Sóc Trăng: Lò mổ gây ô nhiễm môi trường, tỉnh "lệnh" di dời, huyện lại “xin” cho... tồn tại
(Dân trí) - Mặc dù UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định di dời cơ sở giết mổ ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) ra khỏi khu dân cư trong năm 2015, nhưng UBND huyện Mỹ Xuyên lại có văn bản xin gia hạn để “giúp” chủ lò mổ tồn tại thêm thời hạn một năm khiến người dân bức xúc vì họ đã phải chịu đựng nỗi khổ của lò mổ này từ nhiều năm qua.
Lò giết mổ làm khổ người dân
Theo phản ánh của người dân ở ấp Tâm Phước cũng như ở khu vực lân cận thuộc xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên): Lò mổ Đại Tâm xây dựng từ năm 2006, nằm trong khu dân cư, công suất thiết kế từ 100- 120 con heo/ngày. Nhưng thực tế, lò mổ này tổ chức giết mổ mỗi ngày lên đến 220 con, vượt xa công suất thiết kế. Không chỉ có như vậy, tình trạng ô nhiễm do lò mổ này gây ra khiến nhiều người dân bức xúc.
Nhìn xuống dòng kênh đen ngòm trước dãy nhà của nhiều hộ đang sinh sống (cạnh khu vực lò mổ), nhiều người dân cho biết: “Chúng tôi là người nông dân Khmer quanh năm chỉ sống bằng làm ruộng, làm rẫy. Từ khi có lò mổ này, nhất là những năm gần đây, nước thải, phân heo, sản phẩm thừa của quá trình giết mổ được chủ lò mổ đẩy thẳng xuống kênh khiến cho dòng kênh đen ngòm, nước hôi thối gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các hộ dân trong khư vực. Nước kênh không thể dùng tưới cây nên rau màu thiếu nước, không sống nổi. Chúng tôi kêu nhiều nhưng chủ lò mổ này không quan tâm đến cuộc sống của dân, phớt lờ pháp luật”.
Nhiều người dân ở cạnh lò mổ cho biết: Khoảng 4h sáng mỗi ngày, cả khu dân cư nằm trên con hẻm dẫn vào lò giết mổ Đại Tâm đã náo động bởi tiếng xe chạy, lợn kêu khiến cho nhiều người, nhất là trẻ em và phụ nữ không bao giờ được ngủ trọn giấc. Sức khỏe bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, bởi tiếng ồn đinh tai nhức óc.
Không thể vào lò mổ bằng đường cổng chính, chúng tôi phải theo một người dân đi vòng từ phía khu dân cư. Mặc dù đứng khá xa khu giết mổ nhưng chúng tôi đã ngộp thở bởi mùi hôi thối. Người dẫn đường nói: “Trời nắng cũng khổ vì mùi hôi thối, trời mưa còn khổ hơn vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc”. Đồng thời, ông cũng chỉ cho chúng tôi thấy dãy chuồng nuôi gia súc và đường thoát nước thải từ lò mổ đang chảy trực tiếp xuống dòng kênh.
Được biết, lò giết mổ này được hình thành từ năm 2006 với quy mô cấp xã, công suất giết mổ tối thiểu khoảng 15- 20 con/ngày. Nhưng đến năm 2007, khi UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định đóng cửa lò mổ duy nhất ở TP.Sóc Trăng của một doanh nghiệp thì hàng chục hộ kinh doanh, giết mổ gia súc không còn đất hành nghề. Trong khi đó, lò giết mổ Đại Tâm chỉ cách TP.Sóc Trăng khoảng 1km, lại nằm trên Quốc lộ 1A, giá thuê mặt bằng chỉ 7.000 - 10.000 đồng/con heo... nên nhiều hộ đã đổ về lò mổ này thuê mặt bằng. Từ đó, công suất của lò giết mổ Đại Tâm ngày càng lớn, mỗi ngày khoảng 200 - 220 con.
Một người phụ nữ trạc ngoài 60 tuổi ở gần lò mổ cho biết, bây giờ đang là mùa khô hạn nhưng mùi hôi thối từ lò mổ đã bốc lên nồng nặc, dòng kênh trước nhà bà đen ngòm, hôi thối quá sức chịu đựng; còn mùa mưa thì không thể nào nói hết khi nước trên trời đổ xuống, nước trên đường chảy vào, nước trong lò mổ xả ra, trong khi đó, nền nhà của bà con rất thấp nên bao nhiêu nước thối, rác thải từ lò mổ tha hồ trôi vào nhà. Bà nói trong bức xúc: “Chúng tôi là dân đen, kêu không thấu cơ quan chức năng của xã, của huyện mà chỉ biết kêu trời thôi”.
