Sóc Trăng: Một vụ kiện qua 7 năm, bản án của tòa liên tục bị "tuýt còi"
(Dân trí) - Một vụ kiện dân sự về tranh chấp giữa người được cho là chủ công ty và các thành viên trong công ty xảy ra ở Sóc Trăng hơn 7 năm qua vẫn chưa ngã ngũ, khi nhiều lần bản án sơ thẩm đều bị cấp tòa phúc thẩm tuyên hủy hoặc Viện kiểm sát kháng nghị. Vì sao lại như vậy ?
Theo đơn của Công ty TNHH Kim Anh (Công ty Kim Anh, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) và ông Đỗ Ngọc Quí (SN 1965, Tổng Giám đốc Công ty Kim Anh): Hơn 40 năm trước, hàng ngày ông Quí cùng mẹ là bà Hoàng Thị Kim Anh ra chợ bán tép (tôm) kiếm sống qua ngày. Cuối năm 1992, ông Quí thành lập DNTN Kim Anh với vốn đầu tư 100 triệu đồng. Đến năm 1994, do nhu cầu mở rộng kinh doanh nên ông Quí đã điều chỉnh vốn lên 109,8 triệu đồng và được cấp giấy phép thành lập DNTN Kim Anh.
Do hạn chế của loại hình DNTN là không được xuất khẩu thủy sản trực tiếp sang nước ngoài nên ông Quí đã nhờ mẹ là bà Kim Anh và các anh em trong gia đình đứng tên dùm làm thành viên công ty và ấn định số vốn điều lệ là 2,868 tỷ đồng. Trong đó, ngoài ông Quí còn có bà Kim Anh cùng các anh em Dương Việt Trung, Đỗ Ngọc Tươi, Đỗ Thị Ngọc Sương và Đỗ Ngọc Tài.
Theo giấy đăng ký kinh doanh, bà Kim Anh sở hữu 30,75% vốn, ông Quí 36,39%, ông Tài 11%, ông Tươi 0,94%, bà Sương và ông Trung mỗi người 10,46%. Ban đầu công ty có vốn điều lệ hơn 2,8 tỷ đồng nhưng sau 9 lần thay đổi giấy phép kinh doanh vốn tăng lên trên 113 tỷ đồng và vẫn có 6 thành viên nói trên góp vốn.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, ông Đỗ Ngọc Quí làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án xác lập quyền sở hữu toàn bộ Công ty Kim Anh cho ông, hủy tư cách thành viên của mẹ với 4 anh chị em trong Hội đồng thành viên do những người này không góp vốn vào công ty.
Trong đơn khởi kiện, ông Quí cho rằng, mẹ với các anh chị em có tên trong giấy đăng ký kinh doanh và trong điều lệ của công ty là do trước đây ông nhờ đứng tên dùm để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Trong khi đó, phía các bị đơn trình bày ngược lại rằng việc góp vốn làm thành viên sáng lập là có thật và ông Quí không trình được biên bản nào thể hiện đã nhờ người thân đứng tên nhằm hợp thức hóa thủ tục thành lập công ty.
Ngày 16/5/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm lần đầu, cho rằng các bị đơn không có giấy chứng nhận góp vốn để chứng minh là thành viên thật sự của Công ty Kim Anh. Vì vậy, HĐXX nhận định DNTN Kim Anh thành lập năm 1992 do ông Quí làm Giám đốc, hàng năm ông Quí không chia lãi nên sau đó chuyển lên Công ty Kim Anh thì tất cả vốn ban đầu với lãi phát sinh đều thuộc về một mình ông Quí.
Bản án sơ thẩm này bị Viện KSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị, phía bị đơn kháng cáo. Ngày 27/8/2012, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm, quyết định: Sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn công nhận toàn bộ số vốn góp của Công ty Kim Anh do ông Đỗ Ngọc Quí góp. Công nhận các bị đơn là thành viên hợp pháp của Công ty Kim Anh.
Tuy nhiên, bản án phúc thẩm bị Viện KSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 25/9/2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm; giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Sóc Trăng giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Ngày 13/2/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm, quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của ông Đỗ Ngọc Quí công nhận toàn bộ vốn góp của Công ty Kim Anh do ông Quí góp và ông Quí có trách nhiệm giao lại cho các bị đơn mỗi người 1% vốn điều lệ của công ty, tương ứng số tiền hơn 1,134 tỷ đồng.
Bản án này lại bị nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo; Viện KSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị.
Ngày 14/10/2016, TAND Cấp cao tại TPHCM xử quyết định hủy án sơ thẩm và giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Sóc Trăng giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, với lý do: Chưa làm rõ quyền sử dụng đất 2.360,0m2 là của bà Kim Anh hay của ông Quí để xác định tỷ lệ số vốn góp này so với tổng số vốn tại thời điểm thành lập công ty; Không định giá tài sản vốn góp ban đầu, không trưng cầu kiểm toán việc kinh doanh của công ty, không xác định lợi nhuận từng thời điểm để xác định vốn góp của các thành viên (do các đương sự đều xác định không chia lợi nhuận mà gộp vào vốn để mở rộng kinh doanh).
