Sóc Trăng: Lắt léo một vụ giải quyết khiếu nại của công dân

(Dân trí) - Ông Khương cho bà Én mượn một phần đất để ở. Thế nhưng, sau đó bà Én trở mặt cho rằng đất đó bà mua lại của ông Khương. Bà Én được sự “tiếp tay” của một số cán bộ có thẩm quyền có trong tay sổ đỏ một phần của diện tích đất đã mượn.

Theo trình bày của ông Trần Văn Khương ở ấp 5, thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng): Vào năm 1984, bà Trần Thị Én cùng chồng là ông Nguyễn Quốc Cường (cán bộ Văn phòng UBND huyện Long Phú) đến gặp gia đình ông Trần Văn Khương hỏi mượn một nền nhà tại địa chỉ trên để ở.

Lúc đầu vì gia đình đông con nên ông Khương không đồng ý. Nhưng khi đích thân ông Trần Văn Chương (cha ruột của bà Én và là thông gia với cha ruột của ông Khương) đến hỏi mượn thì ông Khương đồng ý cho mượn nền nhà diện tích khoảng 90m2, thời gian mượn là 4 - 5 năm.

Năm 1989, ông Khương sang gặp vợ chồng bà Én đặt vấn đề lấy lại đất cho con làm nhà thì vợ chồng bà Én lật lọng, không chịu trả với lý do ông Khương đã bán cho vợ chồng bà vào năm 1981 với giá 1 triệu đồng. Ông Khương không chịu, bà Én đưa ra “bằng chứng" là tờ giấy photo có nội dung như trên. Ông Khương không đồng ý nên vụ việc phải đưa ra chính quyền. Qua xác minh, cơ quan chức năng yêu cầu bà Én trình bản chính giấy mua bán nhưng bà Én không có.

Để hợp thức hóa việc chiếm đất của ông Khương, bà Én nhờ ông Trần Văn Quang (Phó Chánh Thanh tra huyện Long Phú) viết cho bà tờ giấy xác nhận với nội dung là ông có nhận tờ giấy mua bán đất giữa ông Khương với bà Én nhưng đã làm mất bản chính tờ giấy mua bán đó. Thế nhưng, những căn cứ đó không đủ cơ sở pháp lý nên không được UBND huyện Long Phú chấp thuận (đồng thời ông Quang cũng bị kỷ luật về chuyện này).

Năm 2003, UBND huyện Long Phú đã ban hành các Quyết định số 78, 378, 2238 với nội dung thừa nhận phần đất mà bà Én đang ở là của ông Khương, buộc bà Én phải dỡ nhà, trả lại đất cho ông Khương. Tuy nhiên, Quyết định số 378/QĐ.HC, ngày 8/4/2003 của UBND huyện Long Phú bị ông Khương khiếu nại bởi cách tính của UBND huyện Long Phú hết sức phi lý: Trả đất cho ông Khương với chiều dài 14,5m tính từ…tim đường, còn phần phía sau vẫn là của bà Én với lý do bà Én mua của bà Mã Thị Bê. Thế nhưng, theo những nhân chứng ở địa phương, phần đất trên nằm trong diện tích đất của ông Khương mua lại từ bà Cảnh, còn bà Mã Thị Bê không có giấy tờ gì chứng minh bà có đất tại vị trí nói trên.

Sau đó, bà Én khiếu nại lên UBND tỉnh. Ngày 7/3/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 31/QĐ.GQKT 05 với nội dung: Hủy các quyết định 78, 378, 2238 của UBND huyện Long Phú, công nhận phần đất mà ông Khương đòi lại là của bà Én. Cũng trong quyết định này, UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Theo hồ sơ lưu trữ tại Sở TN-MT thì phần đất của ông Khương không nằm tại nơi đang tranh chấp với bà Én và chưa thể khẳng định nó nằm tại vị trí nào! Thậm chí, UBND tỉnh còn cho rằng ông Khương đang chiếm đất trái phép của nhà nước. Thế là, từ chỗ làm ơn, cuối cùng ông Khương không chỉ bị mất đất mà còn bị quy vào tội chiếm trái phép đất của nhà nước! Hài hước hơn, phần đất ấy lại đang do bà Én chiếm giữ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Khương trên phần đất phía sau mà chính quyền địa phương cho là của bà Én.
Ông Khương trên phần đất phía sau mà chính quyền địa phương cho là của bà Én.

