợp vi phạm trên.