Ngày 7/3/2019, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm (lần 3) và tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty Kim Anh (đại diện là ông Quí); không công nhận các ông (bà) Đỗ Ngọc Tài, Đỗ Ngọc Tươi, Đỗ Thị Ngọc Sương, Hoàng Thị Kim Anh, Dương Việt Trung là thành viên của công ty; Công ty Kim Anh được quyền liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng để đăng ký thay đổi, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty ngay khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; Chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Đỗ Ngọc Quí: Công nhận toàn bộ số vốn góp của Công ty Kim Anh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng cấp ngày 24/8/2009 có số vốn điều lệ hơn 113,483 tỷ đồng là do ông Quí góp.
Quyết định kháng nghị của Viện KSND tỉnh Sóc Trăng (ngày 22/3/2019) đối với bản án sơ thẩm (ngày 7/3/2019) của TAND tỉnh Sóc Trăng.
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng lần này lại tiếp tục bị Viện KSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị (quyết định ngày 22/3/2019). Theo nhận định của Viện KSND tỉnh Sóc Trăng, bản án này có những vi phạm: Về thủ tục tố tụng, trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thể hiện trong hồ sơ và qua kiểm tra các chứng cứ tại phiên tòa nhận thấy bản án của TAND tỉnh Sóc Trăng trong quá trình đánh giá các tài liệu chứng cứ chưa thật sự khách quan, nên việc quyết định chưa đảm bảo các căn cứ qui định của pháp luật; Tòa án không xem xét nguồn gốc quá trình hình thành và phát triển tài sản của Công ty Kim Anh mà chỉ căn cứ tại thời điểm thành lập DNTN vào năm 1992 để đánh giá chứng cứ cho rằng tài sản trên là của cá nhân ông Quí góp vốn vào công ty là chưa xem xét hết các tài liệu có liên quan đến vụ kiện do các bên đương sự cung cấp, việc đánh giá như vậy là không thật sự vô tư, khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác theo qui định của pháp luật, đã vi phạm tại khoản 2 Điều 97 Bộ Luật Tố tụng dân sự;…
Việc giải quyết của tòa án không xem xét, đánh giá đầy đủ các tài liệu chứng cứ liên quan đến quá trình hình thành và phát triển tài sản của Công ty Kim Anh. Theo các chứng cứ có trong hồ sơ, nguồn vốn từ cơ sở ban đầu kinh doanh nhỏ toàn bộ do bà Kim Anh đầu tư, tại thời điểm này ông Quí còn nhỏ chỉ tiếp giúp trong gia đình. Đến khi mở rộng hoạt động kinh doanh từ cơ sở Kim Anh lên thành DNTN, vốn được hình thành ban đầu của doanh nghiệp Kim Anh là từ cơ sở mua bán nhỏ của bà Kim Anh bỏ ra, ông Quí (con của bà Kim Anh) có khả năng giao tiếp nên bà Kim Anh để cho ông đứng chủ doanh nghiệp để thuận lợi cho việc quan hệ kinh doanh. Nhưng trong quá trình xét xử, tòa án chỉ căn cứ vào giấy phép đăng ký kinh doanh thành lập Công ty Kim Anh do ông Quí đứng tên chủ doanh nghiệp để xác định toàn bộ tài sản của Công ty Kim Anh là tài sản riêng của ông Quí là không đúng với thực tế khách quan của vụ án.
Các tài sản của các thành viên (5 người) góp được thể hiện theo biên bản kiểm chứng tài sản của Công ty Kim Anh ngày 29/10/1994, có chứng nhận của Phòng công chứng ngày 25/11/1994; bản thân ông Quí cũng thể hiện ý chí trong biên bản định giá tài sản với nội dung: “Trong hoạt động kinh doanh của DNTN Kim Anh gia đình tôi có đứng tên sở hữu một số tài sản. Nay tôi xin chuyển sở hữu cho mẹ và em tôi”; biên bản đại hội các thành viên đã cử ông Quí làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty, bà Kim Anh là kiểm soát viên công ty.
Viện KSND tỉnh Sóc Trăng cũng chứng minh việc góp vốn và tỉ lệ góp vốn của các thành viên được thể hiện qua các lần thay đổi tăng vốn điều lệ của công ty trong giấy phép đăng ký kinh doanh, được cơ quan chức năng cấp phép công nhận hợp pháp đảm bảo đúng theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Còn ông Quí cho rằng các thành viên đứng tên dùm nhưng không cung cấp văn bản nào để xác định tài sản của Công ty Kim Anh là tài sản riêng của ông và việc các thành viên đứng tên dùm cho ông Quí.
Về án phí, bản án sơ thẩm ngày 7/3/2019 của TAND tỉnh Sóc Trăng buộc ông Trung, ông Tài, ông Tươi, bà Sương và các thừa kế của bà Kim Anh phải chịu án phí sơ thẩm là không chính xác, vì vụ kiện này nguyên đơn yêu cầu không công nhận thành viên công ty và ông Quí yêu cầu xác định phần vốn góp là của ông Quí. Các bị đơn không có yêu cầu chia phần hùn, nhưng bản án lại buộc các bị đơn phải chịu án phí theo tỉ lệ phần trăm phần hùn là không đúng qui định.
Từ những vi phạm và phân tích đó, xét thấy bản án sơ thẩm nói trên của TAND tỉnh Sóc Trăng đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nên Viện KSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị bản án của TAND tỉnh Sóc Trăng theo thủ tục phúc thẩm; đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Bạch Dương