Cầm Quyết định số 31/QĐ.GQKT. 05 của UBND tỉnh Sóc Trăng, gia đình ông Khương đến Trung tâm Thông tin TN-MT Sóc Trăng xin trích lục hồ sơ thì được Trung tâm cho biết Trung tâm không có hồ sơ về khu đất đó. Sau đó, ông Khương được cấp giấy giới thiệu đến Trung tâm Lưu trữ địa chính ở TPHCM để xin trích lục.

Rõ ràng, cán bộ tham mưu cho UBND tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra một căn cứ hết sức mơ hồ, không có thật nhằm giúp bà Én chiếm đoạt đất của ông Khương. Chúng tôi cũng đã gặp ông Trần Văn Quang (hiện đang công tác tại Thanh tra Nhà nước tỉnh Sóc Trăng) và ông Quang thừa nhận tờ giấy mà ông viết xác nhận cho bà Én là không đúng sự thật và cũng vì tờ giấy đó mà ông đã bị kỷ luật.

Còn các nhân chứng ở địa phương như các ông Đỗ Văn Ba, Nguyễn Văn Quới, Tiêu Hồng Vinh, Lâm Kên, Lâm Khách… đều khẳng định: Phần đất mà bà Én đang sử dụng là đất của ông Khương mua lại của bà Diệp Thị Cảnh (có giấy mua bán do chính quyền xác nhận ngày 18/2/1974) có số đo ngang 33m, dài 19m, được chia thành nhiều lô, trong đó có lô đất cho bà Én mượn. Nhân chứng ở địa phương đều xác nhận ông Khương cho vợ chồng bà Én mượn chứ không hề có chuyện mua bán.

Ông Nguyễn Văn Quới (nguyên Chủ tịch UBND xã Long Phú thời điểm 30/4/1975) xác nhận: “Hồi mới tiếp thu, tôi biết ông Khương có thửa đất mua của bà Cảnh, phía sau giáp hàng rào kẽm gai của trụ sở Đồn Nhà Lầu, phía trước giáp đường đi Lịch Hội Thượng, sau đó ông Khương cho bà Én mượn một phần cất nhà để ở tạm”. Nói về tờ giấy mua bán mà bà Én đưa ra, ông Khương khẳng định, tờ giấy do bà Én tự viết, sau đó cắt chữ ký của ông dán vào rồi đem photo.

Đặc biệt, theo nội dung tờ giấy mua bán (photo), số tiền mà bà Én bỏ ra mua miếng đất 90m2 là 1 triệu đồng vào thời điểm năm 1981 là con số không tưởng. Vào thời điểm đó, 1.000 đồng mua được 3 lượng vàng. Vậy thì 1 triệu đồng có thể mua được 3.000 lượng vàng. Nếu bà Én cho rằng bà mua gần 90m2 đất với giá 1 triệu đồng thì tính ra phải trên 33 lượng vàng/m2 ?. Trong khi đó, tại thời điểm năm 2010, đất ở đó chỉ có giá khoảng 8- 9 chỉ vàng/m2. Khi chúng tôi đặt phép tính này lên bàn làm việc của một số cán bộ huyện Long Phú và tỉnh Sóc Trăng thì ai cũng…giật mình.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi được, ngày 20/2/2009, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 10/QĐKN-CTUBND với nội dung “Thu hồi Quyết định số 31/QĐ.GQKT. 05, ngày 7/3/2005 của UBND tỉnh Sóc Trăng; công nhận Quyết định 378/QĐ.HC, ngày 8/4/2003 của UBND huyện Long Phú về việc giải quyết tranh chấp đất thổ cư giữa ông Trần Văn Khương với bà Trần Thị Én”. Với quyết định này, ông Khương không đồng ý vì ông mất toàn bộ 50m2 phần đất phía sau do chính quyền tính đất ông bắt đầu từ giữa đường đi về xã Lịch Hội Thượng.

Ông Khương nói: “Con đường đi này có từ thời chế độ cũ, đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Khi mua đất của bà Cảnh, tôi mua từ mé đường vào sâu chứ ai lại đi mua đất mà đo từ giữa đường vào. Vô lý vậy mà chính quyền vẫn cho là đúng”. Với cách giải quyết đó, UBND tỉnh Sóc Trăng không chỉ cho rằng đã giải quyết khiếu nại của ông Khương mà còn “cứu” được bà Trần Thị Én. Hiện tại, ông Khương vẫn tiếp tục khiếu nại yêu cầu trả lại phần đất phía sau nhà ông còn bỏ trống mà chính quyền cho rằng là đất của bà Én.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Bạch Dương