Kết luận của Thanh tra Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, cơ sở giết mổ gia súc Đại Tâm không đủ tiêu chuẩn hoạt động như nơi nhốt heo chưa đảm bảo; nơi xử lý nước thải, chất thải không đủ để xử lý với công suất giết mổ; ao sinh học không đủ chứa nước thải; nước sử dụng chưa qua lọc;... Một cán bộ thuộc Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng nói: “Mỗi ngày cơ sở giết mổ Đại Tâm đã cho ra 200 - 220 con/ngày thì đủ thấy mức độ ô nhiễm khủng khiếp đến mức nào”.
Trước thực trạng ô nhiễm đó, ngày 12/8/2014, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định 841 với nội dung phê duyệt đề án Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc tập trung giai đoạn 2013-2020; chủ trương di dời lò giết mổ này và yêu cầu chủ lò mổ thực hiện nghiêm quyết định quy hoạch các lò mổ của UBND tỉnh đã ban hành đầu năm 2016.
Trạm Thú y huyện Mỹ Xuyên cũng có văn bản số 13 về việc chấp hành quyết định 841. Theo văn bản này, công suất giết mổ tại lò mổ Đại Tâm (200-220 con) đã vượt xa dự án mở rộng cơ sở này (100- 120 con/ngày đêm), làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường xung quanh. Từ đó, Trạm Thú y huyện Mỹ Xuyên đề nghị UBND huyện này chỉ đạo các Phòng, Ban có liên quan và UBND xã Đại Tâm phối hợp thực hiện đúng tinh thần quyết định 841. Tuy nhiên, đến thời điểm này chủ lò mổ Đại Tâm là bà Diệp Thị Bảy vẫn cố tình không thực hiện cam kết di dời trong năm 2015 và phớt lờ quyết định của UBND tỉnh.
Theo đó, Quyết định 841 ra đời nhằm đảm bảo thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, tránh ô nhiễm môi trường nên xóa bỏ và di dời các điểm giết mổ nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, trong đó có lò mổ Đại Tâm, đồng thời mời gọi doanh nghiệp đầu tư. Thế nhưng thời hạn đến hết năm 2015 mà lò giết mổ Đại Tâm vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí chính quyền cấp huyện còn “ủng hộ” cho tồn tại.
Tỉnh "lệnh" di dời, huyện lại "xin" cho... tồn tại
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Sóc Trăng, lò giết mổ Đại Tâm phải di dời ra khỏi khu vực đông dân cư và xây dựng mới chỗ khác theo quy hoạch với quy mô 3.000m2, công suất giết mổ 50 con heo/ngày. Hiện tại, thời gian theo quy định đã hết nhưng lò mổ Đại Tâm vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ, thậm chí còn nâng công suất giết mổ lên gấp đôi khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư càng thêm nghiêm trọng, đe dọa an toàn vệ sinh thực phẩm và làm giảm sút lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia xây dựng các lò mổ tập trung theo kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Với chức năng của mình, thay vì quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe của người dân, ngăn chặn ô nhiễm môi trường và đôn đốc chủ lò mổ Đại Tâm chấp hành nghiêm quyết định của UBND tỉnh, ngược lại ông Đào Đắc Hùng (Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên) lại có văn bản gửi cơ quan chức nâng cấp trên “xin” cho lò mổ này được hoạt động đến hết năm 2016. Trong công văn gửi Sở NN&PTNT, ông Hùng cho rằng số heo giết mổ hiện tại đã lên đến 220 con/ngày nhưng quy hoạch lại chỉ còn 50 con/ngày là chưa hợp lý.
Điều dư luận quan tâm là ông Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên đã ngang nhiên bỏ qua các quy định có tính pháp lý khi ông cho rằng công suất giết mổ của lò mổ Đại Tâm đạt 220 con/ngày công suất “lụi”, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nó đang dẫn đến hậu quả không đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu vực đông dân cư sinh sống. Ông Hùng cũng kiến nghị Sở NN&PTNN “góp ý” để UBND tỉnh Sóc Trăng điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng có lợi cho lò mổ Đại Tâm, đảm bảo giữ nguyên công suất giết mổ thực tế 220 con heo/ngày. Bên cạnh đó, Hùng cũng kiến nghị gia hạn việc di dời lò mổ này đến hết năm 2016 và “đề nghị” UBND tỉnh phải có chính sách hỗ trợ di dời lò mổ khỏi khu dân cư ?.
Doanh nghiệp xây lò mổ hiện đại “chết” trên "thảm đỏ" kêu gọi đầu tư
Nói đến lời kêu gọi đầu tư xây dựng lò giết mổ đạt tiêu chuẩn của tỉnh Sóc Trăng, ông Lý Minh Chánh (chủ DNTN vựa heo Tý tại TP.Sóc Trăng) ngậm ngùi: “Theo lời kêu gọi đầu tư của các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương, chúng tôi đã đầu tư 35 tỷ đồng (80% vốn vay ngân hàng) xây dựng lò mổ thuộc diện lớn nhất khu vực ĐBSCL trên diện tích hơn 12ha với công suất 800 con heo, 300 con trâu, bò và 3.000 con gia cầm mỗi ngày tại phường 8, TP.Sóc Trăng. Cơ sở này cách xa khu dân cư, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, đầu tư đúng theo quyết định quy hoạch của tỉnh Sóc Trăng về xây dựng hệ thống giết mổ gia súc gia cầm tập trung trên địa bàn giai đoạn 2013-2020. Thế nhưng, đến nay coi như doanh nghiệp chúng tôi đã “chết” ngay trên cái gọi là “thảm đỏ” do chính quyền trải ra. Hiện nay, chúng tôi đã phải trưng biển rao bán lò mổ vì địa phương không thực hiện đúng những gì đã cam kết trước đó”.
Theo quy hoạch, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bán công nghiệp. Trước mắt, năm 2015, sẽ chấm dứt hoạt động 42 điểm giết mổ nhỏ lẻ và 3 cơ sở giết mổ nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh thú y. Đồng thời, nâng cấp 6 lò giết mổ không đáp ứng điều kiện nhưng nằm trong quy hoạch, di dời 4 lò mổ vào khu quy hoạch; kêu gọi đầu tư mới 3 lò mổ tại TP.Sóc Trăng, huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, nhưng đến nay chỉ có lò mổ tại TP.Sóc Trăng của ông Chánh được xây dựng, hoạt động vào đầu năm 2016.
Trong thực tế, việc thực hiện quy hoạch rất ì ạch. Các điểm giết mổ nhỏ lẻ cũng như các lò mổ gây ô nhiễm môi trường, tự ý nâng công suất trái phép, nằm trong khu dân cư,… vẫn hoạt động rầm rộ. Chính vì vậy, hiện nay lò mổ của ông Chánh chỉ hoạt động 10% công suất (khoảng 2 triệu đồng doanh thu). Trong khi đó, để tồn tại, mỗi ngày cơ sở này phải đạt doanh thu trên 22 triệu đồng. Chưa kể, mỗi tháng ông còn phải đóng lãi ngân hàng 250 triệu đồng, chưa tính lương nhân viên, chi phí bảo trì thiết bị, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải,… Đến nay, sau 6 tháng hoạt động, doanh nghiệp đã lỗ hơn 4 tỷ đồng. “Chúng tôi đã kêu cứu nhiều nơi nhưng đâu vẫn vào đấy, quy hoạch còn nằm trên giấy. Môi trường đầu tư không minh bạch đã đẩy chúng đôi đến bờ vực phá sản. Để cắt lỗ, không còn cách nào khác, chúng tôi đã treo bảng kêu bán lò mổ dù chịu lỗ 5-7 tỷ nữa”, ông Lý Minh Chánh buồn bã cho biết.
Tỉnh Sóc Trăng quy hoạch lại các lò mổ trên địa bàn, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng lò mổ gia súc tập trung để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh, an toàn dịch tễ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng... nhưng cấp dưới là UBND huyện Mỹ Xuyên lại thực thi không nghiêm. Một chủ trương, quyết định lớn như vậy khi đưa vào cuộc sống đã bị “vô hiệu hóa” bởi cơ quan có thẩm quyền. Liệu có khuất tất, lợi ích nhóm từ lò giết mổ Đại Tâm này hay không ? Tại sao tỉnh nói mà huyện không nghe ?
Bạch